Đi đến nội dung

Chúa Giê-su trông như thế nào?

Chúa Giê-su trông như thế nào?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Không ai biết chính xác Chúa Giê-su trông như thế nào vì Kinh Thánh không mô tả về ngoại hình của ngài. Điều này cho thấy đặc điểm bên ngoài của Chúa Giê-su không quan trọng. Nhưng qua Kinh Thánh, chúng ta biết sơ qua về ngoại hình của Chúa Giê-su.

  •   Đặc điểm: Chúa Giê-su là người Do Thái và rất có thể ngài được di truyền những nét đặc trưng của người Do Thái từ mẹ của mình (Hê-bơ-rơ 7:​14). Hẳn ngoại hình của Chúa Giê-su không có gì quá đặc biệt. Vào một dịp, khi đi từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, ngài có thể đi cách kín đáo mà không ai nhận ra (Giăng 7:​10, 11). Và dường như ngài không khác biệt khi ở giữa những môn đồ thân cận. Hãy nhớ rằng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phải cho một dấu hiệu để toán lính được trang bị vũ khí có thể nhận ra Chúa Giê-su và bắt ngài.​—Ma-thi-ơ 26:47-​49.

  •   Tóc: Hẳn Chúa Giê-su không để tóc dài vì Kinh Thánh nói rằng “người nam để tóc dài là điều đáng xấu hổ”.​—1 Cô-rinh-tô 11:14.

  •   Râu: Chúa Giê-su có để râu quai nón. Ngài làm theo luật pháp Do Thái. Luật này cấm người nam trưởng thành “cắt mép râu của mình” (Lê-vi 19:27; Ga-la-ti 4:4). Kinh Thánh cũng đề cập đến râu của Chúa Giê-su trong một lời tiên tri về việc ngài chịu đau đớn.​—Ê-sai 50:6.

  •   Thân thể: Mọi chi tiết nói về Chúa Giê-su cho thấy ngài là người khỏe mạnh và cường tráng. Trong thời gian làm thánh chức, ngài đi nhiều cây số (Ma-thi-ơ 9:​35). Ngài dọn sạch đền thờ của người Do Thái hai lần, lật bàn của những kẻ đổi tiền và một lần dùng roi để đuổi hết gia súc ra khỏi đền thờ (Lu-ca 19:45, 46; Giăng 2:​14, 15). Bách khoa từ điển Cyclopedia của tác giả McClintock và Strong cho biết: “Những lời tường thuật trong phúc âm cho thấy [Chúa Giê-su] là người khỏe mạnh và cường tráng”.​—Tập IV, trang 884.

  •   Nét mặt: Chúa Giê-su là người nồng ấm và đầy lòng trắc ẩn. Chắc chắn nét mặt của ngài thể hiện điều đó (Ma-thi-ơ 11:28, 29). Mọi loại người tìm đến ngài để được an ủi và giúp đỡ (Lu-ca 5:​12, 13; 7:​37, 38). Ngay cả trẻ em cũng cảm thấy thoải mái khi ở bên Chúa Giê-su.​—Ma-thi-ơ 19:13-​15; Mác 9:​35-​37.

Những quan niệm sai về ngoại hình của Chúa Giê-su

 Quan niệm sai: Một số người cho rằng Chúa Giê-su có nguồn gốc châu Phi vì sách Khải huyền ví tóc của ngài với lông cừu và chân ngài với ‘đồng sáng rực’.​—Khải huyền 1:​14, 15.

 Sự thật: Sách Khải huyền được trình bày “bằng các biểu tượng” (Khải huyền 1:1). Kinh Thánh mô tả về tóc và chân của Chúa Giê-su theo nghĩa tượng trưng để nói đến những đức tính của ngài sau khi ngài được sống lại, chứ không phải mô tả về ngoại hình của ngài khi ngài ở trên đất. Trong câu “đầu và tóc ngài trắng như lông cừu và trắng như tuyết” nơi Khải huyền 1:​14, điểm so sánh là màu sắc, chứ không phải đặc điểm của tóc Chúa Giê-su. Hình ảnh này tượng trưng cho sự khôn ngoan của ngài, bởi ngài đã hiện hữu từ rất lâu (Khải huyền 3:​14). Câu Kinh Thánh này không ví đặc điểm tóc của Chúa Giê-su với đặc điểm của lông cừu hay đặc điểm của tuyết.

 Chân của Chúa Giê-su “như đồng nguyên chất sáng rực trong lò lửa” (Khải huyền 1:​15). Mặt của ngài “như mặt trời chiếu sáng lúc rực rỡ nhất” (Khải huyền 1:​16). Vì không chủng tộc nào có màu da phù hợp với sự mô tả ấy nên khải tượng này hẳn mang nghĩa tượng trưng, và cho thấy sau khi được sống lại, Chúa Giê-su “ngự trong ánh sáng không thể đến gần”.​—1 Ti-mô-thê 6:​16.

 Quan niệm sai: Chúa Giê-su là người yếu ớt và không có sức sống.

 Sự thật: Chúa Giê-su cư xử một cách nam tính. Chẳng hạn, ngài can đảm nhận mình là Chúa Giê-su khi toán lính được trang bị vũ khí đến để bắt ngài (Giăng 18:​4-8). Hẳn Chúa Giê-su phải có nhiều sức để làm nghề mộc vì công việc này đòi hỏi dùng những dụng cụ bằng tay.​—Mác 6:3.

 Vậy tại sao Chúa Giê-su cần người khác giúp vác cây khổ hình? Và tại sao ngài chết trước hai tên tội phạm bên cạnh? (Lu-ca 23:26; Giăng 19:31-​33). Trước khi Chúa Giê-su bị xử tử, sức khỏe của ngài bị suy giảm trầm trọng. Ngài đã thức suốt đêm, một phần vì đau buồn tột độ (Lu-ca 22:42-​44). Cũng trong đêm đó, người Do Thái ngược đãi Chúa Giê-su, và sáng hôm sau quân La Mã hành hạ ngài (Ma-thi-ơ 26:67, 68; Giăng 19:​1-3). Rất có thể những lý do này đã khiến Chúa Giê-su chết nhanh hơn.

 Quan niệm sai: Chúa Giê-su lúc nào cũng u sầu.

 Sự thật: Chúa Giê-su hoàn toàn phản ánh đức tính của Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, đấng mà Kinh Thánh mô tả là “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti-mô-thê 1:​11; Giăng 14:9). Trên thực tế, Chúa Giê-su dạy người ta cách để có hạnh phúc (Ma-thi-ơ 5:​3-9; Lu-ca 11:28). Những điều này cho thấy Chúa Giê-su thường biểu lộ niềm hạnh phúc trên gương mặt.