Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ba người tìm kiếm sự thật vào thế kỷ 16—Họ tìm được điều gì?

Ba người tìm kiếm sự thật vào thế kỷ 16—Họ tìm được điều gì?

“Sự thật là gì?”. Đó là câu hỏi mà Bôn-xơ Phi-lát, quan tổng đốc La Mã xứ Giu-đa vào thế kỷ thứ nhất, đã hỏi Chúa Giê-su, người bị đưa ra xét xử trước mặt vị quan ấy (Giăng 18:38). Dĩ nhiên, Phi-lát không muốn biết sự thật. Thật ra, câu hỏi ấy cho thấy thái độ hoài nghi của ông. Dường như đối với Phi-lát, sự thật là bất cứ điều gì mà một người chọn tin theo hoặc được dạy phải tin; không có cách nào để xác định điều gì là sự thật. Nhiều người ngày nay cũng cảm thấy như vậy.

Vào thế kỷ 16, những người đi nhà thờ ở châu Âu gặp phải một vấn đề nan giải không biết phải tin điều gì là sự thật. Từ nhỏ, họ được dạy về quyền lực tối cao của giáo hoàng và các giáo lý khác của nhà thờ. Giờ đây, họ đang đối mặt với những ý tưởng mới do Phong trào Cải cách * lan truyền và quét qua khắp châu Âu vào thời đó. Họ nên tin gì? Làm sao họ có thể biết đâu là sự thật?

Trong thời gian đó, có ba người đàn ông, có lẽ cũng có những người khác nữa, đã quyết tâm tìm kiếm sự thật *. Làm thế nào họ có thể nhận ra điều gì là thật và điều gì là giả dối? Họ đã tìm được điều gì? Chúng ta hãy xem.

“ĐỂ KINH THÁNH... LUÔN LÀM THẨM QUYỀN TỐI CAO”

Wolfgang Capito là một thanh niên có niềm tin sâu đậm về tôn giáo. Là sinh viên thuộc ngành y, ngành luật và thần học, Capito đã trở thành linh mục vào năm 1512, sau đó làm cha tuyên úy cho tổng giám mục của Mainz.

Lúc đầu, Capito cố gắng làm suy giảm lòng nhiệt huyết của những nhà cải cách đang truyền bá một thông điệp trái với tín điều của Công giáo. Tuy nhiên, không lâu sau, chính Capito bắt đầu ủng hộ cuộc cải cách. Ông đã làm gì? Theo sử gia James M. Kittelson cho biết, khi đứng trước một số giáo lý, Capito nghĩ rằng “nguồn tốt nhất để đánh giá công việc truyền bá của mình là Kinh Thánh, vì chỉ có Kinh Thánh là đáng tin cậy”. Do đó, Capito kết luận rằng các giáo lý của giáo hội về thuyết biến đổi bản thể và tôn sùng các thánh đều không dựa trên Kinh Thánh. (Xem khung “ Xem những điều mình nghe có đúng không”). Vào năm 1523, Capito đã từ bỏ chức vụ cao trọng được làm chung với tổng giám mục. Sau đó, ông về sống tại thành phố Strasbourg, một trung tâm cải cách tôn giáo lúc bấy giờ.

Ngôi nhà của Capito ở Strasbourg đã trở thành nơi mà những người ly khai khỏi tôn giáo gặp gỡ và hẳn đã bàn luận nhiều vấn đề về tôn giáo cũng như các dạy dỗ của Kinh Thánh. Dù một số người  cải cách vẫn đẩy mạnh giáo lý Chúa Ba Ngôi, nhưng theo sách The Radical Reformation, các bài viết của Capito cho thấy “ông không nói gì về giáo lý Chúa Ba Ngôi”. Tại sao? Vì Capito rất ấn tượng trước cách Michael Servetus, nhà thần học người Tây Ban Nha, đã dùng các câu Kinh Thánh để chứng minh Chúa Ba Ngôi là sai *.

Nếu một người từ chối giáo lý Chúa Ba Ngôi có thể phải trả giá bằng mạng sống, nên Capito rất thận trọng khi nói về cảm xúc của mình. Tuy nhiên, các bài viết của ông cho thấy chính ông đã nghi vấn giáo lý Chúa Ba Ngôi, ngay cả trước khi gặp Servetus. Sau này, một linh mục viết rằng Capito cùng những cộng sự “đã bắt đầu thảo luận ở một nơi kín đáo về những điều huyền bí thâm thúy nhất liên quan đến tôn giáo, [cũng như] bác bỏ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, và không thách thức các chức sắc của giáo hội”. Một thế kỷ sau, Capito được liệt kê đầu tiên trong số những tác giả nổi trội chống lại thuyết Chúa Ba Ngôi.

Wolfgang Capito cho rằng “lờ đi Kinh Thánh” là nhược điểm lớn nhất của giáo hội

Capito tin rằng Kinh Thánh là nguồn của sự thật. Ông nói: “Để Kinh Thánh và luật của Đấng Ki-tô luôn làm thẩm quyền tối cao trong thần học”. Theo tiến sĩ Kittelson, Capito cho rằng “nhược điểm lớn nhất của các nhà thần học là họ đã lờ đi Kinh Thánh”.

Martin Cellarius (còn được gọi là Martin Borrhaus), một thanh niên sống tại nhà của Capito vào năm 1526, cũng có ước muốn chân thành học sự thật trong Lời Đức Chúa Trời.

“SỰ HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI THẬT”

Bìa trong của sách On the Works of God do Martin Cellarius viết. Trong sách này, ông so sánh các dạy dỗ của giáo hội với Kinh Thánh

Cellarius sinh năm 1499. Ông là một sinh viên chăm chỉ về thần học, triết học và được dạy tại Wittenberg, Đức. Wittenberg là cái nôi của Phong trào Cải cách nên Cellarius sớm quen biết với Martin Luther cùng với những người khác muốn cải cách dạy dỗ của giáo hội. Làm sao Cellarius có thể phân biệt được ý tưởng của con người và sự thật của Kinh Thánh?

Theo sách Teaching the Reformation, Cellarius nghĩ rằng sự hiểu biết thật là nhờ vào “việc siêng năng đọc Kinh Thánh, thường xuyên so sánh các câu Kinh Thánh với nhau và cầu nguyện với lòng ăn năn”. Cellarius đã tìm thấy điều gì khi xem xét Kinh Thánh?

Tháng 7 năm 1527, Cellarius đã viết những khám phá của mình trong sách On the Works of God. Ông viết rằng những bí tích của giáo hội, chẳng hạn như thuyết biến đổi bản thể hoàn toàn mang nghĩa tượng trưng. Theo giáo sư Robin Barnes, sách của Cellarius cũng “đưa ra sự giải thích của những lời tiên tri trong Kinh Thánh về một thời kỳ tai họa và đau khổ sắp diễn ra khắp nơi, và theo sau là cuộc đổi mới cùng sự thỏa nguyện trên toàn cầu”.—2 Phi-e-rơ 3:10-13.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là những lời nhận xét ngắn của Cellarius về Chúa Giê-su Ki-tô. Dù không trực tiếp phủ nhận giáo lý Chúa Ba Ngôi, nhưng Cellarius đã phân biệt “Cha trên trời” và “Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô”. Ông viết rằng Chúa Giê-su là một trong các vị thần và là một trong các con của Đức Chúa Trời toàn năng.—Giăng 10:34, 35.

Trong sách Antitrinitarian Biography (1850), ông Robert Wallace cho biết các bài viết của Cellarius không theo tính chính thống của thuyết Chúa Ba Ngôi phổ biến vào thế kỷ 16 *. Do đó, một số học  giả kết luận rằng Cellarius chắc hẳn đã bác bỏ thuyết Chúa Ba Ngôi. Có khi ông còn được miêu tả là một công cụ của Đức Chúa Trời “trong việc khắc ghi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời thật và Đấng Ki-tô”.

HY VỌNG VỀ SỰ PHỤC HỒI

Vào khoảng năm 1527, nhà thần học Johannes Campanus cũng chuyển đến Wittenberg. Ông được xem là một trong những học giả lỗi lạc nhất vào thời đó. Dù sống tại trung tâm của sự cải cách tôn giáo, nhưng Campanus không hài lòng với các dạy dỗ của Martin Luther. Tại sao?

Campanus bác bỏ ý tưởng về thuyết biến đổi bản thể và thuyết đồng bản tính *. Theo tác giả André Séguenny, Campanus cho rằng “Bánh thì vẫn là bánh, nhưng trong phép bí tích, bánh này tượng trưng cho thân thể của Đấng Ki-tô”. Vào năm 1529, tại Marburg Colloquy, một hội nghị được tổ chức để thảo luận về các ý tưởng này, Campanus không được phép nói về những điều ông học từ Kinh Thánh. Sau này, ông bị các nhà cải cách ở Wittenberg xa lánh.

Trong sách Restitution, ông Johannes Campanus đã nêu nghi vấn về giáo lý Chúa Ba Ngôi

Điều đặc biệt khiến các nhà cải cách khó chịu là những niềm tin của Campanus về Cha, Con và thánh thần (hay thần khí). Vào năm 1532, trong sách Restitution, Campanus dạy rằng Chúa Giê-su và Cha ngài là hai đấng riêng biệt. Ông giải thích Cha và Con “là một”, giống như hai vợ chồng được xem là “một”—hợp nhất nhưng vẫn là hai người (Giăng 10:30; Ma-thi-ơ 19:5). Campanus lưu ý rằng Kinh Thánh dùng cùng mối quan hệ ấy để cho thấy Cha có quyền hơn Con: “Người nam là đầu của người nữ, và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Ki-tô”.—1 Cô-rinh-tô 11:3.

Còn về thần khí thì sao? Một lần nữa, Campanus hướng đến Kinh Thánh khi viết: “Không có câu nào trong Kinh Thánh cho thấy Thánh Thần là ngôi thứ ba... Thần của Đức Chúa Trời được hiểu theo nghĩa là có hoạt động, tức Ngài chuẩn bị và thực hiện mọi điều bởi quyền lực của ngài”.—Sáng-thế Ký 1:2.

Luther đã gọi Campanus là một kẻ phạm thượng và là kẻ thù của Con Đức Chúa Trời. Một nhà cải cách khác đòi tử hình Campanus. Tuy nhiên, Campanus không bị nao núng. Theo sách The Radical Reformation cho biết: “Campanus cho rằng việc không còn theo sự hiểu biết ban đầu của Kinh Thánh cùng các tông đồ về thuyết Chúa Ba Ngôi và về người đàn ông là nguyên nhân chính khiến giáo hội suy yếu”.

Campanus chưa bao giờ có ý định thành lập một nhóm tôn giáo. Ông tìm kiếm sự thật trong vô vọng, ông nói “trong các giáo phái và hết thảy người theo dị giáo” cũng vậy. Do đó, ông hy vọng rằng Giáo hội Công giáo sẽ phục hồi những dạy dỗ của Đấng Ki-tô. Nhưng cuối cùng các chức sắc Công giáo đã bắt giữ Campanus và có lẽ ông đã ở tù hơn 20 năm. Các sử gia cho rằng ông qua đời vào khoảng năm 1575.

 “HÃY XEM XÉT MỌI ĐIỀU ĐỂ BIẾT CHẮC CÓ ĐÚNG HAY KHÔNG”

Việc siêng năng học hỏi Kinh Thánh đã giúp cho Capito, Cellarius, Campanus cùng nhiều người khác phân biệt sự thật và sai lầm. Dù không phải tất cả kết luận của ba người tìm kiếm sự thật ấy đều phù hợp với Kinh Thánh, nhưng họ khiêm nhường xem xét Kinh Thánh và quý trọng sự thật mà mình đã tìm thấy.

Sứ đồ Phao-lô thúc giục các anh em tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hãy xem xét mọi điều để biết chắc có đúng hay không; gìn giữ những điều tốt lành” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21). Để giúp bạn tìm kiếm sự thật, Nhân Chứng Giê-hô-va đã xuất bản cuốn sách có tựa đề thích hợp là Kinh Thánh thật sự dạy gì?.

^ đ. 3 Phong trào Cải cách được khởi xướng vào năm 1517 và nhiều người đã nổi dậy chống lại Giáo hội Công giáo La Mã. Điều này dẫn đến sự hình thành của nhiều tôn giáo mới.

^ đ. 4 Xem Tháp Canh số ra ngày 15-1-2012 trang 7, 8, đoạn 14-17, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 8 Xem bài “Michael Servetus—A Solitary Quest for the Truth”, đăng trong Tỉnh Thức! tháng 5-2006 (Anh ngữ), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 17 Liên quan đến việc dùng từ “chúa” khi Cellarius nói về Đấng Ki-tô, sách ấy cho biết: “Chữ này được viết là deus, không phải Deus. Chữ Deus chỉ được dùng nói đến Đức Chúa Trời Tối Cao”.

^ đ. 20 Thuyết đồng bản tính là một sự dạy dỗ của Luther cho rằng bánh và rượu “đồng thời hiện hữu” với thân thể Chúa Giê-su tại Bữa Tiệc của Chúa.