Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ

Dạy con cách tỏ lòng biết ơn

Dạy con cách tỏ lòng biết ơn

 Các cuộc nghiên cứu cho thấy những người có lòng biết ơn thì hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, đối phó với nghịch cảnh tốt hơn và có tình bạn bền vững hơn. Nhà nghiên cứu Robert A. Emmons nhận xét rằng thái độ biết ơn “bảo vệ một người khỏi những điều tai hại như đố kỵ, oán giận, tham lam và cay đắng”. a

 Lòng biết ơn giúp ích cho con trẻ như thế nào? Cuộc nghiên cứu kéo dài bốn năm trên 700 người trẻ cho thấy những em có thái độ biết ơn thì ít có nguy cơ gian lận trong thi cử, dùng ma túy và lạm dụng rượu, hoặc rối loạn hành vi.

  •   Cảm giác đáng được hưởng làm suy giảm lòng biết ơn. Nhiều đứa trẻ cảm thấy mình đáng được nhận những điều tốt mình có. Một người sẽ thiếu lòng biết ơn nếu xem một điều nào đó là điều mình đáng được nhận thay vì là món quà.

     Thái độ đó rất phổ biến ngày nay. Một người mẹ tên Katherine nhận xét: “Thế giới này là lò đào tạo người ta để họ cảm thấy mình đáng hưởng mọi thứ. Các phương tiện truyền thông tới tấp tung ra những hình ảnh về mọi thứ mà chúng ta ‘đáng’ được hưởng và nên là người đầu tiên sở hữu chúng”.

  •   Lòng biết ơn có thể được vun trồng từ khi còn nhỏ. Một người mẹ tên Kaye nhận xét: “Con trẻ dễ uốn nắn. Dạy con những thói quen tốt khi chúng còn nhỏ giống như việc uốn cho cây mọc thẳng”.

Cách dạy con có lòng biết ơn

  •   Dạy cách nói. Ngay cả con trẻ cũng có thể tập nói cám ơn khi được ai đó tặng quà hay đối xử tử tế. Nhờ thế khi lớn lên và trưởng thành, chúng sẽ quý trọng lòng rộng rãi của người khác một cách sâu xa hơn.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy tỏ lòng biết ơn”.—Cô-lô-se 3:15.

     “Cháu trai ba tuổi của chúng tôi luôn nói: ‘Cám ơn’, và mỗi khi nhờ người khác điều gì thì cháu dùng từ ‘xin’. Cháu học điều đó từ cha mẹ. Cách cư xử và lời nói cám ơn của cha mẹ đã dạy cháu biết tỏ lòng biết ơn”.—Anh Jeffrey.

  •   Dạy hành động. Điều hữu ích là dạy con viết thiệp cám ơn khi được ai đó tặng quà. Ngoài ra, giao việc cho con cũng là cách giúp con hiểu cần nhiều công sức đến mức nào để giữ cho nhà cửa gọn gàng ngăn nắp.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công vụ 20:35.

     “Hai con chúng tôi ở tuổi thanh thiếu niên phụ giúp bếp núc và làm việc nhà. Nhờ thế, chúng hiểu cha mẹ phải bỏ ra nhiều công sức đến mức nào cho những việc ấy và biết ơn hơn về điều mình nhận được”.—Chị Beverly.

  •   Dạy thái độ. Có thái độ biết ơn giống như một cây phát triển trên đất tốt, là sự khiêm nhường. Những người khiêm nhường thì nhận ra mình cần sự giúp đỡ để có thể hoàn thành bất cứ việc gì, và điều đó thúc đẩy họ biết ơn người giúp mình.

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình, đồng thời hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:3, 4.

     “Đôi khi, gia đình chúng tôi chơi ‘trò chơi biết ơn’ vào bữa tối. Mỗi người lần lượt cho biết về điều mà mình biết ơn. Nhờ thế, mọi người đều có thái độ tích cực, biết ơn thay vì tiêu cực, chỉ nghĩ đến mình”.—Chị Tamara.

 Mẹo: Hãy nêu gương cho con. Con cái sẽ dễ học để trở nên biết ơn hơn khi thấy cha mẹ thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn với người khác, và với chúng.

a Từ sách Thanks! How Practicing Gratitude Can Make You Happier.