Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhà xuất bản nỗ lực in Kinh Thánh

Nhà xuất bản nỗ lực in Kinh Thánh

Nhà xuất bản nỗ lực in Kinh Thánh

Những sách chép tay và cuộn giấy da có từ hàng ngàn năm về trước. Tuy nhiên, sách in có cách đây không lâu lắm. Cuốn sách in xưa nhất người ta biết đến được sản xuất vào năm 868 công nguyên ở Trung Quốc, bằng cách dùng mộc bản, tức bản gỗ có khắc chữ hoặc hình. Khoảng năm 1455, ở Đức, ông Johannes Gutenberg đã phát minh ra máy in theo lối xếp chữ với các con chữ bằng kim loại, và cho in bản Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng La-tinh.

Vài năm sau, khi việc xuất bản sách trở thành một ngành công nghiệp, thì Kinh Thánh và những sách khác mới thật sự được phát hành rộng rãi. Thành phố Nuremberg trở thành trung tâm của ngành xuất bản ở Đức. Ông Anton Koberger, sinh ra ở thành phố này, có lẽ là nhà in ấn và xuất bản Kinh Thánh đầu tiên có tầm cỡ quốc tế.

Người thuộc mọi nền văn hóa mang ơn những người xuất bản Kinh Thánh thời ban đầu, trong đó có ông Anton Koberger. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ông và công việc của ông.

“Quan tâm đến một cuốn sách—Kinh Thánh”

Vào năm 1470, ông Koberger là người mở xưởng in đầu tiên tại Nuremberg. Lúc phát triển nhất, xưởng của ông có 24 máy in hoạt động cùng lúc, ông thuê 100 thợ in, thợ thủ công và công nhân ở Basel, Strasbourg, Lyon cũng như thành phố khác của châu Âu. Ông Koberger xuất bản các tác phẩm thời trung cổ bằng tiếng La-tinh và phần lớn các tài liệu khoa học vào thời ông. Trong sự nghiệp của mình, ông in 236 tác phẩm. Một số tác phẩm có đến hàng trăm trang, tất cả đều do những người thợ đã in ra từng trang một.

Các tác phẩm do Koberger xuất bản có tiếng là đẹp và dễ đọc, nhờ kiểu chữ mà ông chọn in. Sử gia Alfred Börckel viết: “Koberger luôn yêu cầu thợ dùng những con chữ mới đúc và rõ nét, con chữ đã mòn thì không được dùng”. Ngoài ra, nhiều tác phẩm và Kinh Thánh do ông ấn hành có những minh họa tinh xảo được in bằng mộc bản.

Ông Oscar Hase, người viết tiểu sử về Koberger, đã nói từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc sự nghiệp, ông Koberger “quan tâm đến một cuốn sách—Kinh Thánh”. Ông Koberger và những cộng sự nỗ lực tìm bản Kinh Thánh chính xác nhất. Việc này không phải dễ, vì nhiều bản Kinh Thánh bằng giấy da được lưu giữ rất kỹ trong các tu viện và hiếm khi cho mượn để sao chép, nếu cho mượn thì chỉ trong một thời gian ngắn.

Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh và tiếng Đức

Ông Koberger cho in 15 ấn bản của cuốn Biblia Latina (Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh), ấn bản đầu tiên được xuất bản năm 1475. Một số bản có hình minh họa về con tàu của Nô-ê, Mười Điều Răn và đền thờ do vua Sa-lô-môn xây cất. Vào năm 1483, ông Koberger in bản Biblia Germanica (Kinh Thánh bằng tiếng Đức) với một lần in lên tới khoảng 1.500 cuốn, đây là số lượng rất lớn vào thời đó. Bản Kinh Thánh này có hơn 100 hình minh họa được in bằng mộc bản. Những minh họa này tạo sự chú ý của độc giả, làm sáng tỏ nội dung và giúp những ai không biết đọc có thể liên tưởng đến các câu chuyện quen thuộc trong Kinh Thánh. Những hình vẽ ấy cũng tạo nguồn cảm hứng cho các nhà minh họa Kinh Thánh sau này, đặc biệt ở Đức.

Bản Kinh Thánh năm 1483 rất được ưa chuộng, nhưng lại là bản bằng tiếng Đức đầu tiên và cũng là cuối cùng mà ông Koberger xuất bản. Bản này tuy đã được các nhà biên tập của ông chỉnh sửa cho phù hợp với bản Vulgate bằng tiếng La-tinh mà giáo hội công nhận, nhưng vẫn dựa trên một bản dịch bị cấm đoán của phái Valdo, có từ thế kỷ 14 *. Một năm sau, giáo hoàng Innocent VIII ra lệnh tiêu diệt phái Valdo. Sau đó, việc chống đối dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ thông dụng càng gia tăng. Đến ngày 22-3-1485, tổng giám mục Berthold xứ Mainz, Đức, ban sắc lệnh cấm dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức. Năm sau, vào ngày 4 tháng Giêng, ông Berthold khẳng định lại sắc lệnh đó. Trong tình thế nguy hiểm ấy, ông Koberger không dám in Kinh Thánh bằng tiếng Đức nữa.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Anton Koberger đã không uổng phí. Ông là người đi đầu trong việc sử dụng kỹ thuật in ấn mới để xuất bản nhiều loại sách với giá thành rẻ và giúp nhiều người ở châu Âu có sách đọc. Nhờ nỗ lực ấy, mà Kinh Thánh cũng đến với dân thường.

[Chú thích]

^ đ. 11 Xin xem bài “Giáo Phái Waldenses​—Từ dị giáo chuyển sang Tin Lành” trong số Tháp Canh ngày 15-3-2002.

[Các hình nơi trang 26]

Từ trái sang phải: hình in bằng mộc bản mô tả cảnh Đa-ni-ên trong hang sư tử; chữ cái mạ vàng; kiểu chữ sắc nét

[Hình nơi trang 26]

Ông Koberger

[Các hình nơi trang 26]

Hình hoa văn của bản kinh thánh tiếng La-tinh và tiếng Đức do ông Koberger xuất bản, và chú thích câu Sáng-thế Ký 1:1

[Nguồn hình ảnh nơi trang 26]

All Bible photos: Courtesy American Bible Society Library; Koberger: Mit freundlicher Genehmigung des Linotype GmbH