Đi đến nội dung

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | GIÔ-NA-THAN

“Đôi bạn thân gắn bó với nhau”

“Đôi bạn thân gắn bó với nhau”

Trận chiến đã kết thúc. Bầu không khí tĩnh mịch bao trùm khắp thung lũng Ê-lát. Gió chiều xào xạc thổi qua lều của trại quân. Vua Sau-lơ đang có cuộc gặp với một số người, trong đó gồm con trai cả của ông là Giô-na-than. Một chàng chăn cừu cũng có mặt và đang hào hứng kể chuyện cho mọi người nghe. Đó là Đa-vít, chàng trai tràn đầy nhiệt huyết. Sau-lơ chăm chú lắng nghe từng lời Đa-vít kể. Nhưng còn Giô-na-than thì sao? Suốt nhiều năm chinh chiến cho đạo quân của Đức Giê-hô-va, ông đã giành được nhiều thắng lợi. Nhưng chiến công hôm nay không thuộc về Giô-na-than, mà lại thuộc về chàng trai kia. Đa-vít đã hạ gục gã khổng lồ Gô-li-át! Giô-na-than có ghen tị khi Đa-vít được ca ngợi không?

Phản ứng của Giô-na-than có thể khiến chúng ta ngạc nhiên. Kinh Thánh cho biết: “Ngay sau khi Đa-vít nói chuyện với Sau-lơ, Giô-na-than cùng Đa-vít thành đôi bạn thân gắn bó với nhau, và Giô-na-than yêu quý Đa-vít như chính mình”. Giô-na-than đã trao cho Đa-vít bộ khí giới của ông, kể cả cung. Cây cung ấy thật sự là món quà quý giá vì Giô-na-than là một cung thủ lừng danh. Không những thế, hai người còn lập một giao ước trang trọng gắn kết họ thành đôi bạn thân thiết, luôn giúp đỡ nhau.​—1 Sa-mu-ên 18:1-5.

Đó là một trong những tình bạn gắn bó nhất được đề cập trong Kinh Thánh. Tình bạn là điều quan trọng đối với những người có đức tin. Nếu chúng ta chọn bạn một cách khôn ngoan, biết giúp đỡ và trung thành với nhau thì đức tin của chúng ta có thể được củng cố trong thời kỳ lạnh nhạt này (Châm ngôn 27:17). Hãy xem xét những bài học được rút ra về tình bạn của Giô-na-than.

Nền tảng của tình bạn

Làm thế nào mà tình bạn ấy có thể nảy nở nhanh chóng như thế? Câu trả lời nằm ở nền tảng của tình bạn này. Hãy xem xét hoàn cảnh lúc đó. Giô-na-than đang trải qua giai đoạn khó khăn. Vua Sau-lơ đã dần thay đổi và trở nên tồi tệ hơn. Từ một người có đức tin mạnh mẽ, khiêm nhường và vâng phục, Sau-lơ trở thành vị vua thiếu đức tin, kiêu ngạo và bất phục tùng.​—1 Sa-mu-ên 15:17-19, 26.

Hẳn sự thay đổi của Sau-lơ khiến Giô-na-than vô cùng bối rối vì hai cha con gắn bó với nhau (1 Sa-mu-ên 20:2). Rất có thể Giô-na-than thắc mắc: Liệu Sau-lơ có gây hại cho dân mà Đức Giê-hô-va đã chọn không? Sự bất phục tùng của vua có thể khiến cả dân tộc đi chệch khỏi con đường đúng và đánh mất ân huệ của Đức Giê-hô-va không? Hẳn đây là giai đoạn khó khăn đối với một người có đức tin mạnh như Giô-na-than.

Hoàn cảnh ấy có thể giúp chúng ta hiểu điều gì thu hút Giô-na-than đến gần Đa-vít. Ông thấy được đức tin mạnh mẽ của chàng trai này. Khác với quân đội của Sau-lơ, Đa-vít không hề run sợ trước vóc dáng khổng lồ của Gô-li-át. Đa-vít tin chắc rằng khi ra trận nhân danh Đức Giê-hô-va, chàng sẽ mạnh hơn Gô-li-át dù hắn có vũ khí trong tay.​—1 Sa-mu-ên 17:45-​47.

Nhiều năm trước, Giô-na-than cũng có niềm tin tương tự. Ông tin chắc rằng chỉ cần hai người, ông và người mang vũ khí, là đã có thể tấn công và đập tan đồn trú. Tại sao ông tin như vậy? Giô-na-than nói rằng: “Không điều gì có thể cản Đức Giê-hô-va” (1 Sa-mu-ên 14:6). Thế nên, Giô-na-than và Đa-vít có những điểm tương đồng. Cả hai đều có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va và yêu thương ngài tha thiết. Đó là nền tảng tốt nhất cho tình bạn của họ. Dù Giô-na-than là một hoàng tử cao trọng và đã gần 50 tuổi, trong khi Đa-vít chỉ là chàng chăn cừu hèn mọn và rất có thể chưa đầy 20 tuổi, nhưng sự khác biệt ấy không phải là vấn đề cản trở tình bạn giữa hai người. *

Giao ước giữa hai người thật sự đã bảo vệ tình bạn của họ. Như thế nào? Đa-vít biết ý định của Đức Giê-hô-va dành cho mình: trở thành vị vua tiếp theo của Y-sơ-ra-ên! Đa-vít có giữ bí mật với Giô-na-than về điều ấy không? Không hề! Một tình bạn tốt được vun đắp dựa trên việc trò chuyện cởi mở, chứ không phải là sự bí mật hoặc dối trá. Khi biết triển vọng của Đa-vít, Giô-na-than cảm thấy thế nào? Nói sao nếu Giô-na-than ấp ủ hy vọng làm vua và muốn sửa đổi những việc làm sai trái của cha mình? Kinh Thánh không cho biết là Giô-na-than có đấu tranh với suy nghĩ tiêu cực nào trong hoàn cảnh này hay không. Kinh Thánh chỉ nhắc đến điều thật sự quan trọng, đó là lòng trung thành và đức tin của Giô-na-than. Ông nhận thấy thần khí của Đức Giê-hô-va ở cùng Đa-vít (1 Sa-mu-ên 16:1, 11-13). Giô-na-than đã giữ lời thề và tiếp tục xem Đa-vít là bạn, chứ không phải kẻ thù. Ông muốn ý định của Đức Giê-hô-va được thực hiện.

Giô-na-than và Đa-vít đều có đức tin mạnh mẽ và tình yêu thương sâu đậm đối với Đức Giê-hô-va

Tình bạn đó mang lại nhiều ân phước cho họ. Vậy, chúng ta có thể học được gì từ đức tin của Giô-na-than? Tôi tớ Đức Chúa Trời nên thấy được giá trị của tình bạn. Bạn bè không cần cùng tuổi tác hoặc có hoàn cảnh xuất thân giống nhau, nhưng những người bạn có đức tin mạnh mẽ thì đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Giô-na-than và Đa-vít đã nhiều lần khích lệ và làm vững mạnh nhau. Cả hai đều cần điều đó, vì tình bạn của họ sắp đối mặt với những thử thách lớn hơn.

Thử thách về lòng trung thành

Lúc đầu, Sau-lơ rất quý mến Đa-vít và phong cho chàng làm tướng chỉ huy quân đội. Nhưng không lâu sau, Sau-lơ bị khuất phục bởi một kẻ thù nguy hiểm mà Giô-na-than đã chiến thắng, đó là lòng ghen tị. Đa-vít đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trước kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên là người Phi-li-tia, và nhận được sự ca ngợi, ngưỡng mộ. Thậm chí, một số phụ nữ Y-sơ-ra-ên còn hát: “Sau-lơ giết hàng ngàn, Đa-vít giết hàng vạn”. Bài hát đó khiến Sau-lơ bực bội. Kinh Thánh cho biết: “Kể từ đó, Sau-lơ luôn nhìn Đa-vít bằng ánh mắt nghi ngờ” (1 Sa-mu-ên 18:7, 9). Sau-lơ sợ Đa-vít sẽ lật đổ vương quyền. Đó là một suy nghĩ dại dột. Thật thế, dù biết rằng mình sẽ là người kế vị, nhưng Đa-vít không bao giờ nghĩ đến việc cướp ngôi của vị vua được Đức Giê-hô-va xức dầu!

Sau-lơ lập mưu để Đa-vít phải bỏ mạng ở chiến trường, nhưng âm mưu ấy thất bại. Đa-vít tiếp tục thắng trận và ngày càng được dân chúng kính nể. Chưa dừng lại ở đó, Sau-lơ xúi giục tất cả gia nhân gồm bề tôi và con trai mình tìm cách giết Đa-vít. Hãy hình dung Giô-na-than cảm thấy đau lòng thế nào khi cha hành động như vậy! (1 Sa-mu-ên 18:25-30; 19:1). Giô-na-than trung thành với cha, nhưng ông cũng trung thành với bạn. Tuy nhiên, giờ đây Giô-na-than phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội tâm: “Mình chọn trung thành với ai?”.

Giô-na-than lên tiếng: “Đức vua không nên phạm tội cùng tôi tớ ngài là Đa-vít vì anh ấy chẳng phạm tội cùng ngài, những gì anh ấy làm đều mang lại lợi ích cho ngài. Anh ấy liều mạng đi giết tên Phi-li-tia kia để Đức Giê-hô-va mang chiến thắng vinh quang cho cả Y-sơ-ra-ên. Ngài đã chứng kiến điều đó và rất đỗi vui mừng. Vậy tại sao ngài lại phạm tội nghịch cùng máu vô tội mà giết Đa-vít cách vô cớ?”. Trong một lúc hiếm hoi, Sau-lơ đã tỏ ra biết lý lẽ khi nghe lời Giô-na-than và thậm chí còn thề là sẽ không làm hại Đa-vít. Nhưng Sau-lơ không phải là người giữ lời hứa. Khi Đa-vít giành được nhiều chiến thắng hơn thì Sau-lơ ghen tị đến mức phóng ngọn giáo vào Đa-vít! (1 Sa-mu-ên 19:4-6, 9, 10). Nhưng chàng đã né và chạy thoát được.

Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống phải lựa chọn giống như Giô-na-than chưa? Điều đó có thể khiến bạn rất đau lòng. Trong tình huống ấy, một số người sẽ khuyên bạn hãy luôn đặt gia đình lên hàng đầu. Nhưng Giô-na-than hiểu rằng điều đó không đúng. Làm sao ông có thể đứng về phía cha mình khi Đa-vít là một tôi tớ trung thành và biết vâng phục của Đức Giê-hô-va? Giô-na-than đã để lòng trung thành với Đức Chúa Trời chi phối quyết định của ông. Đó là lý do tại sao ông đứng về phía Đa-vít. Nhưng dù cho Giô-na-than chọn trung thành với Đức Chúa Trời thì ông vẫn chứng tỏ lòng trung thành với cha bằng cách đưa ra lời khuyên chân tình, chứ không phải nói những lời êm tai. Mỗi chúng ta đều được lợi ích khi noi theo cách Giô-na-than thể hiện lòng trung thành.

Giữ trung thành dù phải đánh đổi nhiều điều

Một lần nữa, Giô-na-than cố gắng giúp Sau-lơ hòa thuận với Đa-vít, nhưng Sau-lơ không nghe lời con trai. Đa-vít bí mật đến gặp Giô-na-than và cho biết chàng lo ngại về tính mạng của mình. Đa-vít nói với người bạn lớn tuổi rằng: “Tôi chỉ cách cái chết có một bước!”. Giô-na-than đồng ý làm phép thử để biết lòng của cha mình về vấn đề này, rồi sẽ cho Đa-vít biết kết quả bằng cách bắn tên để ra hiệu. Giô-na-than bảo Đa-vít thề như sau: “Đừng bao giờ rút tình yêu thương thành tín của anh khỏi nhà tôi, ngay cả khi Đức Giê-hô-va xóa sạch mọi kẻ thù của Đa-vít khỏi mặt đất”. Đa-vít đồng ý là sẽ luôn chăm sóc người nhà của Giô-na-than.​—1 Sa-mu-ên 20:3, 13-27.

Khi Giô-na-than cố gắng nói tốt về Đa-vít trước mặt Sau-lơ, vua bèn nổi giận. Ông gọi Giô-na-than là “đứa con của mụ đàn bà phản nghịch” và nói rằng lòng trung thành của Giô-na-than đối với Đa-vít là sự sỉ nhục đối với gia đình. Sau-lơ tìm cách khiến Giô-na-than nghĩ đến lợi ích của bản thân khi nói: “Chừng nào thằng con của Giê-sê còn sống trên đất thì mày và vương quyền của mày sẽ chẳng vững bền được”. Thế nhưng, Giô-na-than vẫn kiên quyết năn nỉ cha: “Sao lại phải giết anh ấy? Anh ấy có làm gì đâu?”. Sau-lơ tức giận đến mức hành động một cách tàn nhẫn. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông vẫn là chiến binh mạnh mẽ. Sau-lơ phóng giáo vào con trai mình! Dù thành thạo nhưng ông đã phóng trượt. Vô cùng đau lòng và xấu hổ, Giô-na-than tức giận rời khỏi nơi đó.​—1 Sa-mu-ên 20:24-34.

Trong hoàn cảnh khó khăn, Giô-na-than đã chứng tỏ mình là người trung thành và bất vị kỷ

Sáng hôm sau, Giô-na-than đi ra đồng để đến chỗ Đa-vít ẩn nấp. Như đã thống nhất, ông bắn một mũi tên để báo hiệu cho Đa-vít biết là Sau-lơ vẫn giữ ý định giết chàng. Rồi Giô-na-than bảo người hầu việc trở về thành, chỉ còn lại ông và Đa-vít. Họ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để trò chuyện với nhau. Cả hai đều khóc, và Giô-na-than buồn rầu nói lời từ biệt người bạn trẻ vì Đa-vít sẽ phải bắt đầu cuộc đời phiêu bạt.​—1 Sa-mu-ên 20:35-42.

Trong hoàn cảnh khó khăn, Giô-na-than đã chứng tỏ mình là người trung thành và bất vị kỷ. Sa-tan, kẻ thù của tất cả những tôi tớ trung thành với Đức Giê-hô-va, chắc hẳn rất thích thú nếu Giô-na-than bắt chước Sau-lơ và đặt khát vọng có được quyền lực hoặc sự tôn vinh lên hàng đầu. Hãy nhớ rằng Sa-tan thích khơi dậy khuynh hướng ích kỷ của con người, như hắn đã làm đối với cặp vợ chồng đầu tiên là A-đam và Ê-va (Sáng thế 3:1-6). Nhưng hắn đã không thể làm thế đối với Giô-na-than. Hẳn Sa-tan bực bội làm sao! Bạn sẽ kháng cự được những cám dỗ tương tự không? Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sự ích kỷ lan tràn như đại dịch (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Bạn sẽ noi theo tinh thần bất vị kỷ và lòng trung thành của Giô-na-than không?

Là người bạn trung thành, Giô-na-than cho Đa-vít biết dấu hiệu để giúp chàng được an toàn

“Tôi quý mến anh dường bao”

Sự thù hận đối với Đa-vít khiến Sau-lơ hoàn toàn mất kiểm soát trong suy nghĩ và cảm xúc. Giô-na-than bất lực nhìn cha mình điên cuồng dẫn đầu đạo binh đi truy lùng khắp nơi để tiêu diệt một người vô tội (1 Sa-mu-ên 24:1, 2, 12-15; 26:20). Giô-na-than có tham gia không? Không chỗ nào trong Kinh Thánh nói Giô-na-than liên can đến cuộc truy lùng đó. Lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và với Đa-vít cũng như việc muốn giữ lời thề ước về tình bạn đã không cho phép Giô-na-than làm điều gian ác như thế.

Tình cảm của Giô-na-than dành cho người bạn trẻ không bao giờ thay đổi. Sau này, ông tìm cách gặp lại Đa-vít. Nơi mà hai người gặp lại có tên là Hô-rết, nghĩa là “khu rừng”. Địa điểm này nằm trong một vùng đồi núi hoang vu, rất có thể cách Hếp-rôn vài cây số về phía đông nam. Tại sao Giô-na-than lại mạo hiểm đến gặp người bạn đang chạy trốn ấy? Kinh Thánh cho biết ông muốn giúp Đa-vít “tìm kiếm sức mạnh nơi Đức Giê-hô-va” (1 Sa-mu-ên 23:16). Bằng cách nào?

Giô-na-than nói với Đa-vít: “Đừng sợ hãi”. Rồi ông trấn an người bạn trẻ ấy: “Cha tôi là Sau-lơ sẽ không tìm thấy anh đâu”. Lời trấn an này dựa trên cơ sở nào? Giô-na-than tin chắc rằng ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện. Ông nói: “Anh sẽ là vua của Y-sơ-ra-ên”. Nhiều năm trước, nhà tiên tri Sa-mu-ên được phái đến để cho biết điều đó, và giờ đây, Giô-na-than nhắc Đa-vít nhớ rằng lời của Đức Giê-hô-va luôn đáng tin cậy. Giô-na-than nghĩ gì về tương lai của mình? Ông nói: “Còn tôi sẽ đứng thứ hai sau anh”. Quả là người vô cùng khiêm nhường! Giô-na-than vui lòng ở dưới quyền và trở thành cánh tay đắc lực của một người kém ông 30 tuổi. Giô-na-than kết luận: “Sau-lơ cha tôi cũng biết điều đó” (1 Sa-mu-ên 23:17, 18). Từ trong lòng, Sau-lơ biết mình sẽ thất bại khi chống lại người được Đức Giê-hô-va chọn làm vua kế nhiệm.

Giô-na-than khích lệ Đa-vít vào đúng thời điểm

Trong những năm sau đó, hẳn Đa-vít thường nhớ lại buổi gặp mặt đầy xúc động ấy. Đáng buồn thay, đó là lần cuối hai người gặp nhau. Niềm hy vọng của Giô-na-than là trở thành người đứng thứ hai sau Đa-vít đã không bao giờ thành hiện thực.

Giô-na-than ra trận cùng cha để chiến đấu với người Phi-li-tia, dân công khai tuyên bố là kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. Ông có thể chiến đấu kề vai sát cánh cùng cha với một lương tâm trong sạch, vì ông luôn đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu bất kể cha mình mắc phải sai lầm nào. Giô-na-than đã chiến đấu với lòng can đảm và trung thành, nhưng quân Y-sơ-ra-ên vẫn bị thất thế. Sau-lơ trở nên xấu xa đến mức thực hành ma thuật, là hành động vi phạm trắng trợn Luật pháp Đức Chúa Trời. Thế nên, Đức Giê-hô-va không còn ban phước cho Sau-lơ. Ba trong số các con trai của Sau-lơ, gồm cả Giô-na-than, đều bị mất mạng trên chiến trường. Còn Sau-lơ thì bị thương và tự kết liễu đời mình.​—1 Sa-mu-ên 28:6-14; 31:2-6.

Giô-na-than nói: “Anh sẽ là vua của Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ đứng thứ hai sau anh”.​—1 Sa-mu-ên 23:17

Đa-vít vô cùng đau lòng. Người tốt bụng và giàu lòng vị tha này thậm chí còn than khóc Sau-lơ, kẻ đã khiến mình chịu biết bao gian nan, khổ sở! Đa-vít còn sáng tác một bài bi ca dành cho Sau-lơ và Giô-na-than. Trong đó, những lời mà Đa-vít dành cho người cố vấn và cũng là bạn yêu quý của mình có lẽ gây xúc động nhất: “Hỡi Giô-na-than anh trai tôi, tôi sầu khổ vì anh, tôi quý mến anh dường bao. Tình thương của anh tuyệt vời hơn tình yêu của người nữ”.​—2 Sa-mu-ên 1:26.

Đa-vít không bao giờ quên lời thề ước với Giô-na-than. Nhiều năm sau, Đa-vít đã tìm thấy và chăm sóc cho người con trai tàn tật của Giô-na-than là Mê-phi-bô-sết (2 Sa-mu-ên 9:1-13). Rõ ràng, Đa-vít đã rút ra nhiều bài học từ Giô-na-than về lòng trung thành, tính ngay thẳng và sự gắn bó với bạn bè ngay cả khi phải đánh đổi nhiều điều. Chúng ta có rút ra những bài học như thế từ câu chuyện này không? Chúng ta có thể tìm được người bạn như Giô-na-than không? Chính chúng ta có thể là người bạn như thế không? Nếu giúp bạn bè xây dựng và củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va, đặt lòng trung thành với ngài lên hàng đầu, và giữ lòng trung thành thay vì tìm kiếm lợi riêng, thì chúng ta có thể trở thành một người bạn giống như Giô-na-than. Khi ấy, chúng ta sẽ noi theo đức tin của ông.

^ đ. 7 Lần đầu tiên Kinh Thánh nhắc đến Giô-na-than là vào đầu triều đại của vua Sau-lơ. Lúc đó, ông làm tướng chỉ huy quân đội, vì thế ít nhất ông đã 20 tuổi (Dân số 1:3; 1 Sa-mu-ên 13:2). Sau-lơ cai trị trong 40 năm. Thế nên, lúc Sau-lơ qua đời, Giô-na-than khoảng 60 tuổi. Khi đó, Đa-vít mới 30 tuổi (1 Sa-mu-ên 31:2; 2 Sa-mu-ên 5:4). Vì thế, rõ ràng là Giô-na-than lớn hơn Đa-vít 30 tuổi.