Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sáng tạo tiết lộ về Ðức Chúa Trời hằng sống

Sự sáng tạo tiết lộ về Ðức Chúa Trời hằng sống

‘Lạy Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng con, ngài xứng đáng nhận sự vinh hiển vì ngài đã tạo nên muôn vật’.KHẢI 4:11.

1. Chúng ta phải làm gì để luôn giữ vững đức tin?

Nhiều người nói rằng họ chỉ tin những gì thấy được. Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người như thế tin nơi Ðức Giê-hô-va? Vì Kinh Thánh nói: “Chưa từng có người nào thấy Ðức Chúa Trời” (Giăng 1:18). Còn bản thân chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể giữ vững đức tin nơi Ðức Giê-hô-va, “Ðức Chúa Trời vô hình”? (Cô 1:15). Trước hết, chúng ta phải nhận ra những dạy dỗ che khuất sự thật về ngài. Sau đó, chúng ta cần khéo dùng Kinh Thánh để phá đổ những lập luận “nổi lên chống lại sự hiểu biết về Ðức Chúa Trời”.—2 Cô 10:4, 5.

2, 3. Hai sự dạy dỗ nào đã làm cho sự thật về Ðức Chúa Trời bị che khuất?

2 Một dạy dỗ sai lầm phổ biến đã che mắt nhiều người, khiến họ không thấy sự thật về Ðức Chúa Trời là thuyết tiến hóa. Thuyết này đi ngược lại với Kinh Thánh và cướp đi hy vọng của người ta. Theo thuyết tiến hóa, sự sống xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Ðiều này ngụ ý rằng đời sống con người không có mục đích.

3 Mặt khác, một số người thuộc khối Ki-tô giáo dạy rằng vũ trụ, kể cả trái đất và mọi loài sống trên đó, chỉ có niên đại vài ngàn năm. Những người dạy điều này có lẽ rất tôn trọng Kinh Thánh, nhưng họ cho rằng cách đây vài ngàn năm, Ðức Chúa Trời đã tạo ra vạn vật trong sáu ngày theo nghĩa đen, mỗi ngày dài 24 giờ. Họ bác bỏ những bằng chứng khoa học đi ngược với quan điểm của họ. Khi làm thế, họ đã hạ thấp Kinh Thánh, khiến cho sách này dường như không hợp lý và không chính xác. Những người như thế gợi chúng ta nhớ đến một số người vào thế kỷ thứ nhất đã sốt sắng phụng sự Ðức Chúa Trời “nhưng không theo sự hiểu biết chính xác”  (Rô 10:2). Làm sao chúng ta có thể dùng Lời Ðức Chúa Trời để giúp những người tin thuyết tiến hóa hoặc tin rằng vũ trụ được tạo ra trong sáu ngày theo nghĩa đen *? Chúng ta chỉ có thể phá đổ các “thành lũy” ấy khi cố gắng hiểu chính xác về những điều Kinh Thánh dạy.

ÐỨC TIN ÐƯỢC XÂY DỰNG DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG VÀ ÓC SUY XÉT

4. Ðức tin của chúng ta nên dựa vào điều gì?

4 Kinh Thánh dạy chúng ta hãy quý trọng sự hiểu biết (Châm 10:14). Ðức Giê-hô-va muốn chúng ta vun đắp đức tin nơi ngài dựa vào bằng chứng và óc suy xét, chứ không dựa vào triết lý của con người hoặc truyền thống tôn giáo. (Ðọc Hê-bơ-rơ 11:1). Ðể xây dựng đức tin vững mạnh nơi Ðức Chúa Trời, trước hết chúng ta phải tin chắc ngài hiện hữu. (Ðọc Hê-bơ-rơ 11:6). Chúng ta tin điều đó là vì đã xem xét những bằng chứng và dùng “lý trí”, chứ không tin một cách mù quáng.—Rô 12:1.

5. Một lý do giúp chúng ta tin chắc Ðức Chúa Trời hiện hữu là gì?

5 Sứ đồ Phao-lô đưa ra một lý do giúp chúng ta tin chắc Ðức Chúa Trời hiện hữu, dù không thể thấy ngài. Ông viết: “Dù Ðức Chúa Trời là vô hình, nhưng từ lúc thế gian được dựng nên, khi xem xét những vật ngài tạo ra thì người ta có thể thấy rõ các đặc tính của ngài, tức quyền năng muôn đời và cương vị Chúa Trời” (Rô 1:20). Làm sao bạn có thể giúp người nghi ngờ sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời tin vào điều Phao-lô nói? Bạn có thể dùng những bằng chứng trong thiên nhiên cho thấy quyền năng và sự khôn ngoan của Ðấng Tạo Hóa. Hãy xem một số ví dụ.

SỰ SÁNG TẠO CHỨNG TỎ QUYỀN NĂNG CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI

6, 7. Quyền năng của Ðức Giê-hô-va được tiết lộ như thế nào qua đôi khiên bảo vệ chúng ta?

6 Quyền năng của Ðức Giê-hô-va được tiết lộ qua đôi khiên bảo vệ chúng ta, đó là bầu khí quyển và từ trường trái đất. Chẳng hạn, ngoài việc cung cấp không khí cho chúng ta thở, bầu khí quyển còn che chở chúng ta khỏi hầu hết những mảnh vỡ từ không gian. Những thiên thạch nguy hiểm này thường bị đốt cháy trong khí quyển, tạo thành các vệt sáng tuyệt đẹp trên bầu trời đêm.

7 Từ trường trái đất cũng bảo vệ chúng ta khỏi những mối nguy hiểm. Nó bắt nguồn từ trong lòng đất. Lớp ngoài của lõi trái đất, được cấu thành chủ yếu từ sắt nóng chảy, tạo ra từ trường cực mạnh bao phủ chúng ta và vươn ra ngoài không gian. Cái khiên này bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ cực mạnh đến từ những vụ nổ ở phần bề mặt của mặt trời. Nhờ từ trường, bức xạ ấy không thiêu rụi các loài sống trên địa cầu của chúng ta. Thay vì thế, nó bị vô hiệu hóa hoặc làm chệch hướng. Chúng ta thấy sự hoạt động của khiên từ trường qua những tia cực quang muôn màu chuyển động như những dải lụa trên bầu trời gần Bắc Cực và Nam Cực. Quả thật, ‘quyền-năng Ðức Giê-hô-va rất cao’.—Ðọc Ê-sai 40:26.

THIÊN NHIÊN TIẾT LỘ SỰ KHÔN NGOAN CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI

8, 9. Sự khôn ngoan của Ðức Giê-hô-va được tiết lộ thế nào qua các chu trình duy trì sự sống trên đất?

8 Sự khôn ngoan của Ðức Giê-hô-va được tiết lộ qua các chu trình duy trì sự sống trên đất. Ðể minh họa: Hãy hình dung một thành phố khép kín và đông dân, không có đường dẫn nước sạch vào và đưa chất thải ra. Thành phố đó sẽ nhanh chóng trở nên bẩn thỉu và không  thể sinh sống. Xét về một số khía cạnh, trái đất của chúng ta cũng giống như thành phố khép kín đó. Trái đất chứa một lượng nước sạch có hạn, và việc tống chất thải ra ngoài không gian là điều không thực tế. Tuy nhiên, “thành phố khép kín” này có thể nuôi dưỡng hàng tỉ người và loài vật, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại sao? Vì trái đất có khả năng tuyệt diệu là tái chế những yếu tố cần thiết cho sự sống.

9 Hãy xem xét chu trình oxy. Hàng tỉ người và loài vật hít khí oxy và thải khí cacbon đioxyt. Nhưng khí oxy không bao giờ cạn kiệt và bầu khí quyển không bị phủ kín bởi khí cacbon đioxyt. Tại sao? Lời giải đáp nằm trong quá trình tuyệt diệu gọi là quang hợp. Trong quá trình quang hợp, cây xanh hấp thu khí cacbon đioxyt, nước, ánh sáng mặt trời và dưỡng chất, rồi sản sinh hydrat cacbon và oxy. Khi hít khí oxy, chúng ta hoàn tất chu trình ấy. Ðức Giê-hô-va dùng cây xanh mà ngài thiết kế để ‘ban cho mọi người sự sống và hơi thở’ (Công 17:25). Quả là sự khôn ngoan tuyệt vời!

10, 11. Bướm chúa và chuồn chuồn tiết lộ sự khôn ngoan của Ðức Giê-hô-va như thế nào?

10 Sự khôn ngoan của Ðức Giê-hô-va cũng được thể hiện trong vô số loài vật sống trên hành tinh chúng ta. Theo ước tính, có từ 2 triệu đến 100 triệu loài vật sống trên trái đất. (Ðọc Thi-thiên 104:24). Hãy khám phá sự khôn ngoan của Ðức Giê-hô-va qua một số loài.

Sự khôn ngoan của Ðức Chúa Trời được thấy qua sự thiết kế của mắt chuồn chuồn; trong hình có hình ảnh phóng to (Xem đoạn 11)

11 Bướm chúa có bộ não chỉ bằng đầu cây bút bi, nhưng nó có thể vượt chặng đường gần 3.000km từ Canada đến một khu rừng ở Mexico. Loài bướm này dựa vào mặt trời để định hướng. Vậy nó xử lý thế nào khi mặt trời di chuyển? Ðức Giê-hô-va thiết kế bộ não của nó với khả năng điều chỉnh cho phù hợp với sự chuyển động của mặt trời. Cũng hãy xem mắt con chuồn chuồn. Loài vật này nhìn bằng đôi mắt kép, mỗi mắt có khoảng 30.000 thấu kính. Bộ não nhỏ xíu của nó có thể giải mã những tín hiệu từ các thấu kính và phát hiện ngay cả các chuyển động nhỏ nhất ở xung quanh.

12, 13. Ðiều gì khiến bạn ấn tượng về cách Ðức Giê-hô-va thiết kế các tế bào tạo nên cơ thể bạn?

12 Cách Ðức Giê-hô-va thiết kế những tế bào tạo nên mọi loài sống còn ấn tượng hơn nữa. Chẳng hạn, cơ thể chúng ta được tạo thành từ khoảng 100 ngàn tỉ tế bào. Trong mỗi tế bào là một phân tử hình xoắn gọi là ADN. Nó lưu trữ phần lớn những thông tin cần thiết để tạo nên toàn bộ cơ thể chúng ta.

13 Khả năng lưu trữ thông tin của ADN lớn đến mức nào? Hãy so sánh một gam ADN với một đĩa CD. Một đĩa CD có thể lưu trữ toàn bộ thông  tin trong một từ điển. Ðiều này khá ấn tượng vì đĩa CD chỉ là một mảnh nhựa. Tuy nhiên, chỉ một gam ADN có thể chứa lượng thông tin tương đương với một ngàn tỉ đĩa CD! Nói cách khác, một muỗng cà phê ADN khô có thể chứa đủ thông tin để tạo ra số người gấp 350 lần số người đang sống ngày nay!

14. Những khám phá của ngành khoa học khiến bạn cảm thấy thế nào về Ðức Giê-hô-va?

14 Vua Ða-vít ví thông tin cần thiết để tạo nên cơ thể con người như thông tin trong một cuốn sách. Ông nói: “Mắt [Ðức Giê-hô-va] đã thấy con khi mới là phôi thai; trong sách ngài có ghi hết thảy các phần nó” (Thi 139:16, NW). Ða-vít ngợi khen Ðức Giê-hô-va khi xem xét cách cơ thể mình được tạo ra cũng là điều dễ hiểu. Các khám phá của ngành khoa học trong những năm gần đây càng khiến chúng ta thán phục Ðức Giê-hô-va. Những bằng chứng này cho chúng ta thêm lý do để đồng tình với lời của người viết Thi-thiên: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm” (Thi 139:14). Quả thật, các công trình sáng tạo xung quanh cho thấy rõ Ðức Chúa Trời hiện hữu!

GIÚP NGƯỜI KHÁC TÔN VINH ÐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG

15, 16. (a) Làm thế nào ấn phẩm của tổ chức giúp chúng ta và người khác học về Ðức Giê-hô-va qua những gì ngài tạo ra? (b) Bài nào trong mục “Một sự thiết kế?” đặc biệt ấn tượng với bạn?

15 Nhiều thập kỷ qua, tạp chí Tỉnh Thức! đã giúp hàng triệu người học về Ðức Chúa Trời qua những gì ngài tạo ra. Chẳng hạn, số Tỉnh Thức! tháng 9 năm 2006 có chủ đề “Có một Ðấng Tạo Hóa không?” (Anh ngữ). Mục tiêu của số đặc biệt này là mở trí những người tin thuyết tiến hóa và những ai tin vũ trụ được tạo ra trong sáu ngày theo nghĩa đen. Nói về số này, một chị viết thư cho văn phòng chi nhánh Hoa Kỳ: “Ðợt phân phát số đặc biệt này đã gặt hái được kết quả rất tốt. Một phụ nữ hỏi xin 20 cuốn. Bà là giáo viên sinh học và muốn mỗi học sinh của bà có một cuốn”. Một anh viết: “Tôi rao giảng từ cuối thập niên 1940 và hiện nay gần 75 tuổi, nhưng tôi chưa bao giờ yêu thích thánh chức như tháng mời nhận số Tỉnh Thức! đặc biệt này”.

16 Trong những năm gần đây, hầu hết các số Tỉnh Thức! đều có mục “Một sự thiết kế?”. Những bài ngắn này cho thấy rõ bằng chứng về sự thiết kế ngoạn mục trong thiên nhiên, và giúp chúng ta nhận ra những cách mà con người cố gắng bắt chước Ðấng Thiết Kế Lỗi Lạc. Năm 2010, chúng ta nhận thêm một ấn phẩm khác giúp tôn vinh Ðức Chúa Trời có tựa đề Sự sống—Do sáng tạo?. Những hình ảnh và biểu đồ đẹp mắt được thiết kế nhằm giúp chúng ta thêm thán phục quyền năng sáng tạo của Ðức Giê-hô-va. Những câu hỏi ở cuối mỗi bài giúp độc giả lý luận dựa trên thông tin vừa xem xét. Bạn đã dùng sách mỏng này khi đi rao giảng từng nhà, rao giảng ở nơi công cộng hay làm chứng bán chính thức chưa?

17, 18. (a) Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con tự tin bênh vực niềm tin của mình? (b) Bạn đã dùng những sách mỏng về sự sáng tạo như thế nào trong buổi thờ phượng của gia đình?

17 Hỡi các bậc cha mẹ, các bạn đã bao giờ cùng con xem xét sách mỏng này trong buổi thờ phượng của gia đình chưa? Làm thế, bạn sẽ giúp con vun trồng lòng thán phục Ðức Chúa Trời hằng sống. Có lẽ bạn có con ở tuổi vị thành niên và đang học phổ thông trung học. Những người dạy thuyết tiến hóa đặc biệt nhắm vào các em. Giới khoa học, giáo viên, các chương trình truyền hình về thế giới thiên nhiên và phim  ảnh cũng cổ vũ thuyết tiến hóa. Bạn có thể giúp con bênh vực sự thật bằng cách dùng sách mỏng có tựa đề Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng, được phát hành năm 2010. Như sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?, ấn phẩm này khuyến khích người trẻ vận dụng “khả năng suy luận” (Châm 2:10, 11, NW). Ấn phẩm này giúp chúng xem xét những gì học ở trường có hợp lý hay không.

Cha mẹ hãy chuẩn bị cho con để chúng biết cách bênh vực niềm tin (Xem đoạn 17)

18 Sách mỏng Nguồn gốc sự sống được biên soạn để giúp học sinh có cái nhìn đúng về những tin tức cho rằng các nhà khoa học đã khám phá ra “những mắt xích còn thiếu”. Sách này khuyến khích các em xét xem liệu những thông tin đó có chứng minh được con người tiến hóa từ động vật thấp kém hơn không. Ấn phẩm này cũng giúp chúng biết cách lý luận với những người cho rằng các khoa học gia đã chứng minh trong phòng thí nghiệm rằng sự sống có thể xuất hiện cách ngẫu nhiên. Nếu sử dụng sách mỏng này, cha mẹ có thể giúp con tự tin trả lời những người chất vấn niềm tin của con nơi Ðấng Tạo Hóa.—Ðọc 1 Phi-e-rơ 3:15.

19. Tất cả chúng ta có đặc ân nào?

19 Tổ chức của Ðức Giê-hô-va biên soạn công phu những ấn phẩm trên nhằm giúp chúng ta càng thấy rõ các đức tính tuyệt vời của ngài được phản ánh qua thế giới xung quanh. Những công cụ này thôi thúc chúng ta hết lòng ca ngợi Ðức Chúa Trời (Thi 19:1, 2). Quả là một đặc ân khi được ngợi khen và tôn vinh Ðức Giê-hô-va, Ðấng Tạo Hóa của muôn vật!—1 Ti 1:17.

^ đ. 3 Ðể biết cách lý luận với những người tin rằng vũ trụ được tạo ra trong sáu ngày theo nghĩa đen, xin xem sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?, từ trang 24 đến 28.