Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Cám dỗ

Cám dỗ

Hôn nhân tan vỡ, bệnh tật, lương tâm bị dằn vặt. Đó chỉ là vài hậu quả của việc chiều theo cám dỗ. Làm sao có thể tránh khỏi cạm bẫy này?

Cám dỗ là gì?

Cám dỗ xảy ra khi bạn bị lôi cuốn làm một điều gì đó, đặc biệt là điều sai trái. Để minh họa, khi đi mua sắm, bạn nhìn thấy một món đồ hấp dẫn. Bất ngờ bạn nghĩ có thể dễ dàng ăn cắp món đồ đó mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, lương tâm bạn lên tiếng! Vì vậy, bạn bỏ qua và không nghĩ đến nữa. Lúc này, cám dỗ kết thúc và bạn là người chiến thắng.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI

 

Việc bị cám dỗ không khiến bạn thành người xấu. Kinh Thánh cho biết tất cả chúng ta đều bị cám dỗ (1 Cô-rinh-tô 10:13). Điều thật sự quan trọng là cách chúng ta phản ứng trước cám dỗ. Một số người cưu mang ham muốn sai trái và trước sau gì cũng sẽ chiều theo ham muốn đó. Số khác thì nhanh chóng loại bỏ nó vì ý thức nó là sai.

“Mỗi người gặp thử thách khi bị lôi cuốn và cám dỗ bởi ham muốn của chính mình”.​Gia-cơ 1:14.

Tại sao nên nhanh chóng hành động khi bị cám dỗ?

Kinh Thánh cho biết những bước dẫn đến hành động sai trái. Gia-cơ 1:15 nói: ‘Rồi khi ham muốn được cưu mang thì sinh ra tội lỗi’. Nếu cưu mang ham muốn sai trái, trước sau gì chúng ta cũng sẽ thực hiện nó, giống như một phụ nữ mang thai trước sau gì cũng sẽ sinh con. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh làm nô lệ cho ham muốn sai trái, và chế ngự nó.

KINH THÁNH CÓ THỂ GIÚP

 

Tâm trí chúng ta có thể nuôi dưỡng ham muốn sai trái, nhưng cũng có thể loại bỏ nó. Như thế nào? Bằng cách tập trung vào những điều khác, chẳng hạn như một hoạt động, cuộc đối thoại với bạn bè hay suy nghĩ lành mạnh (Phi-líp 4:8). Một điều hữu ích khác là nghĩ đến những hậu quả mà việc chiều theo ham muốn tội lỗi gây ra như sự tổn hại về tinh thần, thể chất hay tâm linh (Phục truyền luật lệ 32:29). Ngoài ra, cầu nguyện là điều không thể thiếu. Chúa Giê-su nói: ‘Không ngừng cầu nguyện để anh em không sa vào cám dỗ’.—Ma-thi-ơ 26:41.

“Đừng để bị lừa dối: Đức Chúa Trời không để bị khinh thường đâu. Vì ai gieo gì sẽ gặt nấy”.—Ga-la-ti 6:7.

Làm sao để cương quyết kháng cự cám dỗ?

THỰC TẾ

 

Hãy nhận biết rằng cám dỗ thật ra là mồi để nhử người dại dột, ngây ngô hoặc thiếu cảnh giác vào sự nguy hiểm (Gia-cơ 1:14, chú thích). Điều này đặc biệt đúng khi cám dỗ liên quan đến gian dâm, là hành vi dẫn đến hậu quả đau thương.—Châm ngôn 7:22, 23.

KINH THÁNH CÓ THỂ GIÚP

 

Chúa Giê-su nói: “Nếu mắt bên phải khiến anh em vấp ngã, hãy móc ra và ném đi” (Ma-thi-ơ 5:29). Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không có ý nói theo nghĩa đen! Ngài muốn nói rằng để làm vui lòng Đức Chúa Trời và hưởng sự sống vĩnh cửu, chúng ta phải làm chết các bộ phận thân thể sinh ra hành động sai trái (Cô-lô-se 3:5). Điều này nghĩa là chúng ta phải hành động dứt khoát để kháng cự cám dỗ. Một người trung thành với Đức Chúa Trời đã cầu xin: “Xin khiến mắt con quay khỏi điều vô giá trị”.—Thi thiên 119:37.

Dĩ nhiên, tự chủ không phải là dễ. Suy cho cùng, ‘thể xác thì yếu đuối’ (Ma-thi-ơ 26:41). Chúng ta sẽ phạm sai lầm. Nhưng khi chúng ta thật sự ăn năn và nỗ lực tránh lặp lại hành động sai trái, Đấng Tạo Hóa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ thể hiện “lòng thương xót và trắc ẩn” (Thi thiên 103:8). Thật ấm lòng biết bao!

“Lạy Gia, nếu ngài để ý lầm lỗi thì Đức Giê-hô-va ôi, còn ai đứng nổi?”.​—Thi thiên 130:3.