Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 11

Hãy tiếp tục mặc lấy “nhân cách mới” sau khi báp-têm

Hãy tiếp tục mặc lấy “nhân cách mới” sau khi báp-têm

“Mặc lấy nhân cách mới”.—CÔ 3:10.

BÀI HÁT 49 Làm Cha Giê-hô-va vui lòng

GIỚI THIỆU *

1. Điều chính yếu nào uốn nắn nhân cách của chúng ta?

 Dù đã báp-têm được vài ngày hay đã báp-têm nhiều thập kỷ, tất cả chúng ta đều muốn có nhân cách mà Đức Giê-hô-va yêu mến. Để trở thành người như thế, chúng ta cần kiểm soát suy nghĩ của mình. Tại sao? Vì nhân cách của chúng ta bị uốn nắn phần lớn bởi những gì mình suy nghĩ. Nếu thường nghĩ đến những ham muốn xác thịt, chúng ta sẽ nói và làm điều xấu (Ê-phê 4:17-19). Trái lại, nếu lấp đầy tâm trí mình bằng những ý tưởng tốt lành, chúng ta sẽ dễ nói và hành động theo cách làm hài lòng Cha Giê-hô-va.—Ga 5:16.

2. Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Như được đề cập trong bài trước, chúng ta không thể ngăn mọi ý tưởng xấu xâm nhập vào tâm trí mình. Nhưng chúng ta có thể chọn không hành động theo những ý tưởng ấy. Trước khi báp-têm, chúng ta cần từ bỏ cách nói năng và những việc làm mà Đức Giê-hô-va ghét. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình lột bỏ nhân cách cũ. Tuy nhiên, để làm hài lòng Đức Giê-hô-va một cách trọn vẹn, chúng ta cũng phải vâng theo mệnh lệnh: “[Hãy] mặc lấy nhân cách mới” (Cô 3:10). Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi sau: “Nhân cách mới” là gì? Làm thế nào chúng ta có thể mặc lấy nhân cách mới và luôn mặc nó?

“NHÂN CÁCH MỚI” LÀ GÌ?

3. Dựa trên Ga-la-ti 5:22, 23, “nhân cách mới” là gì, và một người có thể mặc lấy nhân cách mới bằng cách nào?

3 “Nhân cách mới” là cách suy nghĩ và hành động phản ánh nhân cách của Đức Giê-hô-va. Một người mặc lấy nhân cách mới bằng cách thể hiện bông trái thần khí Đức Chúa Trời, để thần khí thánh tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. (Đọc Ga-la-ti 5:22, 23). Chẳng hạn, người ấy yêu mến Đức Giê-hô-va và dân ngài (Mat 22:36-39). Một người như thế giữ niềm vui ngay cả khi đương đầu với thử thách (Gia 1:2-4). Người ấy tạo sự hòa thuận (Mat 5:9). Người ấy kiên nhẫn và nhân từ khi đối xử với người khác (Cô 3:13). Người ấy yêu điều lành và làm những điều đó (Lu 6:35). Qua hành động, người ấy cho thấy mình có đức tin mạnh nơi Cha trên trời (Gia 2:18). Người ấy giữ sự mềm mại khi bị khiêu khích và tự chủ khi bị cám dỗ.—1 Cô 9:25, 27; Tít 3:2.

4. Để mặc lấy nhân cách mới, tại sao chúng ta cần vun trồng tất cả phẩm chất ghi nơi Ga-la-ti 5:22, 23 và nơi những câu Kinh Thánh khác?

4 Để mặc lấy nhân cách mới, chúng ta cần vun trồng tất cả phẩm chất nơi Ga-la-ti 5:22, 23 và nơi những câu Kinh Thánh khác. * Các phẩm chất này không giống như những chiếc áo mà mình mặc từng cái một. Những phẩm chất này liên quan với nhau, khía cạnh của phẩm chất này có thể được tìm thấy trong phẩm chất khác. Chẳng hạn, nếu chân thành yêu người lân cận, chúng ta sẽ kiên nhẫn và nhân từ với người ấy. Để trở thành người thật sự tốt lành, chúng ta phải mềm mại và tự chủ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ MẶC LẤY NHÂN CÁCH MỚI?

Càng tập suy nghĩ như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ càng phản ánh nhân cách của ngài tốt hơn (Xem đoạn 5, 8, 10, 12, 14)

5. Có “tư tưởng của Đấng Ki-tô” có nghĩa gì, và tại sao chúng ta nên tìm hiểu về đời sống của Chúa Giê-su? (1 Cô-rinh-tô 2:16)

5 Đọc 1 Cô-rinh-tô 2:16. Để mặc lấy nhân cách mới, chúng ta cần có “tư tưởng của Đấng Ki-tô”. Nói cách khác, chúng ta cần học về lối suy nghĩ của Chúa Giê-su và bắt chước ngài. Chúa Giê-su thể hiện bông trái thần khí của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo. Giống như chiếc gương không tì vết, ngài phản ánh y hệt những phẩm chất của Đức Giê-hô-va (Hê 1:3). Càng suy nghĩ giống như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ càng hành động giống như ngài và càng phản ánh nhân cách của ngài tốt hơn.—Phi-líp 2:5.

6. Chúng ta nên ghi nhớ điều gì khi cố gắng mặc lấy nhân cách mới?

6 Có thật là chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su không? Có lẽ chúng ta nghĩ: “Chúa Giê-su là đấng hoàn hảo. Mình sẽ không bao giờ hoàn toàn giống như ngài!”. Nếu anh chị cảm thấy như thế, hãy nhớ những điều sau. Thứ nhất, anh chị được tạo ra theo hình ảnh của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Vì thế, anh chị có thể chọn bắt chước hai đấng ấy, và anh chị có thể thành công ít nhất ở mức độ nào đó (Sáng 1:26). Thứ hai, thần khí thánh của Đức Chúa Trời là lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ. Với sự trợ giúp của thần khí, anh chị có thể làm được những điều mà mình không bao giờ làm được bằng sức riêng. Thứ ba, Đức Giê-hô-va không đòi hỏi anh chị thể hiện bông trái thần khí một cách hoàn hảo vào lúc này. Thực tế, Cha yêu thương của chúng ta dành 1.000 năm cho những người có hy vọng sống trên đất để trở nên hoàn hảo (Khải 20:1-3). Điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta ngay bây giờ là nỗ lực hết sức và nương cậy nơi ngài để được giúp đỡ.

7. Giờ đây chúng ta sẽ xem xét điều gì?

7 Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước Chúa Giê-su? Chúng ta sẽ xem xét vắn tắt bốn khía cạnh của bông trái thần khí Đức Chúa Trời. Trong từng khía cạnh, hãy xem chúng ta học được gì từ cách Chúa Giê-su thể hiện những phẩm chất này. Cũng hãy xem một số câu hỏi có thể giúp chúng ta biết mình đang mặc lấy nhân cách mới ở mức độ nào.

8. Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương qua cách nào?

8 Tình yêu thương sâu đậm của Chúa Giê-su dành cho Đức Giê-hô-va thôi thúc ngài thực hiện những hy sinh vì Cha ngài và vì chúng ta (Giăng 14:31; 15:13). Chúa Giê-su cho thấy ngài rất yêu thương con người qua cách sống của ngài khi còn ở trên đất. Mỗi ngày, ngài đều thể hiện tình yêu thương và lòng trắc ẩn, ngay cả khi bị một số người chống đối. Một cách quan trọng ngài cho thấy ngài yêu thương con người là dạy họ về Nước Đức Chúa Trời (Lu 4:43, 44). Chúa Giê-su cũng chứng tỏ tình yêu thương bất vị kỷ dành cho Đức Chúa Trời và con người qua việc sẵn sàng chịu chết đau đớn trong tay những kẻ tội lỗi. Nhờ thế, ngài mở đường cho tất cả chúng ta có được sự sống vĩnh cửu.

9. Chúng ta có thể bắt chước Chúa Giê-su như thế nào trong việc thể hiện tình yêu thương?

9 Chúng ta dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm vì yêu thương Cha trên trời. Thế nên, giống như Chúa Giê-su, chúng ta nên cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va qua cách đối xử với người khác. Sứ đồ Giăng viết: “Ai chẳng yêu thương người anh em mình thấy được thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (1 Giăng 4:20). Chúng ta có thể tự hỏi: “Mình đã vun trồng tình yêu thương sâu đậm với người khác chưa? Mình có thể hiện lòng trắc ẩn khi đối xử với người khác, ngay cả nếu họ thô lỗ với mình không? Tình yêu thương có thúc đẩy mình dùng thời gian và tiền của để giúp người khác học về Đức Giê-hô-va không? Mình có sẵn sàng làm điều này ngay cả khi phần lớn người ta không quý trọng nỗ lực của mình hoặc khi họ chống đối mình không? Mình có tìm cách để dành thêm thời gian cho công việc đào tạo môn đồ không?”.—Ê-phê 5:15, 16.

10. Chúa Giê-su là người tạo sự hòa thuận như thế nào?

10 Chúa Giê-su là người hiếu hòa. Khi bị người ta đối xử tệ, ngài không lấy ác trả ác. Nhưng ngài còn làm nhiều hơn thế. Ngài chủ động tạo sự hòa thuận và khuyến khích người khác giải quyết mối bất đồng giữa họ. Chẳng hạn, ngài dạy họ là phải làm hòa với anh em nếu muốn Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng của mình (Mat 5:9, 23, 24). Ngài nhiều lần giúp các sứ đồ ngừng tranh cãi về việc ai lớn nhất trong vòng họ.—Lu 9:46-48; 22:24-27.

11. Làm thế nào để tạo sự hòa thuận?

11 Để tạo sự hòa thuận, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ tránh gây ra những cuộc xung đột. Chúng ta cần chủ động làm hòa với người khác và khuyến khích anh em đồng đạo giải quyết bất đồng giữa họ (Phi-líp 4:2, 3; Gia 3:17, 18). Chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có sẵn sàng hy sinh để làm hòa với người khác không? Khi một anh em đồng đạo làm mình tổn thương, mình có nuôi lòng oán giận không? Mình có đợi người kia làm hòa hay mình sẽ chủ động, ngay cả khi cảm thấy người kia là người gây ra vấn đề? Khi thích hợp, mình có khuyến khích những người có mối bất đồng làm hòa với nhau không?”.

12. Chúa Giê-su thể hiện sự nhân từ như thế nào?

12 Chúa Giê-su là người nhân từ (Mat 11:28-30). Ngài thể hiện sự nhân từ bằng cách đối xử mềm mại và phải lẽ, ngay cả khi đương đầu với hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, khi một phụ nữ người Phê-ni-xi nài xin ngài chữa lành cho con bà, lúc đầu ngài từ chối lời thỉnh cầu đó. Nhưng khi bà thể hiện đức tin mạnh, ngài đã nhân từ chữa lành cho con của bà (Mat 15:22-28). Dù là người nhân từ, nhưng Chúa Giê-su không để tình cảm lấn át lý trí. Đôi khi ngài thể hiện sự nhân từ bằng cách kiên định với những người ngài yêu thương. Chẳng hạn, khi Phi-e-rơ cố ngăn cản Chúa Giê-su làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su đã quở trách ông trước mặt các môn đồ khác (Mác 8:32, 33). Ngài làm thế không phải để khiến Phi-e-rơ bẽ mặt, nhưng để huấn luyện ông và cảnh báo các môn đồ khác về việc tự phụ. Hẳn Phi-e-rơ cảm thấy xấu hổ, nhưng ông đã được lợi ích từ sự sửa dạy đó.

13. Làm thế nào để thể hiện sự nhân từ thật?

13 Để thể hiện sự nhân từ thật với người mà mình yêu thương, đôi khi chúng ta cần thẳng thắn với người ấy. Khi làm thế, hãy bắt chước Chúa Giê-su bằng cách cho lời khuyên dựa trên các nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời. Hãy mềm mại. Hãy cho rằng họ muốn làm điều tốt, tin là những người yêu mến Đức Giê-hô-va và yêu thương anh chị sẽ hưởng ứng trước lời khuyên chân thành của anh chị. Hãy tự hỏi: “Mình có can đảm nói ra khi thấy người mà mình yêu mến làm điều sai không? Nếu cần cho lời khuyên, mình nói nhân từ hay nói gay gắt? Động cơ cho lời khuyên của mình là gì? Mình cho lời khuyên vì người ấy khiến mình bực bội hay mình làm thế vì lợi ích của người ấy?”.

14. Chúa Giê-su thể hiện sự tốt lành như thế nào?

14 Chúa Giê-su không chỉ biết điều gì là tốt nhưng ngài còn làm những điều ấy. Chúa Giê-su yêu thương Cha ngài nên ngài luôn làm điều đúng với động cơ đúng. Sự tốt lành được thấy rõ qua lợi ích mà phẩm chất này mang lại cho người khác. Đó không phải là phẩm chất thụ động nhưng được thể hiện qua việc giúp đỡ người khác. Biết điều gì là đúng thì chưa đủ; chúng ta cần làm điều đúng với động cơ đúng. Có lẽ chúng ta thắc mắc: “Có thể làm điều đúng với động cơ sai không?”. Có. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói về những người bố thí cho người nghèo nhưng phô trương để người khác biết. Việc họ bố thí dường như là tốt nhưng chẳng có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va.—Mat 6:1-4.

15. Làm thế nào chúng ta có thể thể hiện sự tốt lành thật?

15 Chúng ta chỉ có thể thể hiện sự tốt lành thật nếu làm điều đúng với lý do bất vị kỷ. Vì thế, anh chị có thể tự hỏi: “Ngoài việc biết điều gì là đúng, mình có làm những điều ấy không? Động cơ làm điều tốt của mình là gì?”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ CHO NHÂN CÁCH MỚI Ở TRONG TÌNH TRẠNG TỐT?

16. Chúng ta nên làm gì mỗi ngày, và tại sao?

16 Chúng ta không nên cho rằng việc nỗ lực mặc lấy nhân cách mới chấm dứt khi mình báp-têm. Nhân cách mới giống như chiếc áo mới mà chúng ta cần giữ ở trong tình trạng tốt. Một điều chúng ta có thể làm là mỗi ngày tìm cách để thể hiện bông trái thần khí của Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của hành động, và thần khí của ngài là lực luôn hoạt động (Sáng 1:2). Thế nên, mỗi khía cạnh của bông trái thần khí có thể và phải thúc đẩy chúng ta hành động. Chẳng hạn, môn đồ Gia-cơ viết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gia 2:26). Điều này cũng áp dụng cho mọi khía cạnh khác của bông trái thần khí Đức Chúa Trời. Mỗi lần thể hiện những khía cạnh ấy, chúng ta cho thấy thần khí của Đức Chúa Trời đang hoạt động trong chúng ta.

17. Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu có lúc không thể hiện bông trái thần khí?

17 Ngay cả những tín đồ đã báp-têm nhiều năm cũng có lúc không thể hiện bông trái thần khí. Nhưng điều quan trọng là đừng bỏ cuộc. Hãy xem minh họa sau. Nếu làm rách chiếc áo mình thích nhất, anh chị có lập tức bỏ chiếc áo đó không? Không. Hẳn anh chị sẽ cẩn thận sửa chỗ rách đó nếu có thể. Từ đó về sau, anh chị sẽ cẩn thận hơn. Tương tự, nếu có lúc không hành động nhân từ, kiên nhẫn hoặc yêu thương với người khác thì đừng nản lòng. Lời xin lỗi chân thành có thể sửa chữa những tổn hại và giúp khôi phục mối quan hệ với người kia. Hãy quyết tâm làm tốt hơn trong tương lai.

18. Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

18 Chúng ta thật biết ơn vì có gương của Chúa Giê-su! Càng bắt chước lối suy nghĩ và thái độ của ngài, chúng ta sẽ càng dễ hành động giống như ngài. Càng hành động giống như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ càng mặc lấy nhân cách mới tốt hơn. Trong bài này, chúng ta chỉ xem bốn khía cạnh của bông trái thần khí Đức Chúa Trời. Hãy dành thời gian để xem xét những khía cạnh khác của bông trái thần khí và suy nghĩ xem mình đang thể hiện những phẩm chất đó ở mức độ nào. Để tìm những bài nói về điều này, hãy xem Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va, vào đề tài “Đời sống tín đồ đạo Đấng Ki-tô”, rồi vào chủ đề “Bông trái của thần khí”. Anh chị có thể tin chắc rằng nếu anh chị làm phần của mình, Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị mặc lấy nhân cách mới và luôn mặc nó.

BÀI HÁT 127 Tôi xem mình thuộc loại người nào

^ đ. 5 Bất kể có gốc gác nào, chúng ta đều có thể mặc lấy “nhân cách mới”. Để làm thế, chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh lối suy nghĩ và cố gắng để giống như Chúa Giê-su. Bài này sẽ xem xét những ví dụ về lối suy nghĩ và hành động của Chúa Giê-su. Bài cũng cho thấy làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục bắt chước ngài sau khi báp-têm.

^ đ. 4 Ga-la-ti 5:22, 23 không liệt kê tất cả phẩm chất tốt mà thần khí Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta vun trồng. Để biết thêm về điều này, xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh tháng 6 năm 2020.