Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Ai là “người nhà Sê-sa” gửi lời chào thăm tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp qua sứ đồ Phao-lô?

Sứ đồ Phao-lô viết thư cho hội thánh Phi-líp vào khoảng năm 60-61 công nguyên khi ông ở La Mã, và Sê-sa mà ông đề cập đến là hoàng đế Nê-rô. Ai là người nhà của Nê-rô gửi lời chào thăm tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp?​—Phi-líp 4:​22.

Không nên nghĩ rằng cụm từ “người nhà Sê-sa” nhất thiết phải nói đến họ hàng của hoàng đế. Đúng hơn, cụm từ này ám chỉ đến tất cả những người làm việc cho hoàng đế, trong đó có nô lệ, nô lệ được trả tự do, cả ở La Mã và khắp các tỉnh. Vì thế, “người nhà Sê-sa” lên đến hàng ngàn người. Họ làm nhiều công việc khác nhau, từ quản gia đến đầy tớ phục vụ trong các cung điện, nhà và đất của hoàng đế, cũng như cơ quan nhà nước.

Câu của Phao-lô cho thấy một số người làm việc cho hoàng đế ở La Mã đã trở thành tín đồ Đấng Christ. Chúng ta không biết rõ những tín đồ này có phải do Phao-lô đào tạo hay không. Dù sao, họ rất quan tâm đến hội thánh Phi-líp. Có lẽ họ có bạn ở Phi-líp, một tỉnh của La Mã, nơi mà nhiều người lính và người làm việc trong cơ quan nhà nước đã nghỉ hưu. Vì thế, họ nhờ Phao-lô gửi lời chào thăm.

Việc tái hôn với anh em chồng được nói trong Luật pháp Môi-se là gì?

Ở nước Y-sơ-ra-ên xưa, nếu một người chồng chết mà chưa có con, thì anh hoặc em trai của người đó sẽ ‘cưới [người góa] và sinh con nối dõi cho anh’ hoặc em (Sáng-thế Ký 38:8, Bản Diễn Ý). Sau đó, phong tục này được đưa vào Luật pháp Môi-se (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:​5, 6). Hành động của Bô-ô được kể lại trong sách Ru-tơ cho thấy bổn phận lấy người vợ góa có thể thuộc về một người bà con xa nếu người quá cố không còn anh em.​—Ru-tơ 1:​3, 4; 2:​19, 20; 4:​1-6.

Phong tục này tồn tại đến thời Chúa Giê-su vì người Sa-đu-sê đã nhắc tới, như được thuật lại nơi Mác 12:20-​22. Ông Flavius Josephus, sử gia Do Thái sống vào thế kỷ thứ nhất nói rằng nhờ tục lệ này, người quá cố không những có con nối dõi mà còn có con hưởng sản nghiệp, đồng thời đời sống vật chất của người vợ góa cũng được đảm bảo. Thời ấy, người vợ không có quyền hưởng sản nghiệp của chồng. Tuy nhiên, nếu bà tái hôn với bà con bên chồng thì đứa con ra đời sẽ hưởng sản nghiệp của người chồng quá cố.

Luật pháp cho phép bà con người quá cố từ chối kết hôn theo bổn phận của anh em chồng. Nhưng hành động “không lập lại nhà anh em mình” được xem là điều ô nhục.​—Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:​7-​10; Ru-tơ 4:7​, 8.