Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 79

Sự hủy diệt đang ở trước mắt

Sự hủy diệt đang ở trước mắt

LU-CA 13:1-21

  • CHÚA GIÊ-SU NÊU RA BÀI HỌC QUAN TRỌNG TỪ HAI THẢM KỊCH

  • NGƯỜI ĐÀN BÀ CÒNG LƯNG ĐƯỢC CHỮA LÀNH TRONG NGÀY SA-BÁT

Chúa Giê-su đã dùng nhiều cách để khuyến khích dân chúng nghĩ về mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời. Sau cuộc nói chuyện bên ngoài nhà của người Pha-ri-si, Chúa Giê-su lại có một cơ hội khác.

Có vài người nhắc đến một thảm kịch. Họ nói về “chuyện [quan tổng đốc La Mã Bôn-xơ] Phi-lát đã khiến huyết của một số người Ga-li-lê hòa lẫn với huyết vật tế lễ mà họ dâng” (Lu-ca 13:1). Ý họ là gì?

Có lẽ những người Ga-li-lê đó bị giết khi hàng ngàn người Do Thái phản đối việc Phi-lát dùng ngân quỹ đền thờ để xây hệ thống dẫn nước vào Giê-ru-sa-lem. Hẳn Phi-lát có được số tiền đó nhờ hợp tác với những người có chức quyền trong đền thờ. Có lẽ người ta nhắc đến thảm kịch này vì nghĩ rằng những người Ga-li-lê đó gặp nạn do làm điều ác. Nhưng Chúa Giê-su không đồng tình.

Ngài nói: “Anh em nghĩ những người Ga-li-lê ấy có tội nặng hơn mọi người Ga-li-lê khác vì đã bị như thế sao?”. Câu trả lời của ngài là không. Nhưng ngài dùng sự việc này để cảnh báo người Do Thái: “Nếu không ăn năn, hết thảy anh em cũng sẽ chết như họ” (Lu-ca 13:2, 3).Rồi Chúa Giê-su đề cập đến một thảm họa khác có lẽ mới xảy ra và liên quan đến hệ thống dẫn nước ấy.

Ngài hỏi: “Hay 18 người bị tháp ở Si-lô-am sập xuống đè chết, anh em nghĩ họ mắc tội nặng hơn mọi người khác sống trong Giê-ru-sa-lem sao?” (Lu-ca 13:4). Có thể đoàn dân nghĩ những người đó chết vì đã làm điều ác. Một lần nữa, Chúa Giê-su không đồng tình. Ngài biết “thời thế và chuyện bất trắc” xảy ra và rất có thể đó là nguyên nhân gây thảm họa (Truyền đạo 9:11). Dù vậy, dân chúng nên rút ra bài học từ sự kiện ấy. Chúa Giê-su nói: “Nếu không ăn năn, hết thảy anh em cũng sẽ chết như họ” (Lu-ca 13:5). Nhưng tại sao ngài lại nhấn mạnh bài học này?

Điều đó có liên quan đến việc ngài đang ở giai đoạn nào của thánh chức, và ngài minh họa như sau: “Một người kia có cây vả trong vườn nho mình, ông đến tìm trái trên cây nhưng chẳng thấy trái nào. Ông nói với người làm vườn nho: ‘Đã ba năm tôi đến tìm trái trên cây vả này mà chẳng thấy gì. Hãy đốn nó đi! Sao để nó choán đất vô ích?’. Người làm vườn đáp: ‘Thưa ông chủ, xin để thêm một năm nữa, tôi sẽ đào xung quanh và bón phân cho nó. Nếu sau đó nó ra trái thì tốt, bằng không thì hãy đốn đi’”.—Lu-ca 13:6-9.

Trong hơn ba năm, Chúa Giê-su đã cố gắng xây đắp đức tin cho người Do Thái. Tuy nhiên, ít người trở thành môn đồ và có thể được xem như “trái” của công khó ngài. Nay đã là năm thứ tư của thánh chức, ngài càng nỗ lực nhiều hơn. Điều này như thể Chúa Giê-su đang đào và bón phân xung quanh cây vả Do Thái khi ngài rao giảng và dạy dỗ ở Giu-đê và Pê-rê. Kết quả là gì? Chỉ một số ít người Do Thái hưởng ứng. Với tư cách tập thể, dân này không muốn ăn năn và vì thế sẽ bị hủy diệt.

Sau đó không lâu, vào ngày Sa-bát, thái độ hời hợt của phần lớn người dân một lần nữa được thấy rõ. Chúa Giê-su đang giảng dạy ở nhà hội. Ngài thấy một phụ nữ bị còng lưng suốt 18 năm do quỷ ám. Động lòng thương xót, Chúa Giê-su bảo bà: “Bà ơi, bà đã được giải thoát khỏi căn bệnh của mình” (Lu-ca 13:12). Chúa Giê-su đặt tay trên bà, lập tức bà đứng thẳng lên và bắt đầu tôn vinh Đức Chúa Trời.

Điều này khiến viên cai quản nhà hội tức giận. Ông nói: “Có sáu ngày để làm việc, vậy hãy đến vào những ngày đó để được chữa bệnh, chứ đừng đến vào ngày Sa-bát” (Lu-ca 13:14). Ông không bác bỏ việc Chúa Giê-su có quyền năng làm phép lạ, nhưng lên án những người dân đến để được ngài chữa bệnh vào ngày Sa-bát! Chúa Giê-su trả lời một cách rõ ràng, hợp lý như sau: “Hỡi những kẻ đạo đức giả, vào ngày Sa-bát, ai trong các ông lại không tháo dây cho bò hoặc lừa của mình ra khỏi chuồng và dẫn đi uống nước? Còn người đàn bà này là con gái của Áp-ra-ham và bị Sa-tan cầm giữ 18 năm nay, chẳng phải bà nên được giải thoát khỏi sự giam cầm ấy vào ngày Sa-bát sao?”.—Lu-ca 13:15, 16.

Những kẻ chống đối đều hổ thẹn, còn đoàn dân thì vui mừng về mọi điều kỳ diệu mà họ thấy Chúa Giê-su làm. Rồi cũng tại Giu-đê, Chúa Giê-su lặp lại hai minh họa mang tính tiên tri về Nước Trời mà ngài đã nói trên thuyền ở biển Ga-li-lê.—Ma-thi-ơ 13:31-33; Lu-ca 13:18-21.