Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA: THƯỢNG ÐẾ CÓ NHẪN TÂM?

Tại sao người ta nói Thượng Ðế nhẫn tâm?

Tại sao người ta nói Thượng Ðế nhẫn tâm?

Bạn có ngạc nhiên khi đọc câu hỏi là “Thượng Ðế có nhẫn tâm?” Một số người thì có, nhưng nhiều người thắc mắc không biết Thượng Ðế, tức Ðức Chúa Trời, có nhẫn tâm hay không. Tại sao vậy?

Một số người sống sót qua thảm họa thiên nhiên băn khoăn: “Tại sao Ðức Chúa Trời để cho những điều này xảy ra? Ngài có dửng dưng không? Hoặc ngài nhẫn tâm?”.

Những người khác cũng thắc mắc như thế khi đọc Kinh Thánh. Xem các lời tường thuật về Nô-ê và trận Ðại Hồng Thủy, họ thắc mắc: “Tại sao Ðức Chúa Trời đầy yêu thương lại khiến những người này phải chết? Ngài có nhẫn tâm không?”.

Thỉnh thoảng bạn có tự hỏi những câu như thế? Hoặc cảm thấy mình không thể trả lời cho những người thắc mắc không biết Ðức Chúa Trời có nhẫn tâm hay không? Dù trường hợp nào đi nữa, xem xét câu hỏi sau có thể giúp ích.

TẠI SAO CHÚNG TA GHÉT SỰ NHẪN TÂM?

Nói một cách đơn giản, chúng ta ghét sự nhẫn tâm vì có ý thức về điều đúng và điều sai. Chúng ta rất khác biệt với loài vật về phương diện này. Ðấng Tạo Hóa tạo ra chúng ta “như hình Ngài” (Sáng-thế Ký 1:27). Ðiều này có nghĩa gì? Ngài cho chúng ta khả năng phản ánh đức tính, tiêu chuẩn đạo đức, ý thức về điều đúng và điều sai của ngài. Hãy xem: Nếu chúng ta được Ðức Chúa Trời ban cho ý thức về điều đúng, điều sai và có khuynh hướng ghét sự nhẫn tâm, chẳng phải điều đó chứng tỏ rằng ngài cũng ghét điều ấy hay sao?

Kinh Thánh xác nhận điều này khi Ðức Chúa Trời đảm bảo với chúng ta: “Ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:9). Nếu xét đoán Ðức Chúa Trời nhẫn tâm, liệu chúng ta có nói ngược lại với Kinh Thánh, như thể cho rằng ý tưởng chúng ta cao hơn ý tưởng của ngài? Việc tìm hiểu rõ trước khi kết luận như thế là điều thật khôn ngoan. Có lẽ chúng ta nên hỏi, tại sao một số hành động của Ðức Chúa Trời dường như nhẫn tâm chứ không hỏi ngài có nhẫn tâm hay không. Ðể hiểu, chúng ta hãy xem xét cụm từ “nhẫn tâm” thật sự có nghĩa gì.

Khi nói một người nào đó nhẫn tâm, chúng ta nghi ngờ động cơ của người ấy. Người nhẫn tâm thích thấy người khác bị đau khổ hoặc dửng dưng trước khó khăn của họ. Chẳng hạn, người cha sửa phạt con vì muốn làm tổn thương con là người nhẫn tâm. Nhưng nếu người cha sửa phạt nhằm dạy dỗ và bảo vệ con thì là người tốt. Vì thế, dễ hiểu lầm động cơ của một người. Có lẽ bạn biết điều này vì từng bị người khác phán xét sai về mình.

Chúng ta hãy xem hai lý do khiến một số người nghĩ Ðức Chúa Trời nhẫn tâm—thảm họa thiên nhiên ngày nay và những phán xét của Ðức Chúa Trời được ghi trong Kinh Thánh. Vậy, Kinh Thánh có cho thấy Ðức Chúa Trời nhẫn tâm?