Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người vừa ý Đức Giê-hô-va

Người vừa ý Đức Giê-hô-va

Người vừa ý Đức Giê-hô-va

Điều gì gợi lên trong trí bạn khi nghĩ đến nhân vật Đa-vít trong Kinh Thánh? Có phải chiến thắng của ông trong trận đấu với người khổng lồ xứ Phi-li-tin là Gô-li-át? Sự trốn chạy của ông đến hoang mạc khi vua Sau-lơ muốn giết ông? Tội ngoại tình với Bát-Sê-ba và những hậu quả mà ông phải gánh chịu? Hay những bài thơ mà ông sáng tác dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, được lưu lại trong sách Thi-thiên của Kinh Thánh?

Cuộc đời Đa-vít có nhiều đặc ân, chiến thắng và bi kịch. Tuy nhiên, điều thu hút chúng ta nhất là những gì nhà tiên tri Sa-mu-ên nói về Đa-vít: Ông sẽ là ‘một người rất vừa ý Đức Chúa Trời’.—1 Sa-mu-ên 13:14, Bản Diễn Ý.

Lời Sa-mu-ên tiên tri được ứng nghiệm khi Đa-vít còn là thiếu niên. Chắc bạn cũng muốn được miêu tả là một người vừa ý Đức Giê-hô-va, phải không? Khi xem xét cuộc đời Đa-vít, nhất là hồi trẻ, chúng ta rút ra bài học nào có thể giúp mình trở thành một người như thế? Hãy cùng xem.

Gia đình và nghề nghiệp

Y-sai (cũng gọi là Gie-sê), cha của Đa-vít, cháu nội của Ru-tơ và Bô-ô, rất có thể là người sùng kính Đức Giê-hô-va. Khi Đa-vít, bảy anh trai và hai chị gái của ông còn nhỏ, Y-sai dạy họ về Luật pháp Môi-se. Trong một bài Thi-thiên, Đa-vít nói ông là con trai của “con đòi” của Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 86:16). Vì thế, một số người kết luận rằng mẹ của Đa-vít, không được nêu tên trong Kinh Thánh, cũng ảnh hưởng tốt đến ông về mặt tâm linh. Một học giả nói: “Lần đầu tiên [Đa-vít] nghe những câu chuyện tuyệt vời về cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Ngài trong quá khứ rất có thể là qua lời của bà”, kể cả câu chuyện về Ru-tơ và Bô-ô.

Kinh Thánh giới thiệu về Đa-vít từ khi còn là một em thiếu niên, có nhiệm vụ chăn bầy chiên (cừu) của cha. Hẳn công việc này đòi hỏi Đa-vít phải ở một mình cả ngày lẫn đêm ngoài đồng. Hãy hình dung hoàn cảnh ấy.

Gia đình Đa-vít sống ở Bết-lê-hem, một thành nhỏ nằm trên dãy đồi thuộc vùng đồi xứ Giu-đa. Những cánh đồng có nhiều đá quanh Bết-lê-hem sinh nhiều hoa lợi. Vườn cây ăn quả, ôliu và nho phủ khắp các thung lũng và sườn đồi thoai thoải. Dường như vào thời Đa-vít, vùng đồi cao được dùng làm đồng cỏ. Xa xa là vùng hoang vu của xứ Giu-đa.

Công việc của Đa-vít không kém phần nguy hiểm. Giữa những ngọn đồi này, chàng đã chiến đấu với một con sư tử và con gấu cố tha chiên khỏi bầy *. Chàng trai đầy can đảm này rượt đuổi những con thú săn mồi ấy, giết chúng và cứu chiên từ miệng chúng (1 Sa-mu-ên 17:34-36). Có lẽ cũng trong thời gian này, Đa-vít đã rèn luyện được kỹ năng dùng trành hay dây ném đá. Không xa nhà của chàng là địa phận của chi phái Bên-gia-min. Những lính tinh nhuệ của chi phái này có thể dùng dây để ném đá “trúng một sợi tóc, mà chẳng hề sai trật”. Tài ném đá bằng dây của Đa-vít cũng rất xuất sắc.—Các Quan Xét 20:14-16; 1 Sa-mu-ên 17:49.

Dùng thời gian cách hiệu quả

Nói chung, chăn chiên là một công việc thầm lặng và đơn độc. Tuy nhiên, Đa-vít không để cho mình bị buồn chán. Ngược lại, cảnh yên tĩnh và thanh bình cho chàng nhiều cơ hội để suy ngẫm. Rất có thể một số bài Thi-thiên do Đa-vít viết nói lên những điều mà ông nghĩ đến từ khi còn trẻ. Có phải trong lúc chăn chiên, Đa-vít đã suy ngẫm về vị trí của con người trong vũ trụ và những điều tuyệt vời trên bầu trời như mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, các “công-việc của ngón tay [Đức Giê-hô-va]”? Có phải trên những cánh đồng quanh Bết-lê-hem, chàng trai trẻ này đã trầm tư suy nghĩ về vùng đất màu mỡ, những con gia súc, loài chim và “các thú rừng”?—Thi-thiên 8:3-9; 19:1-6.

Chắc chắn, kinh nghiệm của chính mình trong nghề chăn chiên đã làm Đa-vít cảm nhận sâu sắc hơn về sự quan tâm dịu dàng của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ trung thành của Ngài. Ông hát: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì. Ngài khiến tôi an-nghỉ nơi đồng-cỏ xanh-tươi, dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh... Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào; vì Chúa ở cùng tôi: Cây trượng và cây gậy của Chúa an-ủi tôi”.—Thi-thiên 23:1, 2, 4.

Có lẽ bạn thắc mắc: Những điều này có liên quan gì đến mình? Hãy biết rằng một trong những điều giúp Đa-vít có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và được gọi là ‘một người rất vừa ý Ngài’ là ông suy ngẫm nghiêm túc và sâu sắc về các công việc của Đức Giê-hô-va, cũng như mối quan hệ của ông với Ngài. Bạn cũng như thế không?

Có bao giờ bạn được thúc đẩy để ca ngợi và tôn vinh Đấng Tạo Hóa sau khi xem xét một tạo vật của Ngài? Bạn có từng cảm thấy yêu thương Đức Giê-hô-va vô cùng khi thấy các đức tính của Ngài thể hiện qua những điều Ngài làm cho nhân loại? Dĩ nhiên, để có những cảm xúc như thế về Đức Giê-hô-va, bạn cần cầu nguyện với Ngài, dành ra những lúc yên tĩnh để suy ngẫm Kinh Thánh và sự sáng tạo của Ngài. Sự suy ngẫm như thế có thể giúp bạn biết rõ về Đức Giê-hô-va và từ đó yêu thương Ngài. Ai cũng có đặc ân này, dù già hay trẻ. Đối với Đa-vít, rất có thể ông gần gũi với Đức Giê-hô-va ngay từ thời trẻ. Làm sao chúng ta biết?

Đa-vít được xức dầu

Khi vua Sau-lơ không còn đủ tiêu chuẩn để lãnh đạo dân Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va nói với nhà tiên tri Sa-mu-ên: “Ngươi buồn-rầu về việc Sau-lơ cho đến chừng nào? Ta đã từ-bỏ nó, hầu cho nó không còn làm vua trên Y-sơ-ra-ên nữa. Hãy đổ dầu đầy sừng của ngươi và đi. Ta sẽ sai ngươi đến Y-sai, người Bết-lê-hem; vì trong vòng các con trai người, ta đã chọn một người làm vua”.—1 Sa-mu-ên 16:1.

Khi nhà tiên tri của Đức Chúa Trời đến thành Bết-lê-hem, ông nói Y-sai tập trung các con trai lại. Ai trong số họ được Sa-mu-ên xức dầu để làm vua? Nhìn tướng mạo đẹp trai của người con cả là Ê-li-áp, Sa-mu-ên nghĩ: “Chính là người này”. Nhưng Đức Giê-hô-va nói với ông: “Chớ xem về bộ-dạng và hình-vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”. Cũng vậy, Đức Giê-hô-va không chọn A-bi-na-đáp, Sam-ma và bốn người em khác của họ. Lời tường thuật cho biết thêm: “Sa-mu-ên nói cùng Y-sai rằng: Hết thảy con trai ngươi là đó sao? Y-sai đáp rằng: Hãy còn đứa con út, nhưng nó đi chăn chiên”.—1 Sa-mu-ên 16:7, 11.

Lời đáp của Y-sai như thể muốn nói: “Đa-vít không thể là người mà ông đang kiếm”. Vì là con út và không được xem trọng trong gia đình, Đa-vít được giao việc chăn chiên. Nhưng chàng chính là người Đức Chúa Trời chọn. Đức Giê-hô-va nhìn thấy lòng và hẳn Ngài thấy điều gì đó rất quý trong chàng trai này. Vì thế, khi Y-sai cho gọi Đa-vít về, “Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Ấy là nó; hãy đứng dậy xức dầu cho nó. Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người ở giữa các anh người. Từ ngày đó về sau Thần của Đức Giê-hô-va cảm-động Đa-vít”.—1 Sa-mu-ên 16:12, 13.

Kinh Thánh không cho biết Đa-vít bao nhiêu tuổi khi được xức dầu. Tuy nhiên, một thời gian sau, ba con trai lớn của Y-sai là Ê-li-áp, A-bi-na-đáp và Sam-ma đang phục vụ trong đội quân của Sau-lơ, còn năm người con trai khác thì không vì có lẽ họ chưa đủ 20 tuổi, là tuổi nhập ngũ (Dân-số Ký 1:3; 1 Sa-mu-ên 17:13). Dù gì đi nữa, Đa-vít còn rất trẻ khi Đức Giê-hô-va chọn ông. Thế nhưng, dường như lúc đó ông đã là người quý trọng điều thiêng liêng rồi. Hẳn ông đã có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va nhờ suy ngẫm những gì ông biết về Ngài.

Ngày nay, người trẻ cần được khuyến khích làm thế. Vậy, hỡi các bậc cha mẹ, bạn có đang khuyến khích con cái suy ngẫm về những điều thiêng liêng, quý trọng sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và nghiên cứu những gì Kinh Thánh nói về Đấng Tạo Hóa không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9). Hỡi các bạn trẻ, các bạn có tự giác làm những điều đó không? Các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh như tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! * được biên soạn để giúp các bạn.

Có tài chơi đàn cầm

Như đã thấy ở trên, lời của nhiều bài Thi-thiên Đa-vít sáng tác giúp chúng ta biết thêm về thời ông làm người chăn chiên. Có thể nói rằng nhạc của các bài Thi-thiên cũng thế. Dĩ nhiên, tất cả các bản nhạc đệm cho những bài thánh ca này hiện không còn nữa. Dù vậy, chúng ta biết người sáng tác chúng hẳn là một nhạc sĩ tài ba. Đúng thế, lý do Đa-vít được vua Sau-lơ mời từ đồng cỏ vào cung là vì ông có tài chơi đàn cầm.—1 Sa-mu-ên 16:18-23. *

Đa-vít đã học chơi đàn khi nào và ở đâu? Có lẽ trong những ngày tháng ông chăn chiên ngoài đồng. Không khó để tin rằng ngay từ thời trẻ, Đa-vít đã hát những bài ca cảm động khen ngợi Đức Chúa Trời. Bởi xét cho cùng, chẳng phải Đức Giê-hô-va đã chọn và bổ nhiệm Đa-vít vì ông kính sợ Ngài và quý trọng điều thiêng liêng sao?

Dù bài này không nói về những năm sau đó trong cuộc đời Đa-vít nhưng chúng ta biết suốt đời ông có cùng một tinh thần. Tinh thần ấy được phản ánh trong những lời mà có lẽ nói đến kỷ niệm thời trẻ của ông trên những cánh đồng quanh Bết-lê-hem. Hãy tưởng tượng Đa-vít hát cho Đức Giê-hô-va: “Tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa” (Thi-thiên 143:5). Những lời nhiệt thành trong bài này và những bài Thi-thiên khác của Đa-vít thôi thúc lòng tất cả những ai muốn trở thành người vừa ý Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 9 Một con gấu nâu xứ Sy-ri, trước đây có ở vùng Palestine, nặng trung bình khoảng 140kg, có thể giết một người hay con vật bằng những cái tát mạnh của nó. Trước đây, sư tử có nhiều trong vùng. Sách Ê-sai 31:4 nói rằng thậm chí “bọn chăn chiên” không thể đuổi một “sư-tử con” để nó nhả con mồi.

^ đ. 20 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 22 Cố vấn của vua, người đề cử Đa-vít, cũng nói Đa-vít “ăn nói khôn-ngoan, và mặt mày tốt-đẹp; Đức Giê-hô-va ở cùng người”.—1 Sa-mu-ên 16:18.