Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mọi ngôn ngữ đều đến từ tháp Ba-bên?

Mọi ngôn ngữ đều đến từ tháp Ba-bên?

“Ðức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công-việc xây-cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Ðức Giê-hô-va làm lộn-xộn tiếng nói của cả thế-gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất”.—Sáng-thế Ký 11:8, 9.

Sự kiện đó trong Kinh Thánh có thật sự xảy ra không? Có phải con người bắt đầu nói những ngôn ngữ khác nhau cùng một lúc, như được miêu tả không? Một số người chế giễu lời tường thuật của Kinh Thánh về cách những ngôn ngữ loài người bắt đầu có và lan rộng. Một tác giả khẳng định: “Thần thoại về tháp Ba-bên rõ ràng là câu chuyện ngớ ngẩn nhất mà người ta từng kể”. Ngay cả một ráp-bi người Do Thái cũng gọi đó là “sự cố gắng ngô nghê nhằm giải thích nguồn gốc của các nước”.

Tại sao người ta bác bỏ lời tường thuật về tháp Ba-bên? Vì nó đi ngược với những thuyết về nguồn gốc của ngôn ngữ. Ví dụ: Một số học giả cho rằng các nhóm ngôn ngữ không đột nhiên xuất hiện mà dần phát triển từ một “ngôn ngữ mẹ”. Số khác tin rằng một số ngôn ngữ nguyên thủy đã phát triển độc lập, từ những tiếng gầm gừ đơn giản rồi dần dần đến tiếng nói phức tạp. Các thuyết này và những thuyết đối lập khác khiến nhiều người đồng tình với lời của giáo sư W. T. Fitch, tác giả một sách về sự phát triển của ngôn ngữ (The Evolution of Language): “Chúng ta chưa có câu trả lời nào hoàn toàn thuyết phục”.

Vậy những nhà khảo cổ và nhà nghiên cứu đã khám phá ra điều gì về nguồn gốc và sự phát triển của những ngôn ngữ loài người? Những khám phá của họ có xác nhận bất cứ thuyết nào đã được đề ra không? Hoặc những gì họ tìm thấy có ủng hộ lời tường thuật về Ba-bên không? Trước hết, chúng ta hãy xem kỹ hơn về lời tường thuật đó trong Kinh Thánh.

XẢY RA Ở ÐÂU VÀ KHI NÀO?

Kinh Thánh khẳng định là sự lộn xộn các thứ tiếng và sự tản mát của con người đã xảy ra tại “xứ Si-nê-a”, sau này gọi là Ba-by-lôn (Sáng-thế Ký 11:2). Chuyện đó xảy ra khi nào? Trong đời của  Bê-léc, người sinh ra trước Áp-ra-ham khoảng 250 năm. Kinh Thánh nói rằng các dân trên “đất trong đời người đó đã chia ra”. Vậy sự kiện về Ba-bên rõ ràng đã xảy ra khoảng 4.200 năm trước.—Sáng-thế Ký 10:25; 11:18-26.

Một số học giả đặt ra giả thuyết là những ngôn ngữ hiện đại đều xuất phát từ một ngôn ngữ nguyên thủy—mà họ cho là ngôn ngữ mẹ được loài người nói từ gần 100.000 năm trước *. Những học giả khác lại khẳng định là những ngôn ngữ ngày nay có liên hệ với một số ngôn ngữ gốc được nói từ ít nhất 6.000 năm trước. Nhưng làm thế nào những nhà ngôn ngữ học có thể tái thiết sự phát triển của những ngôn ngữ đã chết? Tạp chí Economist viết: “Ðó là vấn đề nan giải... Khác với những nhà sinh vật học, những nhà ngôn ngữ học không có những mẫu hóa thạch để dẫn họ về quá khứ”. Tạp chí nói thêm rằng người nghiên cứu về sự phát triển của ngôn ngữ đi đến kết luận bằng “những tính toán dựa trên phỏng đoán”.

Thật ra là có ‘những mẫu hóa thạch của ngôn ngữ’. Chúng là gì, và chúng có tiết lộ gì về nguồn gốc của những ngôn ngữ loài người không? Tân bách khoa từ điển Anh Quốc (The New Encyclopædia Britannica) giải thích: “Những bản ghi chép xưa nhất bằng ngôn ngữ viết, những mẫu hóa thạch duy nhất của ngôn ngữ mà con người có thể tìm được, chỉ có từ khoảng 4.000 hoặc 5.000 năm trước”. Những nhà khảo cổ đã khám phá ra ‘những mẫu hóa thạch của ngôn ngữ’, hay ‘những bản ghi chép bằng ngôn ngữ viết’ này ở đâu? Ở hạ Mê-sô-bô-ta-mi—địa điểm của Si-nê-a cổ đại *. Vì vậy, vật chứng tìm thấy phù hợp với những sự kiện được tường thuật trong Kinh Thánh.

KHÁC NGÔN NGỮ, KHÁC SUY NGHĨ

Kinh Thánh ghi lại rằng tại Ba-bên, Ðức Chúa Trời “làm lộn-xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe [“hiểu”, Bản Dịch Mới] không được tiếng nói của người nầy với người kia” (Sáng-thế Ký 11:7). Bởi thế, những thợ xây “thôi công-việc xây-cất thành” và “tản ra khắp trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 11:8, 9). Do đó, Kinh Thánh không nói rằng mọi ngôn ngữ hiện đại đều mang vết tích của một “ngôn ngữ mẹ”. Thay vì thế, Kinh Thánh miêu tả sự xuất hiện thình lình của một số ngôn ngữ mới hẳn đã hoàn chỉnh, mỗi ngôn ngữ có thể diễn đạt mức độ cảm xúc cũng như suy nghĩ của con người, đồng thời mỗi ngôn ngữ đều khác biệt và riêng biệt với những ngôn ngữ khác.

Một bảng đất sét có khắc chữ hình nêm, lấy từ Mê-sô-bô-ta-mi, thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên

Còn các nhóm ngôn ngữ trên thế giới ngày nay thì sao? Liệu chúng tương tự hay khác nhau về cơ bản? Nhà khoa học về tâm lý là bà Lera Boroditsky viết: “Khi những nhà ngôn ngữ học đào sâu hơn về các ngôn ngữ trên thế giới (khoảng 7.000 ngôn ngữ, chỉ một phần nhỏ trong số đó được phân tích) thì thấy có vô số sự khác biệt không lường trước được”. Vì vậy, dù những ngôn ngữ và phương ngữ của cùng một họ ngôn ngữ, như tiếng Quảng Ðông và Hakka ở miền nam Trung Quốc, có thể tương tự nhau nhưng về cơ bản chúng không giống với những ngôn ngữ thuộc họ ngôn ngữ khác, như tiếng Catalan Tây hoặc tiếng Valencia ở Tây Ban Nha.

Các ngôn ngữ ảnh hưởng đến cách người ta suy nghĩ và miêu tả về thế giới xung quanh—màu sắc,  số lượng, vị trí, phương hướng. Ví dụ, trong một ngôn ngữ, một người nói: “Có con rệp trên tay phải của anh”. Nhưng trong một ngôn ngữ khác, một người sẽ nói: “Có con rệp trên tay hướng tây nam của anh”. Những sự khác biệt như thế ít nhiều gì cũng gây bối rối. Thế nên, không lạ gì khi những thợ xây tại Ba-bên thấy không thể nào tiếp tục dự án của họ.

NHỮNG TIẾNG GẦM GỪ ÐƠN GIẢN HAY TIẾNG NÓI PHỨC TẠP?

Ngôn ngữ nguyên thủy của con người là như thế nào? Theo Kinh Thánh, người đàn ông đầu tiên là A-đam có thể đặt ra những từ mới khi ông đặt tên cho những loài thú vật và chim chóc (Sáng-thế Ký 2:20). A-đam cũng sáng tác thơ để bày tỏ tình cảm với vợ, còn vợ ông miêu tả rõ ràng mệnh lệnh của Ðức Chúa Trời và hậu quả của việc cãi lời ngài (Sáng-thế Ký 2:23; 3:1-3). Ngôn ngữ đầu tiên cho phép con người thông tri trọn vẹn với nhau và nói lên suy nghĩ một cách sáng tạo.

Sự lộn xộn ngôn ngữ tại Ba-bên cản trở việc kết hợp về trí tuệ và sức lực của những người thời đó. Nhưng những ngôn ngữ mới của họ cũng phức tạp như ngôn ngữ đầu tiên. Chỉ sau vài thế kỷ, con người đã xây nên những đô thị tấp nập, tập hợp những đội quân hùng mạnh và giao thương quốc tế (Sáng-thế Ký 13:12; 14:1-11; 37:25). Liệu họ có thể tiến bộ đến thế nếu không sử dụng vốn từ vựng và ngữ pháp sâu rộng không? Theo Kinh Thánh, tiếng nói sơ khai của con người và những tiếng nói có từ sự kiện tháp Ba-bên không phải là những tiếng gầm gừ nguyên sơ nhưng là những ngôn ngữ phức tạp.

Những nhà nghiên cứu hiện đại ủng hộ kết luận này. Sách The Cambridge Encyclopedia of Language khẳng định: “Mọi nền văn hóa từng được nghiên cứu, dù là văn hóa ‘nguyên sơ’ đến mấy thì cũng có ngôn ngữ hoàn chỉnh, với độ phức tạp tương đương với ngôn ngữ của những nước được gọi là ‘văn minh’”. Tương tự, trong sách The Language Instinct, giáo sư Ðại học Harvard là ông Steven Pinker nói: “Không có ngôn ngữ nào là ngôn ngữ thời kỳ đồ đá”.

NGÔN NGỮ SẼ RA SAO?

Sau khi xem về thời đại và địa điểm của ‘những mẫu hóa thạch của ngôn ngữ’, những sự khác biệt cơ bản giữa các nhóm ngôn ngữ và độ phức tạp của những ngôn ngữ cổ xưa, chúng ta có thể rút ra kết luận nào? Nhiều người kết luận rằng lời tường thuật của Kinh Thánh về những gì xảy ra ở Ba-bên là sự giải thích hoàn toàn đáng tin.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời làm lộn xộn tiếng nói của người ta tại Ba-bên vì họ phản nghịch ngài (Sáng-thế Ký 11:4-7). Dù vậy, Ðức Chúa Trời hứa rằng ngài sẽ “ban môi-miếng [“ngôn ngữ”, Bản Phổ Thông] thanh-sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Ðức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc ngài” (Sô-phô-ni 3:9). Ngày nay ngôn ngữ thanh sạch này, tức sự thật trong Lời Ðức Chúa Trời, thu nhóm người ở khắp nơi trên thế giới. Dường như điều hợp lý là trong tương lai, Ðức Giê-hô-va sẽ hợp nhất nhân loại thêm nữa bằng cách ban cho họ một ngôn ngữ chung, loại bỏ sự lộn xộn tại Ba-bên.

^ đ. 8 Những thuyết về ngôn ngữ thường giả định trước là con người tiến hóa từ những con vật giống như vượn. Ðể xem xét những lời khẳng định ấy, xin xem sách mỏng Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng nơi trang 27-29, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 9 Những nhà khảo cổ đã khai quật được một số đền thờ hình kim tự tháp, có bậc thang tại vùng phụ cận của Si-nê-a. Kinh Thánh nói là những thợ xây tại Ba-bên đã dùng gạch, không phải đá, và dùng chai làm hồ (Sáng-thế Ký 11:3, 4). Tại Mê-sô-bô-ta-mi, đá thì “hiếm thấy hoặc thậm chí hoàn toàn không có” (theo Tân bách khoa từ điển Anh Quốc), trong khi chai thì dồi dào.