Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào vượt qua cảm giác bất an?

Làm thế nào vượt qua cảm giác bất an?

Không gì trông yếu đuối hơn một em bé sơ sinh. Khi bước vào cuộc đời này, sự an toàn của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn nơi cha mẹ. Khi biết đi, chúng ta gặp những người lạ mà so với mình họ thật cao lớn. Họ như những người khổng lồ khiến chúng ta phải sợ nếu không có cha mẹ bên cạnh. Nhưng chúng ta cảm thấy an toàn khi được nắm tay của cha hoặc mẹ.

Trong suốt thời thơ ấu, tình yêu thương và sự khích lệ của cha mẹ mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Khi biết cha mẹ yêu thương mình, chúng ta có cảm giác an toàn hơn. Khi họ khen chúng ta làm rất giỏi, chúng ta cảm thấy tự tin hơn và trở nên tiến bộ.

Khi lớn hơn một chút, những người bạn thân cũng mang lại cho chúng ta sự bình an. Chúng ta cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh họ, và họ làm chúng ta cảm thấy vui hơn khi đến trường.

Dĩ nhiên, những hình ảnh trên vẽ nên bức tranh về một tuổi thơ êm đềm. Dù vậy, một số người trẻ có ít bạn thân, và quá nhiều đứa bé thiếu sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ. Chị Minh * thú nhận: “Mỗi khi nhìn thấy những bức hình chụp các gia đình sum họp bên nhau, tôi tự nhủ: ‘Ước gì hồi nhỏ mình cũng được như thế’”. Có lẽ bạn cũng có cảm giác tương tự.

TUỔI THƠ THIẾU HẠNH PHÚC

Có lẽ bạn cảm thấy thiếu tự tin trong những năm hình thành nhân cách. Có thể bạn thiếu thốn tình yêu thương và ít được động viên. Hoặc bạn vẫn nhớ đến cảnh cha mẹ cãi nhau liên tục rồi họ ly dị, và bạn lầm tưởng đó là do lỗi của mình. Hay tệ hơn, có lẽ bạn bị cha mẹ lăng mạ hoặc đánh đập.

Một đứa trẻ thiếu hạnh phúc có thể phản ứng thế nào? Một số em bắt đầu dùng ma túy và nghiện rượu trong độ tuổi vị thành niên. Những em khác gia nhập các băng đảng để có cảm giác được đùm bọc. Những thiếu niên đó cũng có thể vội vàng lao vào các mối quan hệ lãng mạn để được yêu thương và trìu mến. Tuy nhiên, những cuộc tình này ít khi kéo dài và việc chia tay càng làm họ chán nản.

Những thiếu niên nào không vướng vào các cạm bẫy trên cũng dễ bị tổn thương và khi trưởng thành, họ cảm thấy tự ti về bản thân. Chị Liên giải thích: “Dần dần tôi nghĩ rằng mình đúng là kẻ vô dụng, vì mẹ đã nhiều lần nói với tôi như thế. Mẹ chẳng bao giờ khen tôi hoặc dành cho tôi những cử chỉ trìu mến”.

Hoàn cảnh xuất thân không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra cảm giác bất an. Chúng ta có thể cảm thấy bất an sau một cuộc ly dị đau lòng, do khó khăn khi về già, hoặc ngay cả do lo lắng về ngoại hình. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, cảm giác bất an cũng có thể cướp mất niềm vui của chúng ta và làm tổn hại mối quan hệ với người khác. Chúng ta có thể làm gì để vượt qua những cảm giác đó.

ĐỨC CHÚA TRỜI THẬT SỰ QUAN TÂM ĐẾN CHÚNG TA

Hãy nhớ rằng chúng ta có sự trợ giúp. Đức Chúa Trời chính là đấng có khả năng và mong muốn giúp đỡ tất cả chúng ta.

Đây là thông điệp mà Đức Chúa Trời nói qua nhà tiên tri Ê-sai: “Chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi” (Ê-sai 41:10, 13). Thật an ủi khi nghĩ đến việc Đức Chúa Trời muốn nắm tay chúng ta theo nghĩa bóng! Chúng ta không cần phải lo lắng nữa!

Kinh Thánh kể về những người thờ phượng Đức Chúa Trời đã cảm thấy lo lắng nhưng rồi học được cách nắm lấy tay ngài. Mẹ của Sa-mu-ên là An-ne cảm thấy mình là kẻ thất bại. Vì không thể sinh con nên bà bị người khác chế giễu. Hậu quả là bà thường hay khóc và chẳng màng gì đến việc ăn uống (1 Sa-mu-ên 1:6, 8). Nhưng sau khi dốc đổ những cảm xúc của mình với Đức Chúa Trời, bà không còn cảm thấy đau khổ nữa.—1 Sa-mu-ên 1:18.

Người viết Thi-thiên là Đa-vít cũng có những lúc cảm thấy bất an. Trong nhiều năm, vua Sau-lơ quyết săn đuổi ông. Đa-vít vài lần suýt chết, và đôi khi ông cảm thấy như bị nhấn chìm trong các vấn đề mà mình gặp phải (Thi-thiên 55:3-5; 69:1). Dù vậy, ông vẫn viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình-an; vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên-ổn”.—Thi-thiên 4:8.

Cả An-ne và Đa-vít đều trút hết nỗi lòng mình cho Đức Giê-hô-va và cảm nhận rằng ngài đã nâng đỡ mình (Thi-thiên 55:22). Ngày nay chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

BA CÁCH ĐỂ CẢM THẤY BÌNH AN HƠN

1. Học tin cậy Đức Giê-hô-va như một người Cha.

Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta hãy tìm hiểu về Cha ngài, “là Đức Chúa Trời có thật và duy nhất” (Giăng 17:3). Sứ đồ Phao-lô bảo đảm rằng “ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công vụ 17:27). Gia-cơ viết: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8.

Việc biết chúng ta có một người Cha trên trời yêu thương và quan tâm đến mình là bước quan trọng để vượt qua cảm giác lo lắng. Đúng là có thể phải mất thời gian để xây đắp lòng tin cậy đó nhưng nhiều người đã nhận ra rằng làm thế thật sự sẽ giúp ích. Chị Cúc nói: “Khi Đức Giê-hô-va trở thành Cha của tôi, cuối cùng tôi cũng tìm được một người mà mình có thể bày tỏ cảm xúc trong lòng. Thật nhẹ nhõm biết bao!”.

Chị Hương nhớ lại: “Đức Giê-hô-va là đấng giúp tôi cảm thấy an toàn khi không có cha mẹ bên cạnh. Tôi có thể nói chuyện với ngài và xin ngài giúp tôi giải quyết các vấn đề. Và đúng là ngài đã làm thế”. *

2. Tìm một gia đình thiêng liêng.

Chúa Giê-su dạy các môn đồ hãy xem nhau như anh chị em. Ngài bảo họ: “Tất cả đều là anh em” (Ma-thi-ơ 23:8). Ngài muốn các môn đồ chân chính của ngài yêu thương nhau và trở thành một gia đình thiêng liêng.—Ma-thi-ơ 12:48-50; Giăng 13:35.

Các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va chân thành mong muốn mang lại cho mọi người cảm giác ấm áp và thoải mái của một gia đình thiêng liêng thật sự (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Nhiều người đã thấy rằng các buổi nhóm họp của hội thánh giống như loại thuốc xoa dịu có thể chữa lành những vết thương lòng.

Chị Sương hồi tưởng: “Tôi có một người bạn thân trong hội thánh địa phương. Chị hiểu được những nỗi đau khổ mà tôi phải gánh chịu. Chị lắng nghe tôi nói, đọc Kinh Thánh cho tôi nghe và cầu nguyện với tôi. Chị ấy sắp xếp để tôi không cảm thấy cô đơn. Chị khuyến khích tôi nói ra hết mọi việc và trút bỏ những gánh nặng trong lòng. Nhờ chị hỗ trợ mà tôi bắt đầu cảm thấy bình an hơn”. Chị Hương cho biết thêm: “Tôi tìm được ‘cha mẹ’ trong hội thánh. Các anh chị em đồng đạo thật sự làm tôi cảm thấy được yêu thương và bình an”.

3. Yêu thương và tử tế với người khác.

Việc thể hiện tình yêu thương và lòng tử tế với người khác sẽ tạo nên những mối quan hệ lâu dài. Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Và chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra rằng càng thể hiện tình yêu thương thì mình sẽ càng nhận được tình yêu thương nhiều hơn. Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Hãy cho, người ta sẽ cho anh em”.—Lu-ca 6:38.

Bằng cách cho đi và nhận lại tình yêu thương, chúng ta cảm thấy bình an hơn. Như Kinh Thánh cho thấy, “tình yêu thương tồn tại mãi” (1 Cô-rinh-tô 13:8). Chị Ngân thừa nhận: “Tôi biết là những điều tiêu cực mà tôi nghĩ về bản thân là không có thật. Tôi thoát khỏi lối suy nghĩ tiêu cực đó bằng cách giúp đỡ người khác và quên đi bản thân. Tôi luôn cảm thấy thỏa nguyện khi làm điều gì đó cho người khác”.

SỰ YÊN ỔN CHO MỌI NGƯỜI

Ba bước trên không phải là một “công thức thần kỳ” mang lại sự giải thoát lâu dài ngay tức khắc, nhưng có thể tạo nên khác biệt lớn. Chị Cúc thừa nhận: “Tôi vẫn còn cảm giác bất an. Nhưng giờ đây tôi thấy mình có giá trị hơn. Tôi biết Đức Chúa Trời quan tâm đến mình, và tôi cũng có nhiều bạn thân giúp mình cảm thấy bình an hơn”. Chị Hương cũng nhận thấy như vậy. Chị nói: “Có những lúc tôi vô cùng buồn bã. Nhưng tôi có các anh chị em thiêng liêng. Tôi có thể đến gặp họ để tìm lời khuyên, và họ cũng giúp tôi nhìn mọi điều một cách tích cực. Và trên hết, tôi có một người Cha trên trời để trò chuyện mỗi ngày. Điều này khiến mọi thứ khác hẳn đi”.

Kinh Thánh cho biết về một thế giới mới sắp đến, nơi mà mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy an toàn

Cũng có một giải pháp lâu dài. Kinh Thánh cho biết về một thế giới mới sắp đến, nơi mà mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy an toàn. Lời Đức Chúa Trời hứa: “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ” (Mi-chê 4:4). Lúc đó, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bất an cũng như sẽ không có ai làm hại chúng ta. Ngay cả những nỗi ám ảnh quá khứ ăn sâu trong lòng cũng sẽ chẳng nhớ nữa (Ê-sai 65:17, 25). Đức Chúa Trời và Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô sẽ thiết lập sự công chính thật. Kết quả “sẽ là yên-lặng và an-ổn mãi mãi”.—Ê-sai 32:17.

^ đ. 5 Tất cả các tên trong bài đã được thay đổi.

^ đ. 21 Nhân Chứng Giê-hô-va có những buổi tìm hiểu Kinh Thánh miễn phí dành cho những ai muốn đến gần hơn với Đức Chúa Trời.