Đi đến nội dung

Hòm giao ước là gì?

Hòm giao ước là gì?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Hòm giao ước là một hòm thánh được dân Y-sơ-ra-ên xưa làm ra theo mệnh lệnh và thiết kế của Đức Chúa Trời. Hòm ấy được dùng để chứa và bảo vệ “bảng-chứng”, tức hai bảng đá có khắc Mười Điều Răn.​—Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8-10, 16; 31:18.

  •   Cấu trúc. Hòm giao ước dài 2,5 cu-bít, rộng 1,5 cu-bít và cao 1,5 cu-bít (111 x 67 x 67cm). Hòm được làm bằng gỗ cây si-tim, hay cây keo, bọc vàng bên ngoài lẫn bên trong, và có đường viền xung quanh. Nắp hòm được làm bằng vàng ròng và có hai chê-ru-bim bằng vàng đặt ở hai đầu của nắp hòm. Hai chê-ru-bim được đặt đối diện nhau và giương cánh về phía trước che nắp hòm. Hòm giao ước có bốn khoen bằng vàng gắn phía trên bốn chân hòm. Các đòn khiêng làm bằng gỗ cây keo được bọc vàng và được xỏ vào các khoen để khiêng hòm.​—Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10-21; 37:6-9.

  •   Vị trí. Hòm giao ước lúc đầu được đặt trong Nơi Chí Thánh của một lều được gọi là đền tạm. Đền này được làm cùng thời điểm với hòm giao ước, dùng cho việc thờ phượng và có thể di chuyển được. Nơi Chí Thánh được che lại để các thầy tế lễ và người khác không nhìn thấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:3, 21). Chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm có thể vào gian này mỗi năm một lần trong ngày Lễ Chuộc Tội, và nhìn thấy hòm giao ước (Lê-vi Ký 16:2; Hê-bơ-rơ 9:7). Sau này, hòm giao ước được chuyển đến Nơi Chí Thánh trong đền thờ của Sa-lô-môn.​—1 Các Vua 6:14, 19.

  •   Mục đích. Hòm giao ước được dùng để lưu giữ các vật thánh nhằm nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ về giao ước, hay thỏa thuận, mà Đức Chúa Trời đã lập với họ tại núi Si-na-i. Hòm ấy đóng một vai trò quan trọng trong nghi thức của ngày Lễ Chuộc Tội.​—Lê-vi Ký 16:3, 13-17.

  •   Những vật đặt trong hòm giao ước. Hai bảng đá khắc Mười Điều Răn là những vật đầu tiên được đặt vào hòm giao ước (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:20). Sau này, một bình bằng vàng đựng ma-na và “cây gậy trổ hoa của A-rôn” được đặt thêm vào (Hê-bơ-rơ 9:4; Xuất Ê-díp-tô Ký 16:33, 34; Dân-số Ký 17:10). Hẳn cái bình và cây gậy đã được lấy ra khỏi hòm vào một thời điểm nào đó, vì chúng không còn trong hòm giao ước khi hòm được chuyển vào đền thờ.​—1 Các Vua 8:9.

  •   Vận chuyển. Người Lê-vi dùng các đòn làm từ gỗ cây keo để khiêng hòm giao ước trên vai mình (Dân-số Ký 7:9; 1 Sử-ký 15:15). Các đòn không bao giờ được tháo ra khỏi hòm giao ước để người Lê-vi không chạm vào hòm (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:12-16). Bức màn phân cách Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh được dùng để phủ hòm giao ước khi di chuyển hòm.​—Dân-số Ký 4:5, 6. a

  •   Sự tượng trưng. Hòm giao ước gắn liền với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, đám mây xuất hiện trên hòm giao ước trong Nơi Chí Thánh và tại nơi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại là dấu hiệu Đức Giê-hô-va hiện diện và ban phước (Lê-vi Ký 16:2; Dân-số Ký 10:33-36). Tương tự, Kinh Thánh cũng nói rằng Đức Giê-hô-va “ngự giữa các chê-ru-bim”, tức hai chê-ru-bim trên nắp hòm giao ước (1 Sa-mu-ên 4:4; Thi-thiên 80:1). Thế nên, các chê-ru-bim này là “kiểu về xe”, tức biểu tượng cho cỗ xe của Đức Giê-hô-va (1 Sử-ký 28:18). Vì ý nghĩa tượng trưng này nên vua Đa-vít có thể nói rằng Đức Giê-hô-va “ngự tại Si-ôn” sau khi hòm được chuyển đến đó.​—Thi-thiên 9:11.

  •   Tên gọi. Kinh Thánh dùng nhiều tên khác nhau khi nói về hòm thánh này, bao gồm “hòm bảng-chứng”, “hòm giao-ước”, “hòm giao-ước của Đức Giê-hô-va”, “hòm quyền-năng Ngài [Đức Giê-hô-va]”.​—Dân-số Ký 7:89; Giô-suê 3:6, 13; 2 Sử-ký 6:41.

     Nắp của hòm giao ước được gọi là “nắp thi-ân”, hay “Nắp Chuộc Tội” (1 Sử-ký 28:11, Bản Diễn Ý). Những cụm từ này nói lên vai trò đặc biệt của nắp hòm trong ngày Lễ Chuộc Tội. Vào ngày ấy, thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên sẽ lấy máu của các con vật tế lễ rảy trước nắp hòm. Khi đó, thầy tế lễ thượng phẩm làm lễ chuộc tội, hay che phủ tội lỗi “cho mình, cho nhà mình, và cho cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên”.​—Lê-vi Ký 16:14-17.

Ngày nay, hòm giao ước còn tồn tại không?

 Không có bằng chứng nào cho thấy hòm giao ước còn tồn tại. Kinh Thánh cho biết hòm này không cần thiết nữa vì giao ước liên hệ với hòm đã được thay thế bằng “giao ước mới”, là giao ước dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su (Giê-rê-mi 31:31-33; Hê-bơ-rơ 8:13; 12:24). Thế nên, Kinh Thánh báo trước rằng một lúc nào đó hòm giao ước sẽ không còn nữa và dân Đức Chúa Trời sẽ không nuối tiếc hòm ấy.​—Giê-rê-mi 3:16.

 Trong một sự hiện thấy mà sứ đồ Giăng nhận được sau khi giao ước mới được thiết lập, ông thấy hòm giao ước xuất hiện ở trên trời (Khải huyền 11:15, 19). Hòm giao ước ấy là hình ảnh tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời và việc ngài ban phước cho giao ước mới.

Phải chăng hòm giao ước là một hình thức của phép thuật?

 Không. Việc sở hữu hòm giao ước không đảm bảo cho sự thành công. Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên đặt hòm giao ước trong trại của họ khi tranh chiến với thành A-hi. Nhưng họ đã bại trận vì sự bất trung của một người Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 7:1-6). Sau này, dù dân Y-sơ-ra-ên mang theo hòm giao ước ra chiến trường nhưng vẫn bị quân Phi-li-tin đánh bại. Điều này xảy ra là do các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên là Hóp-ni và Phi-nê-a đã làm những việc gian ác (1 Sa-mu-ên 2:12; 4:1-11). Quân Phi-li-tin đã cướp hòm giao ước trong trận chiến đó, nhưng Đức Chúa Trời trừng phạt họ bằng dịch bệnh cho đến khi họ trả lại hòm giao ước cho dân Y-sơ-ra-ên.​—1 Sa-mu-ên 5:11–6:5.

Lịch sử của hòm giao ước

Năm (trước công nguyên)

Sự kiện

Năm 1513

Bết-sa-lê-ên cùng với những người phụ giúp dùng các vật liệu do dân Y-sơ-ra-ên đóng góp để làm hòm giao ước.​—Xuất Ê-díp-tô Ký 25:1, 2; 37:1.

Năm 1512

Môi-se khánh thành hòm giao ước cùng với đền tạm và lập chức thầy tế lễ.​—Xuất Ê-díp-tô Ký 40:1-3, 9, 20, 21.

Năm 1512​—Sau năm 1070

Hòm được chuyển đến nhiều nơi khác nhau.​—Giô-suê 18:1; Các Quan Xét 20:26, 27; 1 Sa-mu-ên 1:24; 3:3; 6:11-14; 7:1, 2.

Sau năm 1070

Vua Đa-vít mang hòm về Giê-ru-sa-lem.​—2 Sa-mu-ên 6:12.

Năm 1026

Hòm được chuyển đến đền thờ Sa-lô-môn tại Giê-ru-sa-lem.​—1 Các Vua 8:1, 6.

Năm 642

Vua Giô-si-a mang hòm trở về đền thờ.​—2 Sử-ký 35:3. b

Trước năm 607

Hẳn hòm giao ước đã được đem ra khỏi đền thờ. Khi đền thờ bị hủy phá vào năm 607 trước công nguyên, hòm giao ước không được nói đến trong số những vật bị lấy sang Ba-by-lôn. Sau này, những vật được mang trở về Giê-ru-sa-lem cũng không có hòm ấy.​—2 Các Vua 25:13-17; E-xơ-ra 1:7-11.

Năm 63

Tướng La Mã Pompey cho biết rằng hòm giao ước đã bị mất khi ông xâm chiếm Giê-ru-sa-lem và kiểm tra Nơi Chí Thánh của đền thờ. c

a Dân Y-sơ-ra-ên đã gánh hậu quả thảm thương khi không tuân theo luật lệ của Đức Chúa Trời trong việc vận chuyển và che phủ hòm giao ước.​—1 Sa-mu-ên 6:19; 2 Sa-mu-ên 6:2-7.

b Kinh Thánh không nói khi nào, tại sao và ai đã đem hòm ra khỏi đền thờ.

c Xin xem The Histories của Tacitus, Sách 5, đoạn 9.