Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần?

Làm sao để giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần?

KINH THÁNH NÓI: “Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ”.​—CHÂM NGÔN 17:17.

Điều này có nghĩa gì?

Có lẽ chúng ta cảm thấy bất lực khi một người bạn của mình vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhưng chúng ta có thể cho thấy mình quan tâm đến họ qua việc giúp họ đương đầu với vấn đề ấy. Bằng cách nào?

Điều này giúp ích thế nào?

“Phải mau nghe”.—GIA-CƠ 1:19.

Một trong những cách tốt nhất để giúp bạn mình là lắng nghe khi người ấy muốn tâm sự. Bạn không nhất thiết phải đáp lại mọi điều người ấy nói. Hãy cho thấy là mình đang lắng nghe và cố gắng thể hiện lòng trắc ẩn. Hãy nỗ lực để hiểu cảm xúc của người ấy, và đừng vội kết luận hoặc chỉ trích người ấy. Hãy nhớ rằng người ấy có thể nói những điều mà không có ý muốn nói và sau này thấy hối tiếc.—Gióp 6:2, 3.

“An ủi người buồn nản”.​—1 TÊ-SA-LÔ-NI-CA 5:14.

Có lẽ người bạn ấy cảm thấy lo âu hoặc tranh đấu với cảm giác là mình vô giá trị. Ngay cả khi không biết nên nói gì, bạn có thể an ủi và khích lệ người ấy qua việc trấn an là bạn quan tâm đến người ấy.

“Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn”.—CHÂM NGÔN 17:17.

Hãy đề nghị giúp đỡ một cách thực tế. Thay vì cho rằng bạn biết cách để giúp, hãy hỏi xem bạn có thể làm gì. Nếu người ấy thấy khó nói ra điều mình cần, hãy thử đề nghị một điều thực tế mà cả hai có thể cùng làm, chẳng hạn như đi dạo. Hoặc bạn có thể đề nghị đi chợ giùm, dọn dẹp hay làm một việc gì khác.—Ga-la-ti 6:2.

‘Hãy kiên nhẫn’.​—1 TÊ-SA-LÔ-NI-CA 5:14.

Có lẽ không phải lúc nào người ấy cũng sẵn sàng tâm sự. Hãy cho người ấy biết rằng bạn sẵn lòng lắng nghe vào lúc người ấy muốn tâm sự. Vì bị bệnh nên người ấy có thể nói hoặc làm những điều khiến bạn tổn thương. Người ấy có thể hủy những kế hoạch với bạn hoặc trở nên cáu kỉnh. Hãy kiên nhẫn, thông cảm và tiếp tục hỗ trợ khi người ấy cần.—Châm ngôn 18:24.

Sự hỗ trợ của bạn có thể giúp ích

“Tôi nỗ lực trở thành người bạn mà cô ấy có thể nương cậy. Dù không có giải pháp cho các vấn đề của cô ấy, tôi cố gắng lắng nghe điều cô ấy nói. Đôi khi cô ấy chỉ cần một người biết lắng nghe để cảm thấy tốt hơn”.—Chị Farrah, a người có bạn bị bệnh trầm cảm nặng cũng như mắc chứng rối loạn ăn uống và lo âu.

“Tôi có một người bạn tử tế và tích cực. Có lần cô ấy mời tôi đến nhà để dùng một bữa ăn rất ngon. Trong bầu không khí ấm cúng và yêu thương đó, tôi đã có thể nói ra cảm xúc của mình. Điều đó thật sự khích lệ tôi rất nhiều!”—Chị Ha-eun, người bị bệnh trầm cảm nặng.

“Kiên nhẫn là điều rất quan trọng. Khi vợ làm một điều khiến tôi bực bội, tôi nhắc mình nhớ rằng đó là một biểu hiện của căn bệnh, chứ không phải con người thật của cô ấy. Điều này giúp tôi tránh trở nên tức giận và nhân từ hơn với cô ấy”.—Anh Jacob, người có vợ bị bệnh trầm cảm nặng.

“Vợ tôi là nguồn an ủi và hỗ trợ tuyệt vời cho tôi. Khi tôi bị choáng ngợp bởi lo âu, cô ấy không bao giờ ép tôi làm những điều mà tôi không muốn làm. Vì thế, đôi khi cô ấy không được làm những điều mình yêu thích. Tôi thật sự biết ơn tinh thần hy sinh và rộng lượng của cô ấy”.—Anh Enrico, người bị chứng rối loạn lo âu.

a Một số tên đã được thay đổi.