Đi đến nội dung

Nhân Chứng Giê-hô-va làm chứng ở nơi công cộng gần Cầu Hòa Bình tại Tbilisi

NGÀY 21 THÁNG 2 NĂM 2017
GEORGIA

Tòa án châu Âu bảo vệ các quyền về tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Georgia

Tòa án châu Âu bảo vệ các quyền về tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Georgia

Sự tự do tôn giáo mà Nhân Chứng Giê-hô-va tại Georgia hưởng được ngày nay hoàn toàn khác biệt với hoàn cảnh của họ vài năm trước. Giờ đây, các Nhân Chứng đã được đăng ký hợp pháp và chính quyền cho phép họ tự do thờ phượng. Nhưng tình hình từ năm 1999 đến 2003 thì rất khác. Trong giai đoạn đó, chính quyền cho phép những phần tử tôn giáo cực đoan tấn công dữ dội các Nhân Chứng, đồng thời từ chối truy tố những kẻ phạm pháp.

Vì bị ngược đãi trong suốt thời kỳ đen tối ấy, các Nhân Chứng đã đệ đơn lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR). Một trong những đơn này là vụ Tsartsidze và những người khác khởi kiện chính quyền Georgia, đề cập ba vụ việc xảy ra ở Georgia vào năm 2000 và 2001 liên quan đến sự hành hung của đám đông, các buổi nhóm họp tôn giáo bị cản trở, sự phá hoại tài sản và việc bị cảnh sát đánh đập, lăng mạ.

Vào ngày 17-1-2017, ECHR ra phán quyết về vụ Tsartsidze và thừa nhận rằng quyền của các Nhân Chứng đã bị xâm phạm. EHCR công nhận rằng cảnh sát Georgia hoặc đã tham gia trực tiếp vào những vụ việc này hoặc không can thiệp để bảo vệ nạn nhân. EHCR cũng cho thấy các tòa án và thẩm phán tại Georgia đã không ngăn cản việc các Nhân Chứng bị gây hấn vì họ chỉ xem xét dữ kiện một cách chiếu lệ và dựa trên thành kiến.

Phán quyết thứ ba lên án chính quyền ủng hộ sự ngược đãi

Đây là phán quyết thứ ba của ECHR lên án chính quyền Georgia trong bối cảnh Tòa nhận định rằng có tình trạng “bạo lực tôn giáo chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn quốc”, diễn ra từ năm 1999 đến 2003. Trong cả ba phán quyết, ECHR nhận thấy chính quyền Georgia đã vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền vì đã không bảo vệ sự tự do tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va và phân biệt đối xử đối với họ.

Tòa án đã mô tả tình hình tại Georgia trong giai đoạn đó như sau: “Thông qua hành vi của các nhân viên chính phủ, những người trực tiếp tham gia tấn công Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc đồng thuận và bao che những hoạt động trái pháp luật của các cá nhân khác, chính quyền Georgia đã tạo nên xu thế miễn trừng phạt và do đó khuyến khích những cuộc tấn công khác nhắm vào Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn quốc”.

ECHR ủng hộ quy tắc luật pháp và tự do tôn giáo

Trong ba cuộc tấn công được ECHR xem xét trong vụ Tsartsidze, các nạn nhân phải chịu sự bất công do hành động của cảnh sát hoặc do sự đồng lõa của họ.

  • Vào ngày 2-9-2000, tại thành phố Kutaisi, cảnh sát đã giải ông Dzamukov về trụ sở cảnh sát. Họ tịch thu ấn phẩm tôn giáo mà ông mang theo, rồi lăng mạ và đánh đập ông. Ngày hôm sau, trong một vụ khác, một cảnh sát đã tấn công ông Gabunia, đấm vào bụng ông và xé các ấn phẩm tôn giáo mà ông mang theo.

  • Vào ngày 26-10-2000, tại thành phố Marneuli, cảnh sát đã thô bạo ngăn cản một buổi họp tôn giáo và tịch thu các ấn phẩm tôn giáo. Họ đã giải ông Mikirtumov, lúc đó đang đọc bài diễn văn tôn giáo, và ông Aliev, là chủ nhà của nơi tổ chức buổi họp, về trụ sở cảnh sát. Sau đó cảnh sát ép ông Mikirtumov lên xe và đưa ra khỏi thành phố, rồi ra lệnh cho ông không được phép quay về. Họ cũng ra lệnh cho ông Aliev không được tổ chức các buổi họp tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va tại nhà nữa.

  • Vào ngày 27-3-2001, tại thành phố Rustavi, một nhóm phần tử cực đoan Chính Thống giáo xông vào nhà ông Gogelashvili trong khi một buổi họp tôn giáo đang diễn ra. Nhóm này đã lăng mạ và buộc những người tham dự phải ra về. Họ tịch thu các ấn phẩm tôn giáo và đốt công khai tại một ngôi chợ gần đó vào ngày hôm sau. Cảnh sát đã không can thiệp để bảo vệ các nạn nhân.

Trong mỗi trường hợp trên, những nạn nhân đều đã yêu cầu các tòa án tại Georgia bảo vệ quyền lợi nhưng không nhận được sự đáp ứng nào. Theo nhận xét của ECHR, các thẩm phán Georgia đã thiên vị cảnh sát và không xem xét chứng cứ của các nạn nhân một cách thích đáng. Nói về thái độ của các thẩm phán trong nước khi xem xét những vụ kiện này, ECHR phát biểu như sau:

Theo quan điểm của Tòa, việc xét xử vụ kiện một cách chiếu lệ và thiên vị, cộng với việc máy móc tin tưởng các viên chức hành pháp cũng như việc phản đối lời tường thuật về các vụ nêu trong đơn mà không có căn cứ, hoàn toàn đồng nghĩa với việc bộ máy tư pháp bao che cho những hành động bạo lực chống lại các nguyên đơn.

Nhận thấy quyền của các nguyên đơn theo điều 9 (tự do tôn giáo) và điều 14 (phân biệt đối xử) của Công ước Châu Âu về Nhân quyền đã bị xâm phạm, ECHR đã bồi thường tổng cộng 11.000 euro (11.840 đô-la Mỹ) cùng với 10.000 euro (10.762 đô-la Mỹ) án phí.

Liệu phán quyết này cũng sẽ được áp dụng tại Nga và Azerbaijan không?

Trong phần kết luận, ECHR lặp lại phán quyết của Tòa trong các vụ GldaniBegheluri tại Georgia và các vụ KuznetsovKrupko tại Nga xảy ra trước đó. Chính quyền Georgia đã dần dần tuân thủ các phán quyết trước đây. Nhân Chứng Giê-hô-va tại Georgia biết ơn về điều này vì giờ đây họ được bảo vệ tốt hơn, được nhóm họp và chia sẻ niềm tin một cách tự do và an toàn.

Luật sư về nhân quyền quốc tế André Carbonneau, người đã tham dự các phiên tòa trong nước tại Georgia cũng như soạn thảo đơn kiện gửi đến ECHR, cho biết: “Qua phán quyết xuất sắc này, ECHR đã cho thấy rõ họ sẽ không khoan nhượng trước hành động của các chính phủ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa mà khuyến khích hoặc ủng hộ việc đàn áp sự tự do tôn giáo của công dân. Nhân Chứng Giê-hô-va vui mừng khi chính quyền Georgia đang thực thi phán quyết này để họ có thể thờ phượng một cách tự do. Mong rằng các nước khác trong Hội đồng châu Âu, chẳng hạn như Nga, cũng sẽ lưu ý đến điều ấy”.

Phán quyết mới nhất này của ECHR bảo vệ quyền tự do nhóm lại để thờ phượng và chia sẻ niềm tin tôn giáo với người lân cận một cách hòa bình. Cộng đồng Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới hy vọng phán quyết mạnh mẽ này của ECHR sẽ tác động đến những đơn kiện đối với Nga và Azerbaijan về những vấn đề tương tự mà chưa được xét xử.