Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bệnh thiếu máu—Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh thiếu máu—Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

 Chị Beth kể: “Tôi bị thiếu máu khi còn là thanh thiếu niên. Lúc ấy, tôi cảm thấy uể oải, dễ mệt mỏi, đau nhức xương và khó tập trung. Tôi bổ sung sắt theo toa của bác sĩ và cũng cải thiện chế độ ăn uống. Nhờ thế mà không lâu sau tôi thấy khỏe hơn”.

 Nhiều người có cùng vấn đề sức khỏe với chị Beth. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hai tỉ người mắc bệnh thiếu máu, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Ở những nước đang phát triển, ước tính có 50% phụ nữ có thai và 40% trẻ em chưa đến tuổi đi học mắc bệnh này.

 Bệnh thiếu máu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong những trường hợp nặng, thiếu máu có thể dẫn đến vấn đề về tim, thậm chí suy tim. Theo WHO, ở một số nước, bệnh này là “nguyên nhân dẫn đến 20% cái chết của các bà mẹ mang thai và các bà mẹ mới sinh con”. Những bà mẹ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt (dạng thiếu máu phổ biến nhất) có nguy cơ sinh non và con có thể thiếu cân. Trẻ bị thiếu máu thường phát triển chậm hơn và dễ bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, bệnh thiếu máu do thiếu sắt có thể phòng tránh hoặc chữa trị được. a

Thiếu máu là gì?

 Thiếu máu là một tình trạng bệnh lý. Nói đơn giản, người thiếu máu không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu. Thật vậy, các nhà khoa học xác định là có hơn 400 loại thiếu máu! Thiếu máu có thể là tạm thời hoặc mạn tính, nhẹ hoặc nặng.

Nguyên nhân nào gây ra thiếu máu?

 Có ba nguyên nhân chính:

  •   Mất máu khiến cho số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể suy giảm.

  •   Cơ thể không sản sinh đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

  •   Cơ thể tiêu hủy các tế bào hồng cầu.

 Thiếu máu do thiếu sắt được xem là dạng phổ biến nhất trên thế giới. Khi cơ thể không có đủ sắt thì không sản xuất đủ hemoglobin, là chất bên trong các tế bào hồng cầu giúp chúng vận chuyển ô-xy.

Thiếu máu do thiếu sắt có những triệu chứng nào?

 Lúc đầu, bệnh có thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng rõ ràng. Dù mỗi trường hợp mỗi khác nhưng nhìn chung triệu chứng của bệnh này bao gồm:

  •   Rất mệt mỏi

  •   Bàn tay, bàn chân lạnh

  •   Yếu sức

  •   Da xanh xao

  •   Nhức đầu, chóng mặt

  •   Tức ngực, tim đập nhanh, khó thở

  •   Móng tay, móng chân giòn, dễ gãy

  •   Không muốn ăn, nhất là trong trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ em

  •   Thèm ăn đá lạnh, tinh bột, hay thậm chí là đất

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

 Phụ nữ dễ bị thiếu máu do thiếu sắt vì mất máu trong các kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ có thai cũng dễ bị thiếu máu nếu chế độ ăn không cung cấp đủ folate, hay a-xít folic, là một loại vitamin B.

 Trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc thiếu cân không có đủ sắt từ sữa mẹ hoặc sữa bột.

 Trẻ em không ăn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác nhau.

 Người ăn chay không ăn đủ các thực phẩm giàu chất sắt.

 Những người mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh về máu, ung thư, suy thận, viêm loét gây xuất huyết hoặc một dạng nhiễm trùng.

Cách điều trị bệnh thiếu máu

 Không phải bệnh thiếu máu nào cũng có thể phòng tránh hoặc chữa trị. Nhưng thường có thể phòng tránh hoặc chữa trị những bệnh thiếu máu do thiếu sắt hoặc do thiếu vitamin bằng chế độ ăn lành mạnh bao gồm các chất dinh dưỡng sau:

 Sắt. Có trong thịt, đậu, đậu lăng và các loại rau xanh đậm. b Dùng dụng cụ nấu ăn bằng sắt cũng có thể giúp ích vì các nghiên cứu cho thấy chúng có thể làm thức ăn có nhiều sắt hơn.

 Folate. Có trong trái cây, các loại rau xanh đậm, đậu Hà Lan, đậu tây, phô mai, trứng, cá, hạnh nhân và đậu phộng. Folate cũng có trong các sản phẩm từ hạt đã được bổ sung vitamin như một số loại bánh mì, ngũ cốc, mì và gạo. Dạng tổng hợp của folate là a-xít folic.

 Vitamin B-12. Có trong thịt, các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc tăng cường và sản phẩm từ đậu nành.

 Vitamin C. Có trong các loại trái và nước ép thuộc họ cam quýt, trong ớt, bông cải xanh, cà chua, quả dưa và dâu tây. Thực phẩm có vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt.

 Mỗi vùng có thực phẩm khác nhau. Vì thế, hãy tìm hiểu thực phẩm ở địa phương có các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Điều này rất quan trọng nếu bạn là phụ nữ, đặc biệt nếu đang mang thai hoặc dự tính có thai. Khi bạn chăm sóc sức khỏe của chính mình thì sẽ giảm nguy cơ con bạn bị thiếu máu. c

a Thông tin trong bài này về chế độ ăn và các vấn đề liên quan chủ yếu đến từ tổ chức y tế Mayo Clinic và bách khoa từ điển The Gale Encyclopedia of Nursing and Allied Health. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn nghĩ mình mắc bệnh thiếu máu.

b Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung sắt cho mình hoặc con trẻ. Thừa sắt có thể làm hại gan và gây ra vấn đề khác.

c Đôi khi, bác sĩ điều trị bệnh thiếu máu bằng cách truyền máu, là phương pháp mà Nhân Chứng Giê-hô-va không chấp nhận.​—Công vụ 15:28, 29.