Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn giáo có nên can hệ đến chính trị không?

Tôn giáo có nên can hệ đến chính trị không?

 Trên khắp thế giới, nhiều người tự nhận theo Chúa Giê-su Ki-tô nhưng can hệ sâu sắc đến chính trị. Một số người cố đẩy mạnh niềm tin tôn giáo và tiêu chuẩn của họ bằng cách ủng hộ ứng cử viên hoặc đảng phái chính trị nào đó. Còn những chính trị gia thì thường dùng vấn đề xã hội hoặc đạo đức để có được sự ủng hộ của người sùng đạo. Việc những nhà lãnh đạo tôn giáo tranh cử là điều phổ biến. Tại một số nước, một đạo tự nhận theo Đấng Ki-tô thậm chí còn được công nhận là quốc giáo.

 Bạn nghĩ sao? Môn đồ của Chúa Giê-su Ki-tô có nên can hệ đến chính trị không? Bạn có thể tìm được câu trả lời khi xem xét gương của Chúa Giê-su. Ngài nói: “Tôi đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như tôi đã làm cho anh em” (Giăng 13:15). Liên quan đến chính trị, Chúa Giê-su nêu gương nào?

Chúa Giê-su có can hệ đến chính trị không?

 Không. Chúa Giê-su không can hệ đến chính trị của thế gian.

 Chúa Giê-su không tìm kiếm quyền lực chính trị. Ngài từ chối trở thành nhà cai trị của các chính phủ thế gian khi Sa-tan Ác Quỷ đề nghị cho ngài “mọi nước thế gian” (Ma-thi-ơ 4:8-10). a Vào dịp khác, những người nhận thấy Chúa Giê-su có tố chất lãnh đạo đã cố ép ngài tham gia chính trị. Kinh Thánh cho biết: “Chúa Giê-su biết họ sắp đến để bắt ép ngài làm vua nên ngài lại lánh lên núi một mình” (Giăng 6:15). Chúa Giê-su không chiều theo ý muốn của người ta. Thay vì thế, ngài từ chối can hệ đến chính trị.

 Chúa Giê-su không đứng về phía nào trong vấn đề chính trị. Chẳng hạn, vào thời Chúa Giê-su, người Do Thái phẫn nộ vì phải nộp thuế cho chính quyền La Mã và xem đó là gánh nặng bất công. Khi họ cố khiến Chúa Giê-su đứng về một phía trong vấn đề này, ngài không tranh cãi việc nộp thuế đó là đòi hỏi công bằng hay không. Ngài bảo họ: “Những gì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, còn những gì của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời” (Mác 12:13-17). Ngài giữ trung lập về vấn đề chính trị nhưng cho thấy nên nộp thuế theo đòi hỏi của chính quyền La Mã, đại diện cho Sê-sa (là nhà cai trị quyền lực nhất vào thời bấy giờ). Đồng thời, ngài cũng cho thấy việc vâng lời chính phủ loài người chỉ có giới hạn. Một người không được dâng cho nhà nước điều thuộc về Đức Chúa Trời, bao gồm lòng sùng kính và sự thờ phượng.​—Ma-thi-ơ 4:10; 22:37, 38.

 Chúa Giê-su ủng hộ và dạy dỗ về chính phủ trên trời, tức Nước Đức Chúa Trời (Lu-ca 4:43). Ngài không dính líu đến chính trị vì biết rằng Nước Trời, chứ không phải chính phủ loài người, sẽ thực hiện ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất (Ma-thi-ơ 6:10). Ngài hiểu rằng Nước Trời sẽ không dùng chính phủ loài người mà sẽ thay thế những chính phủ ấy.​—Đa-ni-ên 2:44.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất có can hệ đến chính trị không?

 Không. Môn đồ Chúa Giê-su vâng theo mệnh lệnh của ngài là “không thuộc về thế gian” (Giăng 15:19). Họ noi gương ngài và giữ tách biệt khỏi chính trị của thế gian (Giăng 17:16; 18:36). Thay vì dính líu đến vấn đề chính trị, họ làm công việc Chúa Giê-su lệnh cho họ làm, đó là rao giảng và dạy dỗ về Nước Đức Chúa Trời.​—Ma-thi-ơ 28:18-20; Công vụ 10:42.

 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất đặt việc vâng lời Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống, nhưng họ cũng biết rằng họ phải tôn trọng các bậc cầm quyền (Công vụ 5:29; 1 Phi-e-rơ 2:13, 17). Họ tuân thủ luật pháp và nộp thuế (Rô-ma 13:1, 7). Dù không dính líu đến chính trị, nhưng họ tận dụng sự bảo vệ về mặt pháp lý và các dịch vụ mà chính phủ cung cấp.​—Công vụ 25:10, 11; Phi-líp 1:7.

Sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay

 Kinh Thánh cho thấy rõ cả Chúa Giê-su lẫn các môn đồ thời ban đầu đều không can hệ đến chính trị. Vì thế, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới giữ sự trung lập tuyệt đối. Như các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, họ làm công việc mà Chúa Giê-su lệnh cho họ làm, đó là rao truyền “tin mừng này về Nước Trời”.​—Ma-thi-ơ 24:14.

a Khi Chúa Giê-su từ chối, ngài không phản đối việc Sa-tan có quyền cho ngài các nước ấy. Sau này, ngài gọi hắn là “kẻ cai trị thế gian”.​—Giăng 14:30.