Đi đến nội dung

Nhân Chứng Giê-hô-va phá vỡ hay vun đắp hạnh phúc gia đình?

Nhân Chứng Giê-hô-va phá vỡ hay vun đắp hạnh phúc gia đình?

 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng tôi cố gắng vun đắp cho gia đình mình cũng như những người xung quanh. Chúng tôi tôn kính Đức Chúa Trời, đấng thiết lập gia đình (Sáng thế 2:21-24; Ê-phê-sô 3:14, 15). Qua Kinh Thánh, ngài dạy những nguyên tắc giúp nhiều người trên khắp thế giới có được hôn nhân hạnh phúc và bền vững.

Nhân Chứng Giê-hô-va vun đắp hạnh phúc gia đình bằng cách nào?

 Chúng tôi cố gắng hết sức để áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh vì điều này giúp chúng tôi trở thành người chồng, người vợ và cha mẹ tốt hơn (Châm ngôn 31:10-31; Ê-phê-sô 5:22–6:4; 1 Ti-mô-thê 5:8). Sự khôn ngoan trong Kinh Thánh giúp ngay cả các gia đình không cùng tôn giáo được thành công (1 Phi-e-rơ 3:1, 2). Hãy xem lời bộc bạch của những người không phải Nhân Chứng nhưng có bạn đời là Nhân Chứng Giê-hô-va:

  •   “Sáu năm đầu chung sống, vợ chồng tôi suốt ngày cãi lộn và cả hai đều thất vọng về nhau. Nhưng sau khi Ivete trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, cô ấy biết yêu thương và kiên nhẫn hơn. Sự thay đổi này đã cứu vãn hôn nhân của chúng tôi”.​—Clauir, ở Brazil.

  •   “Khi chồng tôi, anh Chansa, bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi phản đối vì nghĩ rằng họ làm tan nát gia đình. Nhưng rồi tôi nhận thấy là thật ra Kinh Thánh giúp ích cho gia đình mình”.​—Agness, ở Zambia.

 Trong công việc rao giảng, chúng tôi cho người xung quanh thấy việc áp dụng sự khôn ngoan trong Kinh Thánh có thể giúp họ:

Việc đổi đạo có gây ra mâu thuẫn trong gia đình không?

 Phải công nhận là đôi lúc cũng có. Chẳng hạn, một báo cáo năm 1998 của công ty nghiên cứu Sofres cho thấy cứ 20 cặp vợ chồng mà một trong hai người là Nhân Chứng thì có 1 cặp gặp vấn đề nghiêm trọng khi người đó đổi đạo.

 Chúa Giê-su đã báo trước rằng những ai làm theo sự dạy dỗ của ngài sẽ có lúc gặp phải mâu thuẫn trong gia đình (Ma-thi-ơ 10:32-36). Sử gia Will Durant ghi nhận là dưới sự cai trị của đế quốc La Mã, “tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị buộc tội là khiến gia đình đổ vỡ”, a ngày nay Nhân Chứng Giê-hô-va cũng bị buộc tội như thế. Nhưng có phải điều này nghĩa là Nhân Chứng gây ra sự chia rẽ không?

Tòa án Nhân quyền Châu Âu

 Khi xét xử các vụ cáo buộc cho rằng Nhân Chứng Giê-hô-va khiến gia đình đổ vỡ, Tòa án Nhân quyền Châu Âu cho biết các thành viên không phải Nhân Chứng thường là người gây ra xung đột khi không “chấp nhận và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người thân”. Tòa án nói thêm: “Tình trạng này phổ biến trong các gia đình không cùng niềm tin và Nhân Chứng Giê-hô-va cũng không ngoại lệ”. b Tuy nhiên, ngay cả khi đương đầu với sự thành kiến về tôn giáo, Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn cố gắng làm theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Đừng lấy ác trả ác cho ai... Nếu có thể được, hãy gắng hết sức hòa thuận với mọi người”.​—Rô-ma 12:17, 18.

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va tin là họ chỉ nên kết hôn với người cùng đạo?

 Nhân Chứng vâng theo chỉ thị trong Kinh Thánh là chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa”, tức người cùng niềm tin (1 Cô-rinh-tô 7:39). Mệnh lệnh này của Kinh Thánh rất thực tế. Chẳng hạn, một bài trong tờ Journal of Marriage and Family nói rằng “những cặp vợ chồng có cùng tín ngưỡng, thực hành và niềm tin” thường hạnh phúc hơn. c

 Tuy nhiên, Nhân Chứng không khuyến khích người trong đạo phải ly thân với bạn đời không phải là Nhân Chứng. Kinh Thánh nói: “Nếu anh nào có vợ không tin đạo mà vợ vẫn bằng lòng ở với mình thì anh đừng bỏ vợ; và nếu người nữ có chồng không tin đạo mà chồng vẫn bằng lòng ở với mình thì chị đừng bỏ chồng” (1 Cô-rinh-tô 7:12, 13). Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo mệnh lệnh này.

a Trích từ Caesar and Christ, trang 647.

b Trích từ Jehovah’s Witnesses of Moscow and Others v. Russia, trang 26, 27, đoạn 111.

c Trích từ Journal of Marriage and Family, Tập 72, Số 4, (Tháng 8 năm 2010), trang 963.