Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kho báu ở hồ lớn nhất Trung Mỹ

Kho báu ở hồ lớn nhất Trung Mỹ

Kho báu ở hồ lớn nhất Trung Mỹ

Dù Nicaragua là một đất nước nhỏ bé, nhưng nơi này có hồ lớn nhất Trung Mỹ: hồ Nicaragua. Đây có lẽ là hồ nước ngọt duy nhất có các loài cá sống ở đại dương như cá mập, cá kiếm và cá cháo. Các nhà khoa học tin rằng trước đây hồ Nicaragua từng là một vịnh nối liền với Thái Bình Dương. Tuy nhiên, về sau hoạt động núi lửa đã tạo nên một mảnh đất ngăn cách hồ với biển. Qua thời gian, nồng độ muối trong nước hồ dần giảm xuống nhưng các loài cá đại dương vẫn sống được vì chúng thích ứng với môi trường mới.

Hồ Nicaragua dài 160km và nơi rộng nhất là 70km, mực nước cao khoảng 30m so với mặt nước biển. Có hơn 400 đảo trong hồ, trong đó khoảng 300 đảo tập trung quanh bán đảo Asese, gần thị trấn Granada ở tận cùng phía bắc của hồ. Chúng được gọi là quần đảo Granada.

Đảo lớn nhất là Ometepe, tọa lạc ở chính giữa hồ. Đảo này được hình thành bởi hai ngọn núi lửa, nối liền với nhau bởi một dải đất. Hiện nay nó dài khoảng 25km và rộng 13km. Một ngọn núi lửa có hình dạng rất cân đối đứng sừng sững trên đảo là Concepción, với chiều cao 1.610m. Nó vẫn còn hoạt động và là nét đặc trưng của vùng phía bắc đảo. Ngọn núi lửa kia là Madera, cao 1.394m, nay không còn hoạt động và được bao phủ bởi một màu xanh tươi của những rừng cây rậm rạp. Có một phá mù sương trong miệng núi lửa này.

Hồ Nicaragua là một trong những điểm thu hút khách du lịch. Họ đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của vùng nhiệt đới và vô số những di tích khảo cổ của các nền văn minh xưa. Nhưng có một kho báu khác trong hồ mà chúng ta sẽ cùng khám phá.

Những ngôi làng nổi

Quần đảo Granada là vùng giàu các loài cây nhiệt đới và động vật hoang dã. Các rừng cây chiếm phần lớn diện tích các đảo. Ở đó có vô số những loài hoa đang khoe sắc. Ngoài ra, có các loài chim nước xinh đẹp như diệc xanh, diệc bạch lớn, chim ưng biển, chim cổ rắn và chim cốc sinh sống ở ven đảo. Còn ven rừng, tổ của loài chim có bộ lông màu hạt dẻ (gọi là Montezuma oropendolas) được treo lơ lửng trên những nhánh cây khổng lồ và đung đưa trước gió.

Trên một số đảo nhỏ, có nhà của ngư dân địa phương và nhà nghỉ của người giàu. Trên quần đảo cũng có trường làng, nhà hàng, quán bar và nghĩa trang, cứ như một ngôi làng nổi trên mặt nước.

Vào mỗi buổi sáng, một chiếc thuyền màu xanh trắng đi từ đảo này đến đảo kia để đón lũ trẻ đến trường. Một chiếc canô mang đầy trái cây và rau quả đi đến các đảo để bán. Đàn ông thì giăng câu, còn phụ nữ thì giặt giũ bên bờ hồ. Đó là cảnh sinh hoạt thường ngày diễn ra ở vùng này.

Nhân Chứng Giê-hô-va cũng có nhiều việc phải làm ở đây. Họ đi xuồng đến thăm người dân và chia sẻ tin mừng về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14). Địa hình đặc biệt của vùng này mang lại một thử thách: Tìm đâu ra nơi cho các buổi nhóm họp để học Kinh Thánh (còn gọi là Phòng Nước Trời)? Vì Kinh Thánh khuyên là “chớ bỏ sự nhóm lại”, nên các Nhân Chứng cố gắng tìm ra một giải pháp. Cuối cùng họ nghĩ ra một ý tưởng độc đáo: Phòng Nước Trời nổi đầu tiên ở Nicaragua!—Hê-bơ-rơ 10:25.

Phòng Nước Trời nổi

Một cặp vợ chồng làm công việc truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va đã dọn đến quần đảo Granada vào tháng 11 năm 2005. Một vài tháng sau đó, khi mời người địa phương đến dự Lễ Tưởng Niệm sự chết Chúa Giê-su, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy có 76 người tham dự! Điều này giúp họ tin chắc rằng cần có các buổi họp thường xuyên trong khu vực này. Vì khó tìm được vị trí thích hợp, nên các tiên phong nảy ra một ý mới: Đóng một Phòng Nước Trời nổi để có thể kéo đến nhiều nơi khác nhau thuận tiện cho người dân!

Cặp vợ chồng này rất táo bạo, sẵn sàng bắt tay vào việc đóng bè, dù trước đó họ chưa bao giờ làm. Trong một tháng, họ cùng sáu người khác đã hoàn thành Phòng Nước Trời. Đó chỉ là một cái bè đơn giản, bên dưới gồm những khung được làm bằng ống thép hàn lại với nhau, trong đó có 12 thùng loại 45 lít bơm đầy không khí để bè có thể nổi lên. Sàn được làm bằng ván ép và mái che thì bằng vải dầu. Hằng đêm mọi người đều cầu nguyện cho Phòng Nước Trời này vì họ không chắc nó có nổi được không. Nhưng cuối cùng nó nổi được!

Phòng Nước Trời được khánh thành cho buổi nhóm họp đầu tiên vào ngày 10-6-2006. Hôm sau, nó được kéo đến phía bên kia của quần đảo để tổ chức cùng buổi nhóm họp cho cư dân ở đấy. Tổng cộng số người tham dự trong hai lần là 48 người, trong đó có một số người phải đi bộ băng rừng hơn nửa tiếng. Mọi người rất vui mừng vì đã có được nơi thờ phượng riêng!

Các buổi họp ở Phòng Nước Trời này dĩ nhiên mang những nét rất riêng của vùng. Khi anh diễn giả nói bài giảng, có thể nghe tiếng nước chảy nhẹ nhàng trên đá hoặc thỉnh thoảng tiếng khỉ hú vọng lại từ xa xa. Không lâu sau, Phòng Nước Trời trở nên quen thuộc với cư dân đảo. Họ vẫy tay chào khi Phòng Nước Trời được kéo ngang qua. Mỗi tuần, hơn 20 người đến đây để được dạy dỗ về Kinh Thánh và vui hưởng tình anh em. Phòng Nước Trời nổi quả thật là “kho báu” quý giá!

Đảo Ometepe

Đi về phía nam Granada khoảng 50 cây số là đảo Ometepe. Từ lâu, vẻ đẹp tự nhiên và đất đai phì nhiêu của đảo này đã thu hút nhiều người đến đây sinh sống. Thật vậy, nền nông nghiệp sơ khai của Nicaragua hình thành ở đây. Ngày nay, Ometepe có khoảng 42.000 dân, chủ yếu làm nghề đánh cá và trồng bắp, chuối, cà phê và những cây trồng khác. Đời sống hoang dã ở đây cũng rất độc đáo. Những đàn vẹt và chim magpie-jays khoe những bộ lông xanh trắng trông thật đẹp mắt khi chúng bay nhẹ nhàng qua các hàng cây. Cũng có loài khỉ mũ trắng capuchin mà nhiều người yêu thích.

Những người rao giảng về tin mừng Nước Trời thường xuyên đến thăm cư dân trên đảo. Năm 1966, có 8 người làm báp-têm, đến nay đã gia tăng đến 183 người và có 4 hội thánh hoạt động tích cực. Mỗi hội thánh có Phòng Nước Trời riêng ở nơi thích hợp. Hiện nay, cứ 230 người trên đảo thì có 1 người là Nhân Chứng.

Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ometepe đã gặp nhiều khó khăn trong những năm vừa qua. Chẳng hạn, những người chống đối đã đốt Phòng Nước Trời ở Mérida vào năm 1980. Nhưng Phòng Nước Trời khác đã được xây lên vào năm 1984 và được sử dụng cho đến năm 2003. Vào năm đó, một Phòng Nước Trời mới khang trang hơn được xây dựng trong niềm vui mừng khôn xiết của 60 anh chị địa phương.

Tại Moyogalpa, một Phòng Nước Trời được thiết kế để có chỗ cho những cuộc hội họp lớn hơn. Mái nhà phía sau Phòng Nước Trời được nối dài thêm đủ để đặt một bục bên dưới, người ta cũng căng bạt để che phần sân phía sau. Các Nhân Chứng địa phương và bạn bè của họ ở vùng lân cận thỉnh thoảng nhóm lại ở đây vào các ngày hội nghị. Trong những dịp này, hồ Nicaragua là nơi thuận tiện để làm báp-têm cho các môn đồ mới của Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 28:19.

Tài nguyên—Liệu có được bảo tồn?

Dường như không điều gì có thể hủy hoại hồ Nicaragua vì kích thước khổng lồ của nó. Nhưng ngày nay nó cần được bảo vệ. Nước hồ bị ô nhiễm vì chất thải công-nông nghiệp và chất bẩn từ những vùng đất bị phá rừng.

Chính phủ và các cư dân nỗ lực cải thiện tình hình nhưng chưa biết kết quả thế nào. Tuy nhiên, chắc chắn Đấng Tạo Hóa bảo tồn mọi “kho báu” quý giá trên đất, gồm các hồ với mặt nước sáng óng ánh, những hòn đảo xinh đẹp và đời sống hoang dã kỳ diệu. Chúng sẽ được bảo tồn và trở thành tài sản của những người biết vâng lời Ngài. Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:29.

[Hình nơi trang 26]

Một Phòng Nước Trời nổi là nơi nhóm lại để tìm hiểu Kinh Thánh