Đi đến nội dung

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | GIÓP

‘Tôi không từ bỏ lòng trọn thành!’

‘Tôi không từ bỏ lòng trọn thành!’

Ông ngồi bệt trên đất, khắp mình từ lòng bàn chân đến đỉnh đầu đầy ung nhọt, đầu cúi gằm, vai chùng xuống. Ông thui thủi một mình và hầu như chẳng còn đủ sức để đuổi lũ ruồi bay vo ve quanh mình. Ông ngồi trong đống tro, là biểu hiện của sự than khóc, và chỉ có thể dùng mảnh gốm để gãi. Từ một người được trọng vọng, ông trở nên bị khinh bỉ! Bạn bè, hàng xóm và bà con đều từ bỏ ông. Nhiều người kể cả đứa trẻ cũng chế nhạo ông. Ông nghĩ Đức Giê-hô-va đã chống lại mình, nhưng đó không phải là sự thật.—Gióp 2:8; 19:18, 22.

Ông là Gióp. Đức Chúa Trời nói về ông: “Khắp thế gian chẳng có ai giống như người” (Gióp 1:8). Nhiều thế kỷ sau, ngài vẫn xem ông là một trong những người công chính nhất từng sống.—Ê-xê-chi-ên 14:14, 20.

Bạn có gặp khó khăn và bất hạnh không? Câu chuyện của Gióp có thể an ủi bạn rất nhiều. Câu chuyện này cũng có thể giúp bạn hiểu rõ một đức tính mà mỗi tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cần có, đó là lòng trọn thành. Một người có lòng trọn thành khi yêu thương Đức Giê-hô-va đến mức tiếp tục làm theo ý muốn của ngài bất chấp khó khăn. Hãy để câu chuyện của Gióp giúp chúng ta hiểu thêm về đức tính này.

Điều mà Gióp không biết

Rất có thể một thời gian sau khi Gióp qua đời, người trung thành Môi-se đã kể lại câu chuyện về Gióp. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, Môi-se không chỉ tiết lộ những sự kiện xảy ra trên đất ảnh hưởng đến Gióp mà còn cho biết những gì diễn ra trên trời.

Đầu câu chuyện, chúng ta thấy Gióp có đời sống thỏa nguyện. Ông rất giàu có, được nhiều người biết đến và kính nể tại xứ Út-xơ, có thể là ở phía bắc Ả Rập. Ông rộng rãi giúp đỡ người nghèo khó và bảo vệ người cô thế. Nhờ được ban phước, vợ chồng ông có mười người con. Trên hết, Gióp là người thiêng liêng tính. Ông tha thiết muốn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, giống như những người bà con xa của ông là Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép. Như các tộc trưởng này, Gióp là thầy tế lễ của gia đình. Ông đều đặn dâng vật tế lễ cho các con.—Gióp 1:1-5; 31:16-22.

Nhưng bỗng nhiên tai họa ập đến. Chúng ta được thấy cảnh ở trên trời, là những điều mà Gióp không thể nào biết. Các thiên sứ trung thành của Đức Giê-hô-va đến trình diện ngài và thiên sứ phản nghịch là Sa-tan cũng đến. Vì biết Sa-tan khinh bỉ người trung thành Gióp, nên Đức Giê-hô-va nói chuyện với Sa-tan và nhắc đến lòng trọn thành nổi bật của ông. Sa-tan mạnh miệng đáp: “Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời mà không có lợi gì sao? Chẳng phải ngài đã dựng hàng rào bảo vệ xung quanh người, nhà người và mọi vật thuộc về người sao?”. Sa-tan căm ghét những người giữ lòng trọn thành với Đức Chúa Trời. Khi hết lòng dành cho Đức Giê-hô-va sự sùng kính, họ vạch trần Sa-tan là kẻ phản bội, không có tình yêu thương. Thế nên, Sa-tan khăng khăng cho rằng Gióp phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì động cơ ích kỷ. Hắn quả quyết rằng nếu Gióp mất đi mọi thứ thì ông sẽ phỉ báng thẳng vào mặt ngài!—Gióp 1:6-11.

Gióp không hề biết điều ấy, nhưng Đức Giê-hô-va đã ban cho ông đặc ân lớn là chứng minh Sa-tan hoàn toàn sai. Hắn được phép cướp đi tất cả những gì mà Gióp có, nhưng không được đụng đến ông. Thế nên, Sa-tan nóng lòng thực hiện việc tàn ác. Chỉ trong vòng một ngày, hàng loạt tai họa ập xuống đầu Gióp. Ông nghe tin bầy gia súc của mình gồm bò, lừa và lạc đà bỗng chốc bị cướp, còn cừu thì bị thiêu rụi. Tồi tệ hơn, các tôi tớ chăn bầy gia súc đã bị giết. Gióp được báo cho biết nguyên nhân khiến một nhóm tôi tớ bị chết là do “lửa của Đức Chúa Trời”, có thể là tia chớp. Khi Gióp còn chưa kịp cảm nhận nỗi đau của việc mất mát về người hoặc sự nghèo khó mà ông gặp phải, thì tai họa khủng khiếp nhất ập xuống. Mười người con của ông đang ở trong nhà anh cả của họ thì bất ngờ một cơn cuồng phong xuất hiện, làm căn nhà đổ sập, khiến cho mười người con đều bị thiệt mạng!—Gióp 1:12-19.

Rất khó, hay thậm chí là không thể, để hình dung được cảm xúc của Gióp. Ông xé áo mình, cắt tóc và quỳ sấp mình xuống đất. Gióp kết luận rằng Đức Giê-hô-va lấy đi những gì ngài đã ban cho ông. Sa-tan xảo quyệt làm như thể Đức Chúa Trời gây ra những tai họa này. Tuy nhiên không như hắn phỏng đoán, Gióp không hề phỉ báng Đức Chúa Trời. Thay vì thế, ông nói: “Nguyện danh Đức Giê-hô-va tiếp tục được khen ngợi”.—Gióp 1:20-22.

Gióp không biết Sa-tan phỉ báng ông trước mặt Đức Chúa Trời

‘Chắc chắn người sẽ phỉ báng ngài’

Sa-tan vô cùng tức tối và không bỏ cuộc. Hắn lại đến trình diện Đức Giê-hô-va trong khi các thiên sứ khác cũng có mặt. Một lần nữa Đức Giê-hô-va khen Gióp vì đã giữ lòng trọn thành dù bị Sa-tan tấn công. Hắn vặn vẹo: “Da đền da. Một người sẽ trao mọi thứ mình có vì mạng sống mình. Hãy giơ tay ngài ra và hại đến xương thịt người, chắc chắn người sẽ phỉ báng thẳng vào mặt ngài”. Sa-tan khẳng định nếu Gióp bị bệnh nặng thì ông sẽ phỉ báng Đức Chúa Trời. Vì hoàn toàn tin cậy Gióp nên ngài để cho Sa-tan lấy đi sức khỏe của ông, miễn là hắn không được cướp mạng Gióp.—Gióp 2:1-6.

Chẳng bao lâu, Gióp hứng chịu tai họa như được miêu tả ở đầu bài. Hãy hình dung người vợ tội nghiệp của ông. Bà đã tan nát cõi lòng trước sự ra đi của mười người con. Giờ đây bà lại phải chứng kiến chồng mình chịu một căn bệnh quái ác mà không giúp được gì! Bà đau khổ thốt lên: “Ông vẫn còn kiên quyết giữ lòng trọn thành sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời rồi chết đi!”. Bà nói năng chẳng giống như thường ngày. Gióp chỉ có thể đáp lại rằng vợ mình nói giống như một người rồ dại. Tuy nhiên, ông không phỉ báng Đức Chúa Trời và chẳng hề phạm tội bởi môi miệng mình.—Gióp 2:7-10.

Bạn có biết câu chuyện buồn và có thật này liên quan đến cá nhân bạn không? Hãy lưu ý rằng lời cáo buộc nham hiểm của Sa-tan không chỉ nhắm đến Gióp mà còn nhắm đến nhân loại nói chung. Hắn nói: “Một người sẽ trao mọi thứ mình có vì mạng sống mình”. Nói cách khác, Sa-tan tin rằng không một ai trong chúng ta có thể giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va! Hắn quả quyết rằng bạn không thật sự yêu mến Đức Chúa Trời và sẽ nhanh chóng từ bỏ ngài để bảo toàn mạng sống. Chẳng khác nào Sa-tan nói rằng bạn ích kỷ giống như hắn! Bạn có muốn chứng tỏ là hắn hoàn toàn sai không? Mỗi chúng ta đều có cơ hội làm thế (Châm ngôn 27:11). Giờ đây hãy xem Gióp phải đối mặt với những khó khăn nào nữa.

Những người an ủi tệ hại

Ba người đàn ông được Kinh Thánh gọi là ba người bạn của Gióp sau khi nghe tin về ông thì đến an ủi. Khi thấy Gióp từ đằng xa, họ không thể nhận ra ông. Cơ thể đau nhói và da thì thâm đen, Gióp trông hoàn toàn khác so với trước đây. Ba người bạn là Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha đã giả vờ đau buồn, kêu gào thảm thiết và tung bụi đất lên đầu. Sau đó, họ ngồi gần Gióp và lặng thinh. Họ ngồi đó suốt một tuần cả ngày lẫn đêm, chẳng nói lời nào. Chúng ta không nên lầm tưởng sự im lặng của họ là để an ủi, vì họ không hề hỏi Gióp câu nào và chỉ thấy được điều hiển hiện trước mắt, đó là ông rất đau đớn.—Gióp 2:11-13; 30:30.

Cuối cùng, chính Gióp phải bắt đầu nói với họ. Lời nói của ông cho thấy ông vô cùng đau lòng. Gióp nguyền rủa ngày sinh của mình và tiết lộ nguyên nhân sâu xa khiến ông đau khổ. Ông nghĩ rằng Đức Chúa Trời gây ra các vấn đề của mình! (Gióp 3:1, 2, 23). Dù là người trung thành, Gióp vẫn rất cần sự an ủi. Nhưng khi những người bạn ấy bắt đầu nói thì Gióp nhanh chóng nhận ra rằng thà họ im lặng còn hơn.—Gióp 13:5.

Ê-li-pha, có thể là người lớn tuổi nhất và lớn tuổi hơn nhiều so với Gióp, bắt đầu nói trước. Sau đó, hai người bạn kia cũng nói. Nhìn chung, họ đã nhu nhược khi lý luận giống như Ê-li-pha. Một số điều mà ba người này nói dường như vô hại, vì họ tuôn ra những câu nghe có vẻ đúng, chẳng hạn như Đức Chúa Trời là đấng cao cả, luôn trừng phạt kẻ ác và ban thưởng cho người tốt. Tuy nhiên, ẩn bên trong lời nói của họ là sự thiếu tử tế. Ê-li-pha lý luận một cách nông cạn rằng nếu Đức Chúa Trời là đấng nhân từ và ngài trừng phạt kẻ ác, và rõ ràng Gióp đang bị trừng phạt, vậy thì chẳng phải Gióp là người xấu sao?—Gióp 4:1, 7, 8; 5:3-6.

Chẳng ngạc nhiên gì khi Gióp kịch liệt bác bỏ cách lý luận đó (Gióp 6:25). Nhưng ba người bạn này càng tin chắc rằng Gióp đã phạm lỗi, đang cố giấu tội và đáng phải chịu những điều tồi tệ xảy đến với mình. Ê-li-pha gọi Gióp là kẻ tự phụ, gian ác và bội nghịch (Gióp 15:4, 7-9, 20-24; 22:6-11). Xô-pha bảo Gióp bỏ điều sai trái ra xa và không nên vui thích tội lỗi (Gióp 11:2, 3, 14; 20:5, 12, 13). Còn Binh-đát nói những lời tàn nhẫn nhất. Ông ám chỉ rằng các con trai của Gióp hẳn đã phạm tội gì đó, nên họ đáng phải chết!—Gióp 8:4, 13.

Ba người bạn của Gióp chẳng những không an ủi mà còn khiến ông đau buồn hơn

Trọn thành dù bị công kích!

Ba người đàn ông có suy nghĩ lệch lạc này còn làm một điều tồi tệ hơn. Họ không chỉ nghi ngờ lòng trọn thành của Gióp mà còn nghi ngờ giá trị của việc giữ lòng trọn thành với Đức Chúa Trời! Khi bắt đầu nói, Ê-li-pha đã miêu tả cuộc gặp rùng rợn với một thần linh vô hình. Qua cuộc gặp đó, ông kết luận một cách độc địa là Đức Chúa Trời “chẳng tin tưởng các tôi tớ và thường bắt lỗi các thiên sứ ngài”. Nếu điều này là đúng thì con người chẳng bao giờ có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời! Sau đó, Binh-đát nói rằng Đức Chúa Trời không hề quan tâm đến lòng trọn thành của Gióp, lòng trọn thành ấy chẳng khác nào lòng trọn thành của một con giòi.—Gióp 4:12-18; 15:15; 22:2, 3; 25:4-6.

Có bao giờ bạn cố gắng an ủi một người đang rất đau buồn chưa? Điều đó thật không dễ. Nhưng chúng ta có thể rút ra nhiều bài học từ ba người bạn này của Gióp, chủ yếu là về điều không nên nói. Trong khi nói những lời có vẻ thông thái và hợp lý, nhưng thực chất lại lệch lạc, ba người đàn ông này không hề gọi tên Gióp! Họ không quan tâm tới vết thương lòng của ông và không nghĩ đến việc cần đối xử mềm mại với ông. * Thế nên, nếu một người đang buồn nản, chúng ta hãy cố gắng thể hiện sự nồng ấm, quan tâm và tử tế. Hãy khích lệ và củng cố đức tin của người đó, giúp người đó tin cậy Đức Chúa Trời và tin vào sự nhân từ, thương xót cũng như công lý của ngài. Đó là điều Gióp sẽ làm cho những người bạn này nếu ở vị trí của họ (Gióp 16:4, 5). Nhưng Gióp phản ứng thế nào khi lòng trọn thành của mình bị họ công kích?

Gióp kiên định

Thật đáng thương, Gióp vốn đã nản lòng trước khi cuộc tranh luận này bắt đầu. Từ đầu, ông thừa nhận rằng có lúc mình nói những lời “thiếu suy nghĩ” và “lời của người tuyệt vọng” (Gióp 6:3, 26). Chúng ta có thể hiểu lý do. Lời nói của Gióp phản ánh nỗi đau cùng cực của ông và cũng cho thấy ông có cái nhìn hạn hẹp. Vì các bi kịch xảy đến với ông và gia đình quá đột ngột và có vẻ siêu nhiên, nên Gióp cho rằng Đức Giê-hô-va gây ra những tai họa đó. Gióp không biết những gì đang xảy ra trên trời. Thế nên, ông kết luận dựa trên những lý luận sai lầm.

Tuy nhiên, Gióp có đức tin vững mạnh. Đức tin của ông có thể được thấy rõ qua những gì ông nói trong cuộc tranh luận đó. Những lời ông nói đều chân thật, tốt đẹp và khích lệ chúng ta. Khi nhắc đến kỳ công sáng tạo, ông tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách nói những điều mà không một người phàm nào lúc đó có thể biết. Chẳng hạn, ông nói rằng Đức Giê-hô-va “treo trái đất lơ lửng trong khoảng không” là điều mà nhiều thế kỷ sau khoa học mới khám phá được * (Gióp 26:7). Gióp nói về hy vọng của mình trong tương lai, và đó cũng chính là hy vọng của những người trung thành khác. Ông tin rằng nếu mình qua đời thì Đức Chúa Trời sẽ thương nhớ ông và cuối cùng khôi phục sự sống cho ông.—Gióp 14:13-15; Hê-bơ-rơ 11:17-19, 35.

Nhưng còn vấn đề về lòng trọn thành thì sao? Ê-li-pha và hai người bạn quả quyết rằng Đức Chúa Trời chẳng đếm xỉa đến lòng trọn thành của con người. Gióp có tiếp nhận quan điểm ghê tởm ấy không? Không hề. Ông khẳng định Đức Chúa Trời quan tâm đến lòng trọn thành của con người. Ông tự tin nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài sẽ nhận biết lòng trọn thành tôi” (Gióp 31:6). Ngoài ra, Gióp cũng thấy rõ rằng lý luận sai lầm của những người an ủi giả tạo này đã thật sự công kích lòng trọn thành của ông. Điều này thúc đẩy ông nói nhiều nhất suốt cuộc tranh luận và cuối cùng ba người bạn phải im lặng.

Gióp thấy cần thể hiện lòng trọn thành trong mọi khía cạnh của đời sống. Thế nên, ông bênh vực lối sống và hành động của mình. Chẳng hạn, ông tránh tất cả những hình thức thờ thần tượng. Ông đối xử với người khác một cách tử tế và tôn trọng. Ông giữ thanh sạch về đạo đức, quý trọng hôn nhân. Trên hết, ông giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời thật và duy nhất, đó là Đức Giê-hô-va. Thế nên, Gióp có thể nói với cả tấm lòng: “Cho đến chết, tôi cũng không từ bỏ lòng trọn thành!”.—Gióp 27:5; 31:1, 2, 9-11, 16-18, 26-28.

Gióp nhất định không từ bỏ lòng trọn thành

Hãy noi theo đức tin của Gióp

Bạn có cùng quan điểm với Gióp về lòng trọn thành không? Có lẽ dễ để trả lời là có, nhưng Gióp hiểu rằng lòng trọn thành không chỉ được chứng minh qua lời nói mà còn qua hành động. Chúng ta chứng tỏ mình giữ lòng trọn vẹn với Đức Chúa Trời bằng cách vâng lời ngài và làm điều đúng theo quan điểm của ngài trong đời sống hằng ngày, dù gặp khó khăn. Khi đó giống như Gióp, chắc chắn chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng và khiến kẻ thù của ngài là Sa-tan bực tức. Đây quả là cách tốt nhất để noi theo đức tin của Gióp!

Nhưng câu chuyện của Gióp vẫn chưa kết thúc! Ông không có quan điểm thăng bằng, và quá tập trung chứng minh sự công chính của mình đến mức quên mất việc bênh vực cho Đức Chúa Trời. Ông cần được sửa trị và giúp đỡ về thiêng liêng. Hơn nữa, Gióp vẫn phải chịu sự đau đớn cùng cực về cả thể chất lẫn tinh thần và cần được an ủi. Đức Giê-hô-va làm gì cho người đàn ông có lòng trọn thành này? Bài khác trong loạt bài này sẽ giải đáp câu hỏi ấy.

^ đ. 17 Điều kỳ lạ là Ê-li-pha lại nghĩ rằng ông và hai người bạn kia nói lời êm dịu với Gióp, có lẽ bởi vì họ đã không nói lớn tiếng (Gióp 15:11). Nhưng ngay cả nói với giọng nhẹ nhàng cũng có thể cay nghiệt và châm chích.

^ đ. 19 Như được biết cho đến nay, khoảng 3.000 năm sau các nhà khoa học mới chấp nhận quan điểm là trái đất không cần phải nằm trên bất cứ vật hoặc chất nào. Chỉ khi người ta chụp được các bức ảnh trái đất từ không gian, nhân loại nói chung mới thấy bằng chứng thuyết phục cho điều mà Gióp nói.