Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Âm nhạc—Quà tặng cho tâm hồn

Âm nhạc—Quà tặng cho tâm hồn

Âm nhạc—Quà tặng cho tâm hồn

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở TÂY BAN NHA

Âm nhạc có sức mạnh làm lắng dịu tâm hồn, tiếp sinh lực và làm phấn chấn tinh thần của chúng ta. Nó có thể diễn đạt cả niềm vui lẫn nỗi buồn của chúng ta. Hầu như trong mọi nền văn hóa—quá khứ cũng như hiện tại—đều có sự hiện diện của âm nhạc. Nó là ngôn ngữ của trí óc lẫn tâm hồn. Âm nhạc thật sự là quà tặng đến từ Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 4:21.

Từ lúc chào đời, rất có thể chúng ta đã được nghe âm nhạc, chẳng hạn qua những lời hát ru của mẹ. Trong thời niên thiếu, có thể chúng ta đã bắt đầu thích một loại âm nhạc làm rung động tâm hồn mình. Thậm chí khi trưởng thành, nhiều người trong chúng ta thích thưởng thức nhạc êm dịu trong khi lái xe hoặc tại nhà sau một ngày làm việc bận rộn.

Lời bài hát có thể diễn đạt một số khía cạnh nào đó của nền văn hóa hoặc lịch sử của một nước. Dân Y-sơ-ra-ên xưa đã kỷ niệm một số sự kiện đặc biệt bằng các bài ca (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1-21; Các Quan Xét 5:1-31). Nhà tiên tri Môi-se đã soạn một bài ca ghi lại lịch sử và những lời khuyên chân thành cho dân sự (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:1-43). Chắc hẳn những bài ca ấy đã giúp dân sự nhớ lại các sự kiện.

Bạn cũng có thể “chơi nhạc”!

Có lẽ bạn nghĩ: “Tôi không có năng khiếu về âm nhạc”. Nếu thế, hãy suy nghĩ một chút về giọng của bạn. Giọng nói của chúng ta có thể ví như một loại nhạc cụ. Nhờ tính linh hoạt của nhạc cụ này, hầu hết mọi người đều có thể “chơi nhạc” theo nghĩa là ca hát hoặc hát với sự hỗ trợ của các nhạc cụ khác. Bạn chỉ cần mở miệng và cất giọng hát. Khi hát, đừng quá lo nếu bạn không được khen hoặc không đoạt được giải thưởng nào. Hãy thực tập và bạn sẽ tiến bộ.

Tạp chí về tâm lý học (Psychologies) bằng tiếng Tây Ban Nha cho biết: “Giọng nói liên hệ trực tiếp đến nguồn xúc cảm sâu xa, và nó là loại nhạc cụ hữu hiệu nhất để diễn đạt những cảm xúc ấy”. Ca sĩ hát giọng nữ cao là bà Ainhoa Arteta nói: “[Ca hát] thật thú vị. . . Tôi khuyên bất cứ ai muốn biểu lộ cảm xúc mình qua bài hát, hãy cứ hát một cách thoải mái và tự nhiên”.

Chúng ta phải biết chọn âm nhạc vì nó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn. Chẳng hạn, những giai điệu du dương có thể ẩn chứa những lời xấu xa bào chữa hay thậm chí cổ vũ cho sự thù hận, vô luân hoặc bạo lực. Người nào muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không thích giải trí bằng những chủ đề đó (Ê-phê-sô 4:17-19; 5:3, 4). Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm-ngôn 4:23). Thật vậy, việc bạn chọn âm nhạc là vấn đề quan trọng *.

Nhạc hay có thể là liều thuốc bổ

Một cuốn sách viết về cách đối phó với áp lực (Principles and Practice of Stress Management) cho biết: “Một lý do tại sao âm nhạc hiện diện trong hầu hết mọi nền văn hóa là nó giúp người ta có và duy trì được sức khỏe tốt”. Theo tạp chí về tâm lý học (Psychologies), khi ca hát giọng của chúng ta vang lên và toàn bộ cơ thể rung động nhẹ nhàng. Sự rung động này giúp các mô được thư giãn và nở ra. Điều này có thể làm giảm cơn đau.

Do đó, một số bác sĩ chuyên khoa khuyến khích bệnh nhân bị căng thẳng nên nghe nhạc êm dịu, loại nhạc có thể giúp tâm trạng một người trở nên tốt hơn. Một số bệnh viện thậm chí cho những bệnh nhân ở khu chăm sóc đặc biệt được nghe nhạc. Người ta nhận thấy khi nghe nhạc êm dịu, trẻ sinh non cũng như bệnh nhân mới phẫu thuật được thoải mái hơn. Theo cuốn sách viết về cách đối phó với áp lực đã được đề cập ở trên, các cuộc nghiên cứu cho rằng nghe nhạc êm dịu “làm giảm đáng kể lượng hormone stress trong khi phẫu thuật”.

Âm nhạc cũng có thể làm giảm nỗi lo lắng của phụ nữ mang thai bằng cách giúp họ thư giãn trong cơn đau trước và trong khi sinh. Đôi khi các nha sĩ tạo bầu không khí thư giãn cho bệnh nhân căng thẳng bằng cách để họ nghe nhạc êm dịu. Nhưng âm nhạc và bài hát còn có thể mang lại nhiều lợi ích hơn. Chúng có thể giúp chúng ta làm vững mạnh mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

‘Tôi sẽ lấy bài ca mà ngợi-khen Đức Chúa Trời’

Bạn có biết rằng khoảng một phần mười Kinh Thánh được viết dưới hình thức các bài ca không? Sách Thi-thiên, Nhã-ca và Ca-thương là những bài ca nổi tiếng nhất. Kinh Thánh đề cập đến âm nhạc khoảng 300 lần và phần lớn có liên quan đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Vua Đa-vít của xứ Y-sơ-ra-ên, một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc tài ba, đã viết: ‘Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của tôi, tôi sẽ lấy bài ca mà ngợi-khen Ngài’.—Thi-thiên 28:7.

Thật thế, Đa-vít đã sắp xếp để 4.000 người nam thuộc chi phái Lê-vi phụng sự với tư cách là nhạc sĩ và người ca hát ở Giê-ru-sa-lem. Trong số này, có 288 người được “học-tập trong nghề ca-hát cho Đức Giê-hô-va, tức là những người thông-thạo” (1 Sử-ký 23:4, 5; 25:7). Rõ ràng những người ca hát này đã siêng năng luyện tập. Quả thật, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời đến độ họ được miễn các công việc khác trong đền thờ để chỉ tập trung vào việc ca hát.—1 Sử-ký 9:33.

Vào đêm trước khi Chúa Giê-su chịu chết, ngài và các sứ đồ đã hát ngợi khen Đức Chúa Trời, rất có thể là các bài Thi-thiên 113 đến 118. Đến thời Chúa Giê-su, những bài Thi-thiên này—gọi là “Thi-thiên Hallel”—được hát lên trong Lễ Vượt Qua (Ma-thi-ơ 26:26-30). Những bài này được đặt tên là “Thi-thiên Hallel” vì trong đó từ “Ha-lê-lu-gia!” được lặp lại nhiều lần. Từ này có nghĩa là “Hãy ngợi khen Gia!”. “Gia” là dạng viết tắt đầy thi vị của từ Giê-hô-va, danh Đức Chúa Trời Tối Cao.—Thi-thiên 83:18.

Ca hát cũng trở thành một phần trong việc thờ phượng của những người theo Chúa Giê-su. Sách về lịch sử âm nhạc (The History of Music) viết: “Đối với những người theo đạo Ky-tô thời ban đầu, việc ca hát trong lúc thờ phượng ở nơi công cộng hoặc tại nhà riêng là điều thông thường. Đối với những người theo Chúa Giê-su gốc Do Thái giáo thì khi ca hát, họ chỉ tiếp tục làm theo những phong tục trong nhà hội. . . Ngoài những bài Thi-thiên bằng tiếng Do Thái. . . những người theo Chúa Giê-su có khuynh hướng luôn luôn sáng tác những bài thánh ca mới”. Ngày nay cũng thế, Nhân Chứng Giê-hô-va thích ca ngợi Đức Chúa Trời qua các bài hát, lúc ở nhà riêng hoặc tại hội thánh.

Vì âm nhạc giúp chúng ta diễn đạt hầu hết mọi cảm xúc và vì nó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn, trí óc và thân thể, nên chúng ta quý trọng “sự ban-cho trọn-vẹn. . . đến từ nơi cao” này (Gia-cơ 1:17). Vậy, mong sao chúng ta thường xuyên và khôn ngoan sử dụng món quà âm nhạc tuyệt diệu đến từ Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 9 Ngoài việc bác bỏ những bài hát đề cao sự thù hận, vô luân hay bạo lực, những ai yêu mến Đức Chúa Trời và người đồng loại cũng không nghe những loại nhạc cổ vũ việc thờ hình tượng, chủ nghĩa quốc gia hoặc các giáo lý sai lầm.—Ê-sai 2:4; 2 Cô-rinh-tô 6:14-18; 1 Giăng 5:21.