Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Mình nên có thái độ nào về lời phê bình tích cực?

Mình nên có thái độ nào về lời phê bình tích cực?

 Tự xét mình

 Ai trong chúng ta cũng có lúc cần lời phê bình tích cực, tức những lời khuyên giúp mình cải thiện công việc hoặc thái độ. Ghi nhớ điều này, hãy xem xét những tình huống sau.

  1.   Giáo viên nói rằng có vẻ như dự án học tập vừa rồi bạn làm hơi ẩu. Thầy bảo: “Em nên đầu tư thêm thời gian nghiên cứu về đề tài này”.

     Bạn phản ứng thế nào trước lời phê bình tích cực này?

    1.   Bác bỏ. (“Thầy không thích mình”).

    2.   Chấp nhận. (“Mình sẽ làm theo lời thầy lần sau”).

  2.   Mẹ bạn nói rằng phòng bạn quá bừa bộn, dù bạn vừa mới dọn dẹp xong.

     Bạn phản ứng thế nào trước lời phê bình tích cực này?

    1.   Bác bỏ. (“Chẳng bao giờ mẹ hài lòng”).

    2.   Chấp nhận. (“Mình thừa nhận là mình có thể dọn dẹp kỹ hơn”).

  3.   Em gái bạn nói rằng em ấy không thích thái độ hống hách của bạn.

     Bạn phản ứng thế nào trước lời phê bình tích cực này?

    1.   Bác bỏ. (“Nó là ai mà dám nói mình hống hách?”).

    2.   Chấp nhận. (“Mình có thể đối xử tử tế hơn với em ấy”).

 Một vài người trẻ được biết đến là người mong manh dễ vỡ, đến độ họ suy sụp khi nghe một lời phê bình nhỏ xíu. Bạn có phải là người như vậy? Nếu thế, bạn đang bỏ lỡ nhiều cơ hội! Tại sao? Vì học cách chấp nhận lời phê bình tích cực là một kỹ năng quan trọng có thể giúp bạn rất nhiều ngay bây giờ và khi trưởng thành.

Đừng bỏ lỡ những gì bạn cần nghe, chỉ vì bạn không muốn nghe.

 Tại sao mình cần lời phê bình tích cực?

  •   Vì bạn không hoàn hảo. Kinh Thánh nói: “Hết thảy chúng ta đều mắc lỗi” (Gia-cơ 3:2, chú thích). Do đó, ai cũng cần những lời góp ý xây dựng.

     “Mình cố gắng nhớ là không ai hoàn hảo và việc mắc lỗi là một phần của cuộc sống. Vì vậy, khi được người khác sửa sai, mình cố gắng lắng nghe và tránh lặp lại lỗi ấy”.—David.

  •   Vì bạn có thể làm tốt hơn. Kinh Thánh nói: “Hãy chia sẻ với người khôn ngoan, người sẽ nên khôn ngoan hơn” (Châm ngôn 9:9). Bạn có thể nhận lợi ích từ một lời góp ý xây dựng nếu bạn chịu lắng nghe.

     “Mình từng có quan điểm sai về những lời phê bình. Mình nghĩ những lời ấy làm xấu đi hình ảnh của mình. Nhưng giờ đây, mình lắng nghe và thậm chí còn xin người khác cho mình lời khuyên. Mình muốn biết làm sao để tiến bộ hơn”.—Selena.

 Đúng là chủ động xin người khác cho lời khuyên là một chuyện. Nhưng nếu không xin mà vẫn được cho lời khuyên lại là chuyện khác. Nhớ lại việc bất ngờ nhận được một tấm thiệp chứa đựng những lời khuyên, Natalie chia sẻ: “Mình bị sốc và cảm thấy nản lòng. Mình đã rất cố gắng, vậy mà những gì mình nhận được chỉ là lời khuyên”.

 Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống đó chưa? Nếu có, bạn phản ứng thế nào?

 Làm sao để chấp nhận lời phê bình tích cực?

  •   Lắng nghe.

     Kinh Thánh nói: “Người có hiểu biết kìm giữ lời nói, và người thông sáng sẽ giữ bình tĩnh” (Châm ngôn 17:27). Đừng cắt ngang khi người khác đang nói với bạn. Cũng đừng trả lời hấp tấp và nói những điều mà bạn sẽ hối tiếc sau này!

     “Khi bị phê bình, mình thường có khuynh hướng bào chữa. Đáng lẽ ra mình nên học từ những lời khuyên ấy và làm tốt hơn”.—Sara.

  •   Tập trung vào lời phê bình, thay vì người phê bình.

     Có lẽ bạn dễ chỉ ra những khuyết điểm của người cho lời phê bình. Nhưng sẽ tốt hơn nếu làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh là “mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận” (Gia-cơ 1:19). Thường thì lời phê bình có phần nào đó đúng. Đừng bỏ lỡ những gì bạn cần nghe, chỉ vì bạn không muốn nghe.

     “Trước kia khi bị ba mẹ sửa sai, mình thường hay bực bội và nói: ‘Con biết rồi’. Nhưng khi mình thật sự lắng nghe và làm theo lời khuyên của ba mẹ thì kết quả tốt hơn nhiều”.—Edward.

  •   Giữ quan điểm thăng bằng về bản thân.

     Nhận lời phê bình tích cực không có nghĩa bạn là kẻ thất bại. Chỉ đơn giản là bạn cũng có khuyết điểm, như bao người khác. Ngay cả người cho bạn lời phê bình đôi lúc cũng cần được phê bình. Kinh Thánh nói: “Chẳng có người công chính nào trên đất luôn làm điều tốt”.​—Truyền đạo 7:20.

     “Một người bạn cho mình lời phê bình mà mình nghĩ là không cần. Mình nói cám ơn bạn ấy đã thành thật nhưng mình bị tổn thương. Rồi với thời gian, mình nhận ra là lời phê bình đó cũng có phần đúng. Nhờ lời phê bình ấy mà mình nhận ra điều cần thay đổi, là điều mà lẽ ra mình đã bỏ qua”.—Sophia.

  •   Đặt mục tiêu để cải thiện bản thân.

     Kinh Thánh cho biết: “Người khôn khéo tiếp nhận sự sửa trị” (Châm ngôn 15:5). Khi chấp nhận lời phê bình, bạn dễ bỏ qua cảm xúc bị tổn thương và chú tâm cải thiện những điểm mình còn thiếu. Hãy lên kế hoạch để cải thiện và theo dõi mức độ tiến bộ của mình trong vài tháng tới.

     “Việc chấp nhận lời phê bình đi đôi với sự thành thật, vì bạn cần thành thật với bản thân để thừa nhận lỗi lầm của mình, xin lỗi và học cách để cải thiện bản thân”.—Emma.

 Điểm chính yếu: Kinh Thánh nói: “Sắt mài giũa sắt, bạn rèn giũa bạn” (Châm ngôn 27:17). Lời phê bình tích cực là công cụ có thể rèn giũa bạn, ngay bây giờ và khi bạn trưởng thành.