Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÁCH DÙNG QUỸ ĐÓNG GÓP

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo trong những cộng đồng người bản địa

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo trong những cộng đồng người bản địa

NGÀY 1-5-2021

 Trong số hàng trăm triệu người sống ở châu Mỹ La-tinh, có đến hàng triệu người nói ngôn ngữ bản địa và có phong tục tập quán riêng. Nhiều người bản địa trong số đó là anh em thiêng liêng của chúng ta và họ rất quý trọng văn hóa riêng của mình. Để giúp đỡ người khác về mặt thiêng liêng, họ đã dịch và phân phát ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va ra hơn 130 ngôn ngữ bản địa của châu Mỹ La-tinh. a Dù vậy, một số anh chị đã bị chống đối vì chọn phụng sự Đức Giê-hô-va và từ chối tham gia vào những phong tục phổ biến trong cộng đồng của họ nhưng lại không phù hợp với Kinh Thánh. Các khoản đóng góp của anh chị đã được dùng thế nào để trợ giúp những anh chị ấy?

Được giúp đỡ để trở về

 Ở Mexico, những anh chị chúng ta thuộc cộng đồng người Huichol sống ở vùng núi của bang Jalisco đã từ chối với thái độ tôn trọng để không tham gia vào những thực hành tôn giáo trái với lương tâm của họ. b Nhưng điều này đã khiến cho một số người trong cộng đồng của họ nổi giận. Vào ngày 4-12-2017, một đám đông hung hăng đã tấn công một nhóm Nhân Chứng cùng vài người đi chung với họ. Đám đông dùng vũ lực đuổi họ ra khỏi cộng đồng, phá hủy tài sản của họ và đe dọa sẽ giết những ai cố gắng quay về.

 Những Nhân Chứng ở các thành phố lân cận đã ngay lập tức giúp đỡ các anh chị ấy. Nhưng cần làm gì để các anh chị ấy có thể trở về nhà? Một anh tên Agustín cho biết: “Chúng tôi không có đủ tiền để thuê luật sư và cũng không biết mình nên gặp ai để được tư vấn về pháp luật”.

 Trong trường hợp này, quyền tự do tôn giáo của anh em chúng ta bị xâm phạm nên chi nhánh Trung Mỹ đã hành động ngay. Trước tiên, các anh nộp đơn xin những viên chức địa phương điều tra sự việc. Sau đó, các anh nhận được thư chấp thuận từ Ủy ban Điều phối của Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va cho phép họ phối hợp với Ban Pháp lý tại trụ sở trung ương để thay mặt cho các anh chị ở Huichol nộp đơn kiện lên tòa án. Cuối cùng, vụ việc đã được đưa lên Tòa án Tối cao của Mexico.

 Một nhóm luật sư quốc tế đã trình bày lời biện hộ rõ ràng, trong đó họ giải thích rằng giống như việc người khác phải tôn trọng văn hóa của những cộng đồng người bản địa thì chính những người bản địa cũng phải tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của tất cả các thành viên trong cộng đồng của họ. Bất kể sống ở đâu thì mọi người đều phải được hưởng những quyền cơ bản của con người.

 Vào ngày 8-7-2020, Tòa án Tối cao đã nhất trí phán quyết có lợi cho Nhân Chứng Giê-hô-va. Phán quyết nêu rõ rằng tất cả những người bị đuổi đi phải được trở về cộng đồng của họ. Anh Agustín, được đề cập ở trên, đã bày tỏ lòng biết ơn của anh và những người khác như sau: “Chúng tôi rất vui mừng và biết ơn những gì mà các anh đã làm cho chúng tôi. Nếu không có các anh giúp đỡ thì chúng tôi không thể làm được gì”.

“Những việc to lớn cho một dân nhỏ bé”

 Cùng trong thời gian đó, anh em chúng ta ở San Juan de Ilumán, một ngôi làng ở nước Ecuador và là nơi sinh sống của nhiều người bản địa ở thung lũng Otavalo, cũng đối mặt với sự chống đối tương tự. Vào năm 2014, sau khi xin được tất cả những giấy phép cần thiết thì anh em chúng ta bắt đầu xây Phòng Nước Trời. Nhưng một linh mục dẫn đầu một đám đông hơn 100 người đã dùng vũ lực để buộc anh em chúng ta ngừng việc xây cất. Sau đó, những người trong làng bắt buộc Nhân Chứng Giê-hô-va phải ngưng việc nhóm lại để thờ phượng.

 Ban pháp lý ở chi nhánh Ecuador và ở trụ sở trung ương đã phối hợp với nhau để bảo vệ anh em chúng ta trước việc bị xâm phạm quyền tự do thờ phượng. Các anh đã nộp đơn kiện ra tòa. Hành động này khiến cho những người trong làng phải ngưng việc chống đối cũng như để cho anh em chúng ta được tổ chức các buổi nhóm họp trở lại và hoàn tất việc xây Phòng Nước Trời. Nhưng để bảo vệ quyền lợi của anh em chúng ta trong tương lai, các anh đại diện đã nộp đơn lên tòa án cấp cao hơn để được phán quyết về một vấn đề rất hệ trọng, đó là những cộng đồng người bản địa có bắt buộc phải tôn trọng những quyền cơ bản của con người hay không.

 Vào ngày 16-7-2020, Tòa án Hiến pháp Ecuador, tòa án cao nhất của nước này, đã đưa vụ việc ra xét xử. Các anh của chúng ta là luật sư ở Ecuador đã đại diện cho anh em mình. Thêm vào đó, bốn anh khác là luật sư quốc tế có kinh nghiệm cũng đã tham dự phiên xét xử. Vì những hạn chế trong đại dịch COVID-19 nên bốn anh này đã tham dự phiên tòa qua công cụ họp video trực tuyến từ những nước khác nhau. Đây là lần đầu tiên tòa án cho phép những người đại diện pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn cầu tham gia biện hộ theo cách này. c Các anh đã nêu ra những vụ việc ở các nước khác trên thế giới để khẳng định rằng những người thuộc cộng đồng bản địa không bị buộc phải từ bỏ những quyền cơ bản của mình chỉ vì họ thuộc về một cộng đồng bản địa riêng.

Tham gia qua hình thức cuộc họp video trực tuyến, một nhóm luật sư của chúng ta trên khắp thế giới đã bảo vệ quyền lợi của anh em mình

 Anh em chúng ta ở thung lũng Otavalo nóng lòng chờ đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Trong thời gian đó, họ rất cảm động vì những sự giúp đỡ mà mình nhận được. Anh César, phụng sự với tư cách trưởng lão ở hội thánh Ilumán Quichua, cho biết: “Chỉ có Đức Giê-hô-va, qua tổ chức của ngài, mới làm được những việc rất to lớn cho một dân thật nhỏ bé”.

 Các luật sư tham gia vào vụ kiện là Nhân Chứng Giê-hô-va nên họ vui lòng chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình mà không tính phí. Dù vậy, quá trình kiện tụng, chuẩn bị cho vụ kiện và biện hộ trước tòa vẫn mất thời gian và chi phí. Các anh luật sư cùng với các anh khác đã dành ra hơn 380 giờ để chuẩn bị tài liệu biện hộ và 240 giờ khác để dịch tài liệu cho phiên xét xử tại Mexico. Gần 40 luật sư trên khắp thế giới đã dành ra hàng trăm giờ để chuẩn bị cho phiên xét xử ở Ecuador. Làm thế nào chúng ta có thể trang trải các chi phí liên quan đến việc biện hộ cho anh em mình? Đó là nhờ các khoản đóng góp mà anh chị đã thực hiện qua những hình thức khác nhau có trên trang donate.dan124.com. Cám ơn lòng rộng rãi của anh chị.

a Nhân Chứng Giê-hô-va cũng dịch ấn phẩm sang nhiều ngôn ngữ châu Mỹ La-tinh thuộc ngữ hệ Ấn Âu và một số ngôn ngữ ký hiệu chỉ được sử dụng ở vùng đó.

b Người Huichol cũng được gọi là người Wixáritari và ngôn ngữ của họ thường được gọi là tiếng Wixárika.

c Dù tổ chức toàn cầu của chúng ta không phải là các bên trong vụ kiện nhưng thẩm phán đã cho phép các anh tham gia phiên tòa với tư cách là một “thân hữu của tòa án”.