Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm tròn vai trò cha mẹ

Làm tròn vai trò cha mẹ

Làm tròn vai trò cha mẹ

Bạn có nhớ khoảnh khắc đầu tiên khi bế đứa con mới sinh không?

Không lâu sau, có thể bạn cảm thấy choáng ngợp vì hiểu rằng đứa trẻ cần sự hướng dẫn trong nhiều năm. Bạn nhanh chóng nhận ra trách nhiệm của mình nặng nề biết bao!

Vai trò làm cha mẹ luôn là một thách đố, đặc biệt trong thời kỳ ngày nay. Tại sao? Bởi vì thế gian này phức tạp hơn lúc bạn còn bé. Chẳng hạn khi dùng Internet, trẻ em phải đối mặt với những thử thách về đạo đức, là những vấn đề không xảy ra chỉ cách đây vài thập niên.

Làm thế nào bạn có thể giúp con đối phó với cạm bẫy về đạo đức của thế gian hiện đại? Hãy xem ba đề nghị.

1 Cho con biết rõ các tiêu chuẩn đạo đức của bạn. Khi lớn lên, trẻ dồn dập nhận những thông tin lệch lạc về đạo đức, một số là từ bạn bè và phần lớn từ các phương tiện truyền thông. Những ảnh hưởng tiêu cực ấy đặc biệt thấy rõ khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu cho thấy khi có quyết định quan trọng trong đời sống, nhiều thanh thiếu niên xem trọng quan điểm của cha mẹ hơn là của bạn bè.

Bạn có thể làm gì? Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, cha mẹ được khuyến khích thường xuyên nói chuyện với con cái để khắc ghi vào lòng chúng những tiêu chuẩn đúng đắn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Hãy làm thế đối với con của bạn. Chẳng hạn, nếu sống theo các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh, hãy nói cho con biết tại sao bạn cảm thấy việc làm theo những tiêu chuẩn ấy dẫn đến lối sống tốt nhất.

2 Giúp con thấy rõ hậu quả. Kinh Thánh cho biết: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy” (Ga-la-ti 6:7). Luật nhân quả có thể thấy rõ trong hầu hết mọi khía cạnh của đời sống. Hãy nhớ lại tuổi thơ của bạn. Chắc chắn những bài học đáng nhớ nhất là khi bạn phải gánh lấy hậu quả cho những hành động của mình.

Bạn có thể làm gì? Qua việc dùng những kinh nghiệm có thật, hãy giải thích cho con biết những người chọn đường lối sai lầm chịu đau khổ ra sao, hoặc những người làm điều đúng thì nhận được lợi ích gì (Lu-ca 17:31, 32; Hê-bơ-rơ 13:7). Cũng không nên bao che để con tránh khỏi hậu quả của việc làm sai trái. Thí dụ, nếu con bất cẩn làm hỏng đồ chơi của cậu bé khác, thì bạn có thể buộc con đưa cho cậu bé ấy một món đồ chơi của mình. Con của bạn sẽ không dễ quên bài học về việc tôn trọng tài sản người khác.

3 Giúp con vun trồng tính cách tốt. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Qua việc làm, mà người ta biết được tính hạnh đứa trẻ có trong sáng thẳng ngay” (Châm-ngôn 20:11, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Khi lớn lên, con trẻ có cách cư xử riêng, qua đó cho thấy chúng là người như thế nào. Đáng buồn thay, một số trẻ có tiếng về tính cách xấu (Thi-thiên 58:3). Nhưng những trẻ khác thì tạo danh tiếng tốt, đáng khen. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô viết thư cho hội thánh nói về người trẻ Ti-mô-thê: “Tôi không có ai có tâm tính giống như anh ấy, người sẽ thật lòng chăm lo cho anh em”.—Phi-líp 2:20.

Bạn có thể làm gì? Ngoài việc nhấn mạnh hậu quả, hãy giúp con nghĩ đến những tính cách mà con muốn người ta nhớ về mình. Khi đương đầu với thử thách, người trẻ có thể biết cách để quyết định đúng qua việc tự hỏi hai câu sau:

● Mình muốn trở thành người như thế nào?—Cô-lô-se 3:10.

● Người như thế sẽ làm gì trong tình huống này?—Châm-ngôn 10:1.

Kinh Thánh ghi lại những gương có thật của người nam, người nữ mà qua hành động họ cho thấy mình là người tốt hoặc xấu (1 Cô-rinh-tô 10:11; Gia-cơ 5:10, 11). Hãy dùng những gương này để giúp con vun trồng tính cách tốt.

Những ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va có thể giúp bạn biết cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh trong gia đình, và biết cách giúp con cái cũng làm thế.

[Khung/​Hình nơi trang 29]

Để giúp gia đình

Con trẻ:

Sách kể chuyện Kinh Thánh

Thiếu nhi:

Hãy học theo Thầy Vĩ Đại

Tuổi vị thành niên:

Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực trong tiếng Việt (tập 1 và tập 2, Anh ngữ)

Người trưởng thành:

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc