Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | GIÔ-SÉP

“Tôi có điềm chiêm-bao, xin các anh hãy nghe tôi thuật”

“Tôi có điềm chiêm-bao, xin các anh hãy nghe tôi thuật”

Giô-sép đăm đăm nhìn về phía đông, ao ước được thoát khỏi đoàn lái buôn và chạy thật nhanh. Đâu đó phía sau những ngọn đồi kia là Hếp-rôn, quê nhà của chàng. Cha chàng là Gia-cốp hẳn đang thu xếp công việc để chuẩn bị nghỉ ngơi mà không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra cho người con trai yêu dấu. Nhưng Giô-sép không thể chạy về với cha, tất cả những gì chàng biết là chàng có thể sẽ không bao giờ còn được thấy khuôn mặt thân thương của cha nữa. Đoàn lái buôn vừa trông chừng chàng vừa thúc đàn lạc đà thẳng tiến trên con đường mòn hướng về phía nam. Họ đã sở hữu Giô-sép và sẽ không để chàng thoát khỏi tầm mắt. Đối với họ, chàng trai trẻ này có giá trị như nhũ hương và dầu, những thứ hàng hóa sẽ đem lại món hời béo bở tại xứ Ai Cập xa xôi.

Giô-sép lúc ấy có lẽ khoảng 17 tuổi. Hãy hình dung hình ảnh chàng ngoái đầu nhìn về phương trời phía tây, nơi mặt trời đang buông xuống và chuẩn bị chạm vào đường chân trời tiếp giáp với Biển Lớn. Tâm trí chàng rối bời vì một loạt những thay đổi khủng khiếp vừa xảy đến cho cuộc đời mình. Thật khó để tin rằng chính các anh trai của chàng thiếu chút nữa là đã giết chàng và sau đó nhẫn tâm bán chàng làm nô lệ. Giô-sép hẳn khó lòng cầm được nước mắt. Điều gì đang đón đợi phía trước, chàng hoàn toàn không biết.

Giô-sép bị mất tự do nhưng không mất đức tin

Tại sao Giô-sép lại rơi vào tình cảnh bi thương như thế? Chúng ta có thể học được gì từ đức tin của chàng trai trẻ này, người đã bị chính các thành viên trong gia đình hắt hủi và hãm hại?

XUẤT THÂN TỪ MỘT GIA ĐÌNH PHỨC TẠP

Giô-sép xuất thân từ một gia đình đông đúc, nhưng không hạnh phúc và chia rẽ. Cảnh ngộ của gia đình Gia-cốp là bằng chứng rõ ràng cho thấy hậu quả tai hại của tục đa thê, tục lệ bám rễ lâu đời mà Đức Chúa Trời tạm cho phép tồn tại trong vòng dân ngài cho đến khi Con ngài tái lập tiêu chuẩn ban đầu là hôn nhân một vợ một chồng (Ma-thi-ơ 19:4-6). Gia-cốp có ít nhất 14 người con, do bốn người phụ nữ sinh ra: hai vợ của ông là Lê-a và Ra-chên, cùng hai người hầu của họ là Xinh-ba và Bi-la. Ngay từ đầu, Gia-cốp chỉ yêu nàng Ra-chên xinh đẹp. Ông chưa từng có tình cảm như vậy với Lê-a, chị gái của Ra-chên, nhưng vì bị lừa nên phải lấy nàng. Sự kình địch dai dẳng và gay gắt giữa hai phụ nữ này đã ảnh hưởng đến con cái, khiến chúng ganh ghét lẫn nhau.—Sáng-thế Ký 29:16-35; 30:1, 8, 19, 20; 37:35.

Ra-chên bị hiếm muộn một thời gian dài nên khi bà sinh Giô-sép, Gia-cốp đặc biệt ưu ái người con muộn này. Chẳng hạn, trên đường dẫn cả gia đình đến gặp người anh trai từng có ý định giết mình là Ê-sau, Gia-cốp đã sắp đặt cho Ra-chên và người con yêu dấu là Giô-sép đi ở cuối đoàn, vị trí an toàn nhất. Ngày đầy căng thẳng ấy hẳn đã hằn sâu trong ký ức của Giô-sép. Hãy hình dung cảm xúc của chàng buổi sáng hôm ấy khi trợn tròn mắt trước cảnh người cha lớn tuổi nhưng còn cường tráng giờ đây bước đi tập tễnh. Hẳn chàng vô cùng sửng sốt khi được biết lý do: Cha chàng đã vật lộn suốt đêm với một thiên sứ mạnh mẽ! Tại sao? Vì Gia-cốp muốn nhận được ân phước từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Phần thưởng của Gia-cốp là được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên. Một dân tộc sẽ mang tên ông! (Sáng-thế Ký 32:22-31). Với thời gian, Giô-sép biết được rằng các chi phái của dân tộc ấy sẽ ra từ những con trai của Y-sơ-ra-ên!

Sau đó, chàng thiếu niên Giô-sép phải trải qua một biến cố đau buồn: người gần gũi nhất với chàng đột ngột rời xa chàng. Mẹ chàng qua đời trong khi sinh người con thứ hai là Bên-gia-min. Cha chàng đau đớn tột cùng trước mất mát này. Hãy tưởng tượng hình ảnh Gia-cốp khẽ lau những giọt lệ trên khóe mắt của Giô-sép, an ủi chàng bằng hy vọng đã từng đem lại sự an ủi cho ông của Gia-cốp là Áp-ra-ham. Giô-sép hẳn cảm động biết chừng nào khi nghe rằng trong tương lai Đức Giê-hô-va sẽ làm cho mẹ chàng sống lại! Có lẽ tình yêu thương của Giô-sép đối với ‘Đức Chúa Trời của người sống’ càng trở nên sâu đậm hơn (Lu-ca 20:38; Hê-bơ-rơ 11:17-19). Sau sự ra đi của người vợ thân yêu, Gia-cốp lại càng thương yêu hai người con trai do Ra-chên sinh ra.—Sáng-thế Ký 35:18-20; 37:3; 44:27-29.

Được đối xử ưu ái như thế, nhiều đứa trẻ có thể trở nên hư hỏng. Nhưng Giô-sép đã học nhiều tính tốt của cha mẹ và vun trồng đức tin mạnh mẽ, đồng thời phát triển khả năng phân biệt điều đúng, điều sai. Năm 17 tuổi, khi đang phụ các anh mình chăn chiên, Giô-sép phát hiện ra một số hành động sai trái của các anh. Chàng có nghĩ đến việc giữ im lặng để lấy lòng các anh không? Dù sao đi nữa, chàng đã làm điều mình biết là đúng. Chàng thuật lại sự việc cho cha (Sáng-thế Ký 37:2). Có lẽ hành động can đảm ấy càng khiến Gia-cốp thêm tin tưởng người con trai yêu dấu của mình. Thật là một gương mẫu xuất sắc cho các bạn trẻ tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay noi theo! Khi có ý nghĩ che giấu lỗi lầm nghiêm trọng của người khác, có thể là anh em trong nhà hoặc bạn bè, điều khôn ngoan là noi gương Giô-sép, tìm cách cho những người có thể giúp người làm sai biết sự việc.—Lê-vi Ký 5:1.

Chúng ta cũng có thể rút ra bài học từ gia đình của Giô-sép. Tuy các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ngày nay không thực hành tục đa thê, nhưng trong vòng họ có nhiều gia đình chắp nối, với cha mẹ kế và con riêng. Trường hợp của gia đình Gia-cốp để lại bài học là sự thiên vị phá vỡ đoàn kết trong gia đình. Các bậc cha mẹ trong những gia đình chắp nối nên làm mọi điều có thể để chứng tỏ cho con mình và con riêng của vợ hay chồng thấy rằng mỗi con đều được yêu quý và đều được phú cho một khả năng đặc biệt, đồng thời mỗi con đều có thể góp phần vào hạnh phúc của gia đình.—Rô-ma 2:11.

SỰ GHEN TỊ BÉN RỄ

Gia-cốp ưu ái Giô-sép vì chàng trung thành và ngay thẳng

Có lẽ vì can đảm làm điều đúng nên Giô-sép được Gia-cốp ban thưởng. Gia-cốp may cho chàng một cái áo đặc biệt (Sáng-thế Ký 37:3). Nó thường được gọi là chiếc áo dài có nhiều màu sắc, nhưng không có nhiều cơ sở để kết luận như vậy. Rất có thể đây là một chiếc áo dài, sang trọng, che kín cả chân và tay, có lẽ là loại áo mà những người quyền quý hay dòng dõi vua chúa thường mặc.

Chắc chắn Gia-cốp có ý tốt và Giô-sép hẳn rất cảm động khi nhận được món quà thể hiện lòng quan tâm và tình yêu thương của cha. Nhưng chiếc áo ấy khiến chàng gặp không ít rắc rối. Hãy nhớ rằng chàng làm nghề chăn chiên, một công việc lao động chân tay vất vả. Hãy tưởng tượng hình ảnh chàng trai trẻ mặc chiếc áo sang trọng ấy trong khi len lỏi qua những bãi cỏ rậm rạp, trèo qua các phiến đá hay cố gắng gỡ một con chiên bị lạc khỏi bụi gai. Nhưng tệ hơn nữa, chiếc áo thể hiện sự ưu ái đặc biệt của Gia-cốp đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của Giô-sép với các anh. Như thế nào?

Kinh Thánh trả lời: “Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, bèn sanh lòng ganh-ghét, chẳng có thế lấy lời tử-tế nói cùng chàng được” * (Sáng-thế Ký 37:4). Các anh của Giô-sép ghen tị là điều dễ hiểu, nhưng họ đã không khôn ngoan khi nuôi dưỡng cảm xúc tai hại ấy (Châm-ngôn 14:30; 27:4). Bạn đã bao giờ giận sôi lên vì ghen tị khi thấy người khác nhận được sự quan tâm đặc biệt hay đặc ân mà bạn mong muốn chưa? Hãy nhớ tới các anh của Giô-sép. Sự ganh ghét đã thôi thúc họ làm điều mà sau này họ vô cùng hối tiếc. Kinh nghiệm của họ nhắc các tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhớ rằng điều khôn ngoan hơn là “vui với người đang vui”.—Rô-ma 12:15.

Chắc chắn Giô-sép cảm nhận được sự thù ghét của các anh. Liệu chàng có tìm cách giấu chiếc áo cha tặng mỗi khi nhìn thấy các anh không? Có lẽ chàng đã có ý nghĩ đó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Gia-cốp muốn chiếc áo này là dấu hiệu cho thấy ông ưu ái và thương yêu Giô-sép. Giô-sép không muốn phụ lòng tin của cha nên luôn khoác trên mình chiếc áo cha tặng. Gương của chàng rất hữu ích cho chúng ta ngày nay. Dù Cha trên trời của chúng ta không bao giờ thiên vị, nhưng đôi khi ngài dành sự ưu ái đặc biệt cho các tôi tớ trung thành. Bên cạnh đó, ngài đòi hỏi họ phải khác biệt với thế giới suy đồi hiện tại. Như chiếc áo đặc biệt của Giô-sép, hạnh kiểm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính khiến họ khác biệt với người xung quanh, và đôi khi điều này dẫn đến sự ghen tị và thù ghét (1 Phi-e-rơ 4:4). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có nên che giấu đặc điểm nhận diện mình là người phụng sự Đức Chúa Trời không? Không. Họ muốn noi gương Giô-sép, người đã không giấu chiếc áo của mình.—Lu-ca 11:33.

GIẤC MƠ CỦA GIÔ-SÉP

Không lâu trước khi bị bán, Giô-sép có hai giấc mơ khác thường. Trong giấc mơ thứ nhất, Giô-sép thấy mình và các anh trai đang bó lúa ngoài đồng. Nhưng bó lúa của các anh trai bao quanh và quỳ xuống trước bó lúa dựng đứng của chàng. Trong giấc mơ thứ hai, mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đều quỳ xuống trước mặt Giô-sép (Sáng-thế Ký 37:6, 7, 9). Giô-sép nên làm gì với những giấc mơ sống động và kỳ lạ này?

Những giấc mơ này đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng có ý nghĩa tiên tri và Đức Chúa Trời muốn Giô-sép truyền thông điệp chứa đựng trong những giấc mơ ấy cho người khác. Theo một nghĩa nào đó, Giô-sép đã làm điều mà các nhà tiên tri sau này làm khi truyền thông điệp và sự phán xét của Đức Chúa Trời cho dân ương ngạnh của ngài.

Giô-sép tế nhị nói với các anh: “Tôi có điềm chiêm-bao, xin các anh hãy nghe tôi thuật”. Các anh hiểu ý nghĩa của giấc mơ và không thích thú chút nào. Họ đáp trả: “Mầy sẽ cai-trị chúng ta sao? Mầy sẽ hành-quyền trên chúng ta sao?”. Lời tường thuật cho biết thêm: “Họ càng ganh-ghét hơn nữa, vì điềm chiêm-bao và lời nói của chàng”. Khi Giô-sép thuật lại giấc mơ thứ hai cho cha và các anh, phản ứng chàng nhận được cũng không khả quan hơn. Kinh Thánh ghi lại: “Cha chàng quở mà hỏi rằng: Điềm chiêm-bao của mầy đó có nghĩa chi? Có phải tao, mẹ, và các anh mầy đều phải đến sấp mình xuống đất trước mặt mầy chăng?”. Tuy nhiên, Gia-cốp tiếp tục suy nghĩ về điều đã xảy ra. Phải chăng là Đức Giê-hô-va liên lạc với con mình?—Sáng-thế Ký 37:6, 8, 10, 11.

Giô-sép không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người cuối cùng được Đức Giê-hô-va giao nhiệm vụ truyền lại những thông điệp mang tính tiên tri có vẻ khác thường và thậm chí có thể dẫn đến ngược đãi. Chúa Giê-su là gương xuất sắc nhất trong lĩnh vực này, ngài nói với các môn đồ: “Nếu họ đã ngược đãi tôi thì cũng sẽ ngược đãi anh em” (Giăng 15:20). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở mọi lứa tuổi có thể rút ra nhiều bài học từ đức tin và sự can đảm của chàng trai trẻ Giô-sép.

SỰ THÙ GHÉT LÊN ĐẾN ĐỈNH ĐIỂM

Không lâu sau đó, Gia-cốp bảo Giô-sép làm một việc. Các con trai lớn của ông đang chăn bầy chiên ở phía bắc, gần Si-chem, nơi mà họ vừa gây mối thù sâu sắc với dân trong thành. Gia-cốp lo lắng cho các con nên bảo Giô-sép đi xem thử tình hình thế nào. Bạn có thể tưởng tượng được cảm xúc của Giô-sép không? Chàng biết các anh trai ghét chàng hơn bao giờ hết! Họ sẽ phản ứng thế nào khi chàng đến với tư cách người đại diện cho cha? Tuy vậy, Giô-sép vẫn vâng lời cha và lên đường.—Sáng-thế Ký 34:25-30; 37:12-14.

Đó là một chuyến hành trình khá vất vả, có lẽ chàng phải đi bộ bốn đến năm ngày ròng. Si-chem cách Hếp-rôn khoảng 80km về phía bắc. Nhưng khi đến Si-chem, Giô-sép biết được là các anh đã rời tới Đô-ta-in, cách đó khoảng 22km nữa cũng về phía bắc. Khi Giô-sép tới gần Đô-ta-in, các anh nhìn thấy chàng từ xa. Ngay lập tức, lòng căm ghét của họ trào sôi. Lời tường thuật ghi lại: “Chúng bèn nói nhau rằng: Kìa, thằng nằm mộng đến kia! Bây giờ, nào! Chúng ta hãy giết nó đi, quăng xuống một cái hố nước nào đó; đoạn ta sẽ nói rằng nó đã bị thú rừng xé ăn, rồi sẽ xem các điềm chiêm-bao của nó ra sao”. Tuy nhiên, Ru-bên thuyết phục các em đừng giết Giô-sép, mà chỉ nên quăng xuống hố. Ru-bên có ý định sau đó giải cứu Giô-sép.—Sáng-thế Ký 37:19-22.

Không một chút nghi ngờ, Giô-sép tiến lại gần chỗ các anh với hy vọng có một cuộc gặp mặt thân thiện. Nhưng các anh tấn công chàng! Họ đối xử với chàng cách thô bạo: lột chiếc áo đặc biệt của chàng, rồi lôi chàng tới chỗ hố nước khô và quăng chàng vào đó. Giô-sép rơi xuống hố! Sau khi định thần, chàng cố hết sức trèo lên nhưng bất lực. Phía trên đầu chàng chỉ là khoảng trời vừa khít miệng hố, còn tiếng của các anh thì nhỏ dần. Chàng kêu gào, van nài khẩn thiết nhưng không một ai thèm ngó ngàng. Họ thản nhiên ngồi ăn gần đó. Trong lúc Ru-bên vắng mặt, họ lại tính cách giết Giô-sép, nhưng Giu-đa thuyết phục họ bán chàng cho những đoàn lái buôn qua đường. Đô-ta-in nằm gần tuyến giao thương đến Ai Cập, và một lúc sau đoàn lái buôn người Ích-ma-ên và Ma-đi-an đi qua. Trước khi Ru-bên trở lại, mọi chuyện đã xong xuôi. Họ đã bán em trai mình làm nô lệ với giá 20 siếc-lơ *.—Sáng-thế Ký 37:23-28; 42:21.

Giô-sép can đảm làm điều đúng, nhưng bị các anh ghét

Tới đây chúng ta đã quay lại thời điểm được miêu tả nơi đầu bài. Bị đưa đi trên con đường hướng về phía nam dẫn đến Ai Cập, Giô-sép dường như không còn gì cả. Chàng đã bị chia cắt với gia đình! Trong suốt nhiều năm, chàng không hề hay biết chuyện gì diễn ra trong gia đình—không biết Ru-bên khổ não ra sao khi quay lại và không thấy chàng đâu; không biết cha chàng đã đau đớn biết chừng nào khi bị lừa và tin rằng người con trai yêu dấu của mình đã chết; không biết ông mình là Y-sác tình hình thế nào; và không biết người em trai yêu quý là Bên-gia-min, người chàng thương nhớ khôn nguôi, giờ đây ra sao. Nhưng có phải Giô-sép hoàn toàn trắng tay?—Sáng-thế Ký 37:29-35.

Giô-sép vẫn giữ được một điều mà các anh của chàng không bao giờ có thể lấy đi: đức tin. Chàng có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va, và không gì có thể cướp đi điều ấy—dù là sự xa nhà, những gian khổ trên quãng đường dài bị giải tới Ai Cập, hay ngay cả sự nhục nhã khi bị bán làm nô lệ cho một người Ai Cập giàu có tên là Phô-ti-pha (Sáng-thế Ký 37:36). Trải qua chông gai, đức tin và lòng quyết tâm gắn bó với Đức Chúa Trời của Giô-sép càng trở nên mạnh mẽ. Trong những bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem đức tin ấy đã giúp Giô-sép trở nên hữu dụng hơn ra sao trong tay Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cũng như cho gia đình chàng. Thật khôn ngoan biết bao khi chúng ta noi theo đức tin của Giô-sép!

^ đ. 15 Một số nhà nghiên cứu cho rằng các anh của Giô-sép đã nghĩ món quà này là dấu hiệu cho thấy cha có ý định trao quyền trưởng nam cho Giô-sép. Họ biết rằng Giô-sép là con trai đầu của người vợ Gia-cốp thương yêu, người mà Gia-cốp định kết hôn trước. Hơn nữa, con đầu lòng của Gia-cốp là Ru-bên đã ăn nằm với vợ lẽ của cha, kết quả là Ru-bên không còn được cha tin tưởng và bị tước quyền trưởng nam.—Sáng-thế Ký 35:22; 49:3, 4.

^ đ. 25 Ngay cả trong chi tiết nhỏ này, lời tường thuật của Kinh Thánh cũng rất chính xác. Các tài liệu vào thời đó cho biết 20 siếc-lơ là giá trung bình của một nô lệ ở Ai Cập.