Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao đối phó với sự lo lắng?

Làm sao đối phó với sự lo lắng?

 Điều gì khiến bạn lo lắng?

 Bạn có bao giờ cảm thấy như những lời phát biểu sau đây không?

 “Tôi luôn nghĩ: ‘Nếu...?’ ‘Nếu mình bị tai nạn xe cộ thì sao?’ ‘Nếu mình đi máy bay mà bị rơi thì sao?’. Tôi cứ lo lắng về những điều mà người sáng suốt hơn thường ít khi lo nghĩ”.​—Charles.

 “Lúc nào tôi cũng có chuyện để lo lắng, như con chuột chạy mãi trên bánh xe nhưng chẳng đi đến đâu. Tôi làm việc đến kiệt sức mà thành quả thì chẳng được bao nhiêu!”.​—Anna.

 “Khi có người nói em thật may mắn vì còn được đi học, em thường tự nhủ: ‘Họ chẳng biết học hành căng thẳng thế nào đâu!’”.​—Daniel.

 “Em giống như một nồi áp suất, lúc nào cũng lo lắng về điều sắp xảy ra và điều kế tiếp mình phải làm”.​—Laura.

 Sự thật: Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà Kinh Thánh gọi là “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu (2 Ti-mô-thê 3:1). Vì thế, người trẻ có thể phải chịu nhiều lo lắng không kém gì người lớn.

 Phải chăng mọi lo lắng đều có hại?

 Câu trả lời là không. Thật ra, Kinh Thánh nói rằng lo lắng để làm vui lòng người thân là điều tốt.​—1 Cô-rinh-tô 7:​32-34; 2 Cô-rinh-tô 11:28.

 Ngoài ra, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng sự lo lắng có thể là một động lực mạnh mẽ. Thí dụ, nếu tuần tới bạn có bài kiểm tra ở trường, sự lo lắng có thể thúc đẩy bạn chuẩn bị từ tuần này,nhờ thế có cơ hội đạt điểm tốt hơn!

 Sự lo lắng cũng giúp bạn cảnh giác trước những nguy hiểm. Một bạn trẻ tên Serena nói: “Khi biết mình làm sai, bạn có thể cảm thấy lo lắng và nhận ra mình cần sửa đổi để lương tâm không bị cắn rứt”.​—So sánh Gia-cơ 5:14.

 Sự thật: Sự lo lắng có thể giúp ích cho bạn nếu nó thúc đẩy bạn hành động đúng.

 Nhưng nếu sự lo lắng khiến bạn rơi vào mê cung của những suy nghĩ tiêu cực thì sao?

Sự lo lắng có thể khiến bạn như bị rơi vào mê cung, nhưng một người có cách nhìn khác có thể giúp bạn thoát ra

 Thí dụ: Richard, 19 tuổi, nói: “Em vô cùng lo lắng khi nghĩ đến các tình huống tồi tệ có thể xảy ra. Những tình huống đó cứ lặp đi lặp lại trong trí cho đến khi đầu óc em rối cả lên”.

 Kinh Thánh nói: “Lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể” (Châm-ngôn 14:30). Trái lại, sự lo lắng có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa và tim đập nhanh.

 Bạn nên làm gì nếu sự lo lắng không còn giúp ích cho bạn mà trở nên có hại?

 Điều bạn có thể làm

  •   Hãy xét xem sự lo lắng của bạn có hợp lý không. Bạn Katherine nói: “Chú tâm đến trách nhiệm của mình là một chuyện, nhưng quá lo lắng lại là chuyện khác. Điều này khiến tôi nhớ đến câu nói: “Sự lo lắng giống như chiếc ghế đu. Nó khiến bạn chuyển động nhưng chẳng đưa bạn đến đâu”.

     Kinh Thánh nói: “Có ai trong anh em lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không?”.​—Ma-thi-ơ 6:27.

     Điều này có nghĩa gì? Nếu sự lo lắng không giúp bạn tìm được giải pháp, nó sẽ khiến vấn đề của bạn tồi tệ hơn hoặc tạo thêm vấn đề khác cho bạn.

  •   Lo việc từng ngày. Bạn Anthony khuyên: “Hãy suy xét kỹ. Điều bạn đang lo lắng có phải là vấn đề của ngày mai? Tháng tới? Năm tới? Hay năm năm nữa không?”.

     Kinh Thánh nói: “Chớ lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có điều lo lắng của ngày mai. Ngày nào có đủ nỗi khổ của ngày đó”.​—Ma-thi-ơ 6:34.

     Điều này có nghĩa gì? Lo nghĩ những vấn đề của ngày mai chẳng được ích gì vì có những vấn đề có thể không bao giờ xảy ra.

  •   Tập chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi. Robert nhận xét: “Điều tốt nhất bạn có thể làm là chuẩn bị hết sức để đối phó với tình huống có thể xảy ra, và chấp nhận thực tế là có những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình”.

     Kinh Thánh nói: “Kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, . . . và người khôn-khéo chẳng được ơn; vì thời-thế và cơ-hội xảy đến cho mọi người”.​—Truyền-đạo 9:11.

     Điều này có nghĩa gì? Đôi khi bạn không thể thay đổi hoàn cảnh nhưng có thể thay đổi cách suy nghĩ về hoàn cảnh đó.

  •   Đánh giá đúng hoàn cảnh của bạn. Alexis cho biết: “Tôi nhận ra là mình phải nhìn tổng thể bức tranh thay vì lo lắng về những chi tiết trong đó. Tôi phải quyết định điều gì quan trọng hơn và dành năng lực để lo những việc đó”.

     Kinh Thánh nói: ‘Hãy nhận biết những điều quan trọng hơn’.​—Phi-líp 1:​10.

     Điều này có nghĩa gì? Người đánh giá đúng vấn đề của mình sẽ ít khi trở nên quá lo lắng.

  •   Tìm người tâm sự. Em Marilyn kể: “Hồi lớp sáu mỗi khi đi học về, em rất lo lắng và sợ hãi khi nghĩ đến ngày hôm sau. Cha mẹ thường lắng nghe em bộc bạch. Thật tốt vì em luôn có cha mẹ bên cạnh. Em có thể tin tưởng và thoải mái giãi bày với họ. Điều đó giúp em vượt qua nỗi sợ hãi ngày hôm sau”.

     Kinh Thánh nói: “Mối lo lắng trong lòng khiến con người suy sụp, nhưng những lời tử tế làm cho họ hân hoan”.​—Châm-ngôn 12:25, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

     Điều này có nghĩa gì? Cha mẹ hoặc bạn bè có thể cho những lời khuyên thiết thực giúp bạn bớt lo lắng.

  •   Cầu nguyện. Laura tâm sự: “Cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện lớn tiếng, giúp tôi rất nhiều. Khi làm thế, tôi có thể nói lên những lo lắng thay vì giữ ở trong lòng. Điều này cũng giúp tôi nhận ra Đức Giê-hô-va lớn hơn nỗi lo âu của mình”.

     Kinh Thánh nói: “Hãy trao hết mọi lo lắng cho ngài, vì ngài quan tâm đến anh em”.​—1 Phi-e-rơ 5:7.

     Điều này có nghĩa gì? Cầu nguyện không chỉ là một liệu pháp tinh thần, mà thật sự là cuộc trò chuyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đấng đã hứa: “Chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.​—Ê-sai 41:10.