Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN

Làm sao chấm dứt “chiến tranh lạnh”?

Làm sao chấm dứt “chiến tranh lạnh”?

THÁCH THỨC

Làm thế nào hai người từng nguyện ước sẽ yêu thương nhau nhưng lại giận đến mức nhất quyết không ai nói với ai hàng giờ, thậm chí vài ngày? Họ tự nhủ: “Ít ra, vợ chồng mình không tranh cãi nữa”. Tuy nhiên, vấn đề chưa được giải quyết và cả hai cảm thấy khó chịu.

TẠI SAO?

Trả đũa. Một số người hôn phối dùng sự im lặng để trả đũa. Chẳng hạn, người chồng lên kế hoạch vào cuối tuần mà không hỏi ý kiến vợ. Khi biết được, vợ giận và nói chồng là vô tâm. Người chồng phản ứng qua việc nói vợ quá nhạy cảm. Vợ giận dỗi bỏ đi và bắt đầu im lặng, như thể nói: “Anh ta làm mình đau lòng, mình sẽ trả thù”.

Đạt điều mình muốn. Một số người dùng chiến tranh lạnh hầu đạt điều mình muốn. Chẳng hạn, hãy hình dung hai vợ chồng định đi du lịch, và người vợ muốn cha mẹ mình đi cùng. Người chồng phản đối: “Anh kết hôn với em, chứ không phải với ba mẹ em”. Rồi anh chiến tranh lạnh, né tránh vợ với hy vọng vợ sẽ “xuống nước” và chiều theo ý mình.

Dĩ nhiên, khi cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng, việc hai vợ chồng tạm thời không nói chuyện với nhau giúp cả hai bình tĩnh lại. Sự im lặng như thế có thể giúp ích. Kinh Thánh nói “có kỳ nín-lặng” (Truyền-đạo 3:7). Nhưng, vợ chồng dùng sự im lặng để trả đũa hoặc đạt điều mình muốn thì không những kéo dài cuộc xung đột mà còn giảm lòng tôn trọng lẫn nhau. Làm sao để tránh điều này?

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Bước đầu tiên để chấm dứt chiến tranh lạnh là nhận ra đây chỉ là “sách lược” tạm thời. Đúng vậy, sự im lặng có thể giúp bạn trả đũa hoặc ép người hôn phối chiều theo ý mình. Nhưng đây có phải là cách bạn muốn đối xử với người mình từng thề ước yêu thương? Có những cách tốt hơn để hòa giải cuộc xung đột.

Biết suy xét. Kinh Thánh nói tình yêu thương “không dễ nổi giận” (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5). Thế nên, đừng phản ứng thái quá khi người hôn phối nổi giận mà nói những câu như: “Anh/Em không bao giờ biết lắng nghe” hoặc “Anh/Em luôn trễ giờ”. Thay vì thế, hãy suy xét ý nghĩa nằm sau những lời này. Chẳng hạn, khi nói “Anh không bao giờ nghe em cả”, có thể có nghĩa là “Em thấy anh xem thường quan điểm của em”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 14:29.

Xem người hôn phối là đồng đội thay vì đối thủ

Hạ giọng. Thường cuộc tranh cãi càng lúc càng gay gắt. Trái lại, bạn có thể thay đổi tình huống. Bằng cách nào? Sách viết về việc cứu vãn hôn nhân (Fighting for Your Marriage) cho biết: “Giọng nói nhỏ nhẹ hơn và nhận biết quan điểm của người hôn phối là hai phương cách hữu hiệu giúp bạn có thể giảm bớt bầu không khí ngột ngạt, không để cuộc tranh cãi trở nên nặng nề hơn. Thường chỉ cần làm thế là đủ”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 26:20.

Nghĩ về “chúng mình” thay vì “mình”. Kinh Thánh nói: “Mỗi người chớ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy mưu cầu lợi ích cho người khác” (1 Cô-rinh-tô 10:24). Nếu xem người hôn phối là đồng đội thay vì đối thủ, thì ít khi bạn bực mình, tranh cãi, rồi chiến tranh lạnh với bạn đời.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Truyền-đạo 7:9.

Chiến tranh lạnh đi ngược lại lời khuyên Kinh Thánh: “Mỗi người hãy yêu vợ như yêu chính mình; còn vợ thì phải kính trọng chồng sâu xa” (Ê-phê-sô 5:33). Sao không thỏa thuận với người hôn phối là trong hôn nhân, hãy nói không với chiến tranh lạnh?