Đi đến nội dung

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va giữ trung lập về chính trị?

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va giữ trung lập về chính trị?

 Nhân Chứng Giê-hô-va giữ trung lập về chính trị vì lý do tôn giáo, dựa trên những gì Kinh Thánh dạy. Chúng tôi không vận động hành lang, không bầu cử cho các đảng phái hoặc người ứng cử, không chạy đua vào các cấp chính quyền và không tham gia vào bất cứ hoạt động nào nhằm lật đổ chính quyền. Về điều này, chúng tôi tin rằng những lý do Kinh Thánh đưa ra sau đây là chính đáng:

  •   Chúng tôi theo gương Chúa Giê-su, đấng từ chối nhận chức vụ trong chính quyền (Giăng 6:​15). Ngài dạy môn đồ là “không thuộc về thế gian” và cho thấy rõ rằng họ không nên theo phe chính trị nào.​—Giăng 17:14, 16; 18:36; Mác 12:13-​17.

  •   Chúng tôi trung thành với Nước Đức Chúa Trời, Nước mà Chúa Giê-su đã đề cập đến khi nói: “Tin mừng này về Nước Đức Chúa Trời sẽ được rao truyền khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14). Là những người đại diện cho Nước Đức Chúa Trời và có sứ mạng loan báo về việc Nước ấy sắp trị vì trên đất, chúng tôi giữ trung lập về vấn đề chính trị trong mọi quốc gia, gồm cả tại nước mình sinh sống.​—2 Cô-rinh-tô 5:20; Ê-phê-sô 6:20.

  •   Nhờ giữ trung lập về chính trị, chúng tôi không ngần ngại nói chuyện về tin mừng Nước Đức Chúa Trời với mọi người, bất kể họ ủng hộ đảng phái chính trị nào. Qua lời nói và hành động, chúng tôi cố gắng cho thấy mình tin cậy Nước Đức Chúa Trời là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề của nhân loại.​—Thi-thiên 56:11.

  •   Vì không bị chia rẽ về chính trị nên chúng tôi hợp nhất thành một đoàn thể anh em quốc tế (Cô-lô-se 3:14; 1 Phi-e-rơ 2:17). Ngược lại, thành viên trong các tôn giáo dính líu đến chính trị thì bị chia rẽ.​—1 Cô-rinh-tô 1:10.

 Tôn trọng các bậc cầm quyền. Dù không tham gia vào chính trị, chúng tôi tôn trọng nhà cầm quyền tại nơi mình sống. Điều này phù hợp với mệnh lệnh của Kinh Thánh: “Mọi người hãy vâng phục các bậc cầm quyền” (Rô-ma 13:1). Chúng tôi tuân thủ luật pháp, nộp thuế và ủng hộ những sắp đặt của chính phủ hầu mang lại lợi ích cho công dân. Thay vì tham gia vào những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, chúng tôi làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là cầu nguyện cho “các vua cùng các bậc cầm quyền”, đặc biệt khi họ đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng đến sự tự do thờ phượng.​—1 Ti-mô-thê 2:1, 2.

 Chúng tôi cũng tôn trọng quyền quyết định của người khác khi liên quan đến vấn đề chính trị. Chẳng hạn, chúng tôi không can thiệp hoặc ngăn cản người khác tham gia bầu cử.

 Sự trung lập của chúng tôi có phải là mới không? Không. Các sứ đồ và những tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất đã có lập trường như thế về chính trị. Sách Beyond Good Intentions nói: “Dù biết bổn phận của mình là tôn trọng nhà cầm quyền, tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu không dính líu đến các vấn đề chính trị”. Sách On the Road to Civilization cũng viết rằng những tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu “không giữ các chức vụ chính trị”.

 Sự trung lập của chúng tôi có đe dọa nền an ninh quốc gia không? Không. Chúng tôi là những công dân yêu chuộng hòa bình nên các bậc cầm quyền không có gì phải lo sợ. Về lập trường trung lập của chúng tôi, một báo cáo năm 2001 của Viện Hàn lâm Khoa học Ukraine viết như sau: “Ngày nay, một số người có lẽ không thích lập trường này của Nhân Chứng Giê-hô-va; đây là lý do chính mà chính quyền Đức Quốc Xã và chế độ Cộng sản trong quá khứ buộc tội Nhân Chứng”. Ngay cả dưới chế độ Liên Xô, Nhân Chứng “vẫn là những công dân tuân thủ pháp luật. Họ làm việc một cách trung thực và bất vị kỷ trong các hợp tác xã nông trại cũng như những nhà máy công nghiệp và không phải là mối đe dọa đối với chế độ Cộng sản”. Ngày nay cũng vậy, niềm tin và thực hành của Nhân Chứng Giê-hô-va không “đe dọa nền an ninh và sự thống nhất của bất kỳ quốc gia nào”, báo cáo trên kết luận.