Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bảng khắc chữ hình nêm có tên Tattannu ở một cạnh của nó

Thêm một bằng chứng

Thêm một bằng chứng

Khảo cổ học có xác nhận lời tường thuật trong Kinh Thánh không? Năm 2014, một bài được đăng trong tạp chí khảo cổ về Kinh Thánh (Biblical Archaeology Review) nêu lên câu hỏi: “Có bao nhiêu nhân vật trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được khảo cổ học xác nhận?”. Và câu trả lời: “Ít nhất là 50!”. Nhưng có một người không được đề cập trong danh sách là Tát-tê-nai. Ông ấy là ai? Hãy cùng xem qua vai trò của ông trong lời tường thuật của Kinh Thánh.

Giê-ru-sa-lem từng là một phần của đế quốc Ba Tư rộng lớn. Thành này nằm trong vùng mà người Ba Tư gọi là Bên Kia Sông, tức về phía tây của sông Ơ-phơ-rát. Sau khi chinh phục xứ Ba-by-lôn, người Ba Tư đã phóng thích dân Do Thái và cho phép họ tái thiết đền thờ của Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem (E-xơ-ra 1:1-4). Tuy nhiên, kẻ thù của dân Do Thái đã chống đối kế hoạch ấy và dùng nó như cái cớ để tố cáo rằng dân này chống lại Ba Tư (E-xơ-ra 4:4-16). Trong triều đại vua Darius I cai trị từ năm 522-486 trước công nguyên (TCN), một viên quan Ba Tư tên là Tát-tê-nai đã dẫn đầu cuộc điều tra về vấn đề này. Kinh Thánh gọi ông là “tổng trấn của tỉnh Bên Kia Sông”.—E-xơ-ra 5:3-7, Đặng Ngọc Báu.

Một số bảng khắc chữ hình nêm có khắc tên Tát-tê-nai vẫn còn tồn tại, có lẽ chúng thuộc về tư liệu của một gia đình. Trong đó có tấm bảng đề cập đến một thành viên trong gia đình liên hệ với nhân vật Kinh Thánh Tát-tê-nai. Đây là một cam kết trả nợ có niên đại vào năm thứ 20 triều vua Darius I, tức năm 502 TCN. Bảng này cho thấy nhân chứng của giao dịch ấy là một tôi tớ của “Tattannu, quan tổng trấn của Bên Kia Sông”. Tattannu ấy chính là Tát-tê-nai xuất hiện trong sách E-xơ-ra của Kinh Thánh.

Vai trò của ông là gì? Năm 535 TCN, Si-ru Đại đế đã tái cơ cấu các thuộc địa thành các tỉnh, một trong những tỉnh đó là “Ba-by-lôn và Bên Kia Sông”. Về sau, tỉnh này tách ra làm hai vùng, với một vùng được gọi là Bên Kia Sông. Nó bao gồm Coele-Syria, Phê-ni-xi, Sa-ma-ri và Giu-đa; rất có thể được cai trị từ Đa-mách. Tát-tê-nai làm quan tổng trấn vùng này từ khoảng năm 520 đến 502 TCN.

Sau khi đến Giê-ru-sa-lem để điều tra về vụ tố cáo đó, Tát-tê-nai đã báo với vua rằng dân Do Thái tuyên bố họ nhận quyền tái thiết đền thờ của Đức Giê-hô-va từ Si-ru. Những cuộc kiểm tra văn khố hoàng gia đã xác nhận lời tuyên bố đó là đúng (E-xơ-ra 5:6, 7, 11-13; 6:1-3). Thế nên, Tát-tê-nai nhận lệnh không được can thiệp và ông đã vâng theo.—E-xơ-ra 6:6, 7, 13.

Dù “Tát-tê-nai tổng trấn của tỉnh Bên Kia Sông” không mấy nổi bật trong lịch sử, nhưng hãy lưu ý rằng Kinh Thánh đã đề cập đến ông và dùng đúng tước hiệu của ông. Chi tiết này cho chúng ta thêm một bằng chứng về việc khảo cổ học nhiều lần xác nhận Kinh Thánh chính xác về lịch sử.