Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va và được ban phước

Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va và được ban phước

“Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, bởi ngài thật tốt”.THI 106:1, NW.

1. Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta cảm tạ?

Đức Giê-hô-va, đấng ban cho “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo”, rất xứng đáng để chúng ta cảm tạ (Gia 1:17). Là Đấng Chăn Chiên yêu thương, ngài dịu dàng chăm lo mọi nhu cầu thể chất và thiêng liêng cho chúng ta (Thi 23:1-3). Ngài chứng tỏ là ‘nơi nương-náu và sức-lực của chúng ta’, đặc biệt trong lúc gian truân (Thi 46:1). Chúng ta hẳn có nhiều lý do để hoàn toàn đồng ý với người viết Thi-thiên: “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, bởi ngài thật tốt, bởi lòng yêu thương thành tín ngài còn đến mãi mãi”.—Thi 106:1, NW.

Câu Kinh Thánh của năm 2015: “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, bởi ngài thật tốt”.—Thi-thiên 106:1, NW

2, 3. (a) Khi xem thường ân phước mình có, chúng ta rơi vào tình trạng nguy hiểm nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

2 Tại sao xem xét việc cảm tạ là điều quan trọng? Như đã báo trước, trong những ngày sau cùng, người ta sẽ càng lúc càng vô ơn (2 Ti 3:2). Nhiều người xem thường những ân phước họ có. Do bị ảnh hưởng bởi thế giới thương mại và các quảng cáo của nó, hàng triệu người phấn đấu để có thêm nhiều thứ thay vì bằng lòng với những điều mình có. Chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần vô ơn. Như dân Y-sơ-ra-ên xưa, chúng ta có thể trở nên vô ơn, không còn quý trọng mối quan hệ vô giá với Đức Giê-hô-va và các ân phước đến từ ngài.—Thi 106:7, 11-13.

3 Ngoài ra, hãy xem chuyện gì có thể xảy đến khi chúng ta trải qua thử thách cam go. Vào những lúc ấy, có lẽ chúng ta dễ bị choáng ngợp và không nhận ra các ân phước mình nhận được (Thi 116:3). Vậy, làm sao chúng ta có thể vun trồng và duy trì lòng biết ơn? Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ thái độ tích cực dù đang trải qua thử thách trầm trọng? Chúng ta hãy xem.

‘HỠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, CÔNG-VIỆC LẠ-LÙNG CHÚA ĐÃ LÀM THẬT LÀ NHIỀU’

4. Làm thế nào chúng ta có thể duy trì lòng biết ơn?

4 Để vun trồng và duy trì lòng biết ơn, chúng ta phải nhận biết và suy ngẫm với lòng quý trọng về các ân phước đến từ Đức Giê-hô-va, đồng thời xem xét kỹ những hành động nhân từ của ngài. Khi làm thế, người viết Thi-thiên đã rất kinh ngạc trước các công việc tuyệt diệu mà Đức Giê-hô-va thực hiện.—Đọc Thi-thiên 40:5; 107:43.

5. Chúng ta có thể học được gì từ sứ đồ Phao-lô về việc vun trồng lòng biết ơn?

5 Chúng ta có thể học nhiều điều từ sứ đồ Phao-lô về việc vun trồng lòng biết ơn. Hẳn Phao-lô đã suy ngẫm về các ân phước của mình vì ông thường nói lên những lời cảm tạ chân thành. Phao-lô biết rõ mình từng là “kẻ phạm thượng, bắt bớ và xấc xược”. Dù ông từng làm điều tội lỗi trong quá khứ, nhưng Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô đã thương xót và giao chức vụ thánh cho ông. Thế nên, ông đã cảm tạ Đức Chúa Trời. (Đọc 1 Ti-mô-thê 1:12-14). Phao-lô cũng hết lòng quý trọng anh em đồng đạo và thường cảm tạ Đức Giê-hô-va về các phẩm chất tốt đẹp cùng công việc phụng sự trung thành của họ (Phi-líp 1:3-5, 7; 1 Tê 1:2, 3). Khi đương đầu với hoàn cảnh khó khăn, Phao-lô không chần chừ cảm tạ Đức Giê-hô-va về sự hỗ trợ kịp thời mà ông nhận được từ anh em đồng đạo (Công 28:15; 2 Cô 7:5-7). Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những lời Phao-lô viết khuyến khích các tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hãy tỏ lòng biết ơn... khích lệ nhau bằng những bài thơ thánh, lời chúc tụng Đức Chúa Trời và những bài thánh ca được hát với lòng biết ơn”.—Cô 3:15-17.

SUY NGẪM VÀ CẦU NGUYỆN—ĐIỀU THIẾT YẾU ĐỂ DUY TRÌ LÒNG BIẾT ƠN

6. Bạn đặc biệt biết ơn Đức Giê-hô-va về điều gì?

6 Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Phao-lô trong việc vun trồng và bày tỏ lòng biết ơn? Như Phao-lô, chúng ta cần suy ngẫm về những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho chính mình (Thi 116:12). Nếu có người hỏi: “Anh/Chị biết ơn Đức Giê-hô-va về những ân phước nào?”, bạn sẽ trả lời ra sao? Bạn có kể đến mối quan hệ quý giá của mình với Đức Giê-hô-va không? Hoặc có kể đến sự tha thứ mình nhận được nhờ đặt đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô không? Bạn sẽ kể tên những anh chị đã ở bên cạnh khi bạn gặp thử thách cam go không? Dĩ nhiên, bạn cũng sẽ nhắc đến người hôn phối yêu dấu hoặc con cái quý báu của mình. Khi dành thời gian suy ngẫm về những ân phước tốt đẹp đến từ Đức Giê-hô-va là Cha yêu thương, lòng bạn sẽ tràn đầy sự biết ơn và được thôi thúc để nói lời cảm tạ mỗi ngày.—Đọc Thi-thiên 44:8.

7. (a) Tại sao chúng ta nên dâng lời cảm tạ khi cầu nguyện? (b) Khi nói lên lòng biết ơn trong lời cầu nguyện, bạn sẽ nhận được lợi ích gì?

7 Khi lòng và trí xác định rõ các ân phước, chúng ta sẵn sàng để cầu nguyện và cảm tạ Đức Giê-hô-va (Thi 95:2; 100:4, 5). Nhiều người xem việc cầu nguyện chỉ là cách để xin Đức Chúa Trời ban điều này điều nọ. Tuy nhiên, chúng ta biết Đức Giê-hô-va vui lòng khi chúng ta dâng lời cảm tạ về những gì mình có. Kinh Thánh ghi lại nhiều lời cầu nguyện ấm lòng về việc cảm tạ, trong đó có lời cầu nguyện của An-ne và Ê-xê-chia (1 Sa 2:1-10; Ê-sai 38:9-20). Vì thế, hãy noi theo các tôi tớ trung thành đã thể hiện tinh thần biết ơn. Phải, khi cầu nguyện, hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va về những ân phước mà bạn có (1 Tê 5:17, 18). Làm thế mang lại nhiều lợi ích. Bạn sẽ được lên tinh thần, càng yêu mến Đức Giê-hô-va và đến gần ngài hơn.—Gia 4:8.

Bạn biết ơn Đức Giê-hô-va về những ân phước nào? (Xem đoạn 6, 7)

8. Điều gì có thể khiến chúng ta không còn quý trọng mọi việc Đức Giê-hô-va đã làm cho mình?

8 Tại sao chúng ta nên tiếp tục cảnh giác để tránh nguy cơ mất đi lòng biết ơn về điều tốt lành của Đức Giê-hô-va? Vì chúng ta bị di truyền khuynh hướng vô ơn. Hãy nghĩ xem: Tổ phụ đầu tiên của chúng ta là A-đam và Ê-va đã được sống trong vườn địa đàng. Họ được đáp ứng mọi nhu cầu và có triển vọng sống mãi mãi trong sự bình an (Sáng 1:28). Nhưng họ đã không biết quý các ân phước, mà còn tham lam và thèm muốn hơn thế nữa. Kết quả là họ đánh mất tất cả (Sáng 3:6, 7, 17-19). Ngoài ra, sống trong thế giới vô ơn, chúng ta cũng có thể bắt đầu không còn nhận ra mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm cho mình. Chúng ta có thể xem thường tình bạn với ngài và không còn quý trọng đặc ân thuộc về đoàn thể anh em quốc tế. Chúng ta có thể mê mẩn những thứ thuộc về thế gian sắp qua đi (1 Giăng 2:15-17). Để tránh tình trạng xuống dốc như thế, chúng ta muốn suy ngẫm về ân phước mình có và thường xuyên cảm tạ Đức Giê-hô-va về đặc ân làm dân ngài.—Đọc Thi-thiên 27:4.

KHI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỬ THÁCH

9. Khi đương đầu với các thử thách gây đau khổ, tại sao chúng ta nên suy ngẫm về những ân phước của mình?

9 Lòng biết ơn có thể giúp chúng ta đương đầu với các thử thách gây đau khổ. Chúng ta có thể thấy rối bời khi bất ngờ đối mặt với những hoàn cảnh làm thay đổi đời sống, chẳng hạn việc người hôn phối không chung thủy, căn bệnh đe dọa đến tính mạng, người thân qua đời hoặc hậu quả nặng nề từ thảm họa thiên nhiên. Vào những lúc ấy, chúng ta sẽ được an ủi và vững mạnh khi suy ngẫm về các ân phước của mình. Hãy xem những kinh nghiệm có thật sau đây.

10. Một chị nhận được lợi ích thế nào khi tập trung vào các ân phước?

10 Chị Irina *, là một tiên phong đều đều ở Bắc Mỹ, có chồng là trưởng lão. Nhưng anh ta không chung thủy với chị, rồi bỏ rơi chị và các con. Điều gì đã giúp chị tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va? Chị tâm sự: “Tôi biết ơn vì chính Đức Giê-hô-va chăm sóc cá nhân tôi. Tôi đã chọn tập trung vào các ân phước tôi có mỗi ngày. Nhờ thế, tôi có thể nhận ra rằng quả là một đặc ân khi được Cha trên trời, đấng bảo vệ chúng ta, biết đến và yêu thương. Tôi biết ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi”. Dù chị trải qua nhiều bi kịch trong đời sống, nhưng tinh thần vui vẻ tiếp tục nâng đỡ chị, và chị là một nguồn khích lệ cho người khác.

11. Điều gì đã giúp một chị đối phó với căn bệnh đe dọa đến tính mạng?

11 Chị Kyung-sook sống ở châu Á và đã làm tiên phong với chồng hơn 20 năm. Bất ngờ bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối và còn sống được ba đến sáu tháng. Trước đây, dù phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn nhỏ, hai vợ chồng chị luôn tự tin về sức khỏe của mình. Nhưng nay chị nói: “Căn bệnh ấy đã ảnh hưởng nặng nề đến tôi. Tôi cảm thấy mình đã mất tất cả và rất sợ hãi”. Điều gì đã giúp chị đương đầu với thử thách? Chị tâm sự: “Mỗi tối trước khi ngủ, tôi lên sân thượng và cầu nguyện lớn tiếng về năm điều mà tôi biết ơn trong ngày đó. Rồi tôi cảm thấy vững tâm và được thôi thúc nói lên tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va”. Chị được lợi ích thế nào từ những lời cầu nguyện hằng đêm ấy? Chị cho biết: “Tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng tôi vượt qua những lúc khó khăn, và chúng tôi có nhiều ân phước trong đời sống hơn là thử thách”.

Với em trai sống sót là John (Xem đoạn 13)

12. Sau khi vợ qua đời, làm thế nào một anh tìm được sự an ủi?

12 Anh Jason hiện phục vụ tại văn phòng chi nhánh châu Phi và đã phụng sự trọn thời gian hơn 30 năm. Anh kể lại: “Vợ tôi đã qua đời bảy năm trước, và nỗi đau ấy đôi lúc lấn át lòng tôi. Khi nghĩ hoài về điều vợ tôi phải trải qua trong lúc chống chọi với bệnh ung thư, tôi rất chán nản”. Điều gì đã giúp anh đương đầu với thử thách? Anh cho biết: “Lần nọ, tôi nhớ lại một dịp vui vẻ mà hai vợ chồng ở bên nhau. Tôi đã cầu nguyện cảm ơn Đức Giê-hô-va về kỷ niệm ấy, và cảm thấy nhẹ nhõm. Sau đó, tôi bắt đầu thường xuyên cảm tạ Đức Giê-hô-va về những kỷ niệm đẹp giống như vậy. Lòng biết ơn đã thay đổi quan điểm của tôi rất nhiều. Dù nỗi đau mất vợ vẫn còn đó, nhưng tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về cuộc hôn nhân hạnh phúc và đặc ân phụng sự ngài cùng một người yêu thương ngài sâu đậm. Điều đó đã giúp tôi có quan điểm tích cực hơn”.

“Em rất biết ơn vì Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình”.—Em Sheryl

13. Điều gì đã giúp một em đối phó với việc gần như mất hết gia đình?

13 Khi siêu bão Haiyan quét qua miền trung Philippines vào cuối năm 2013, em Sheryl, lúc đó chỉ 13 tuổi, đã mất gần như tất cả. Em cho biết: “Em mất nhà cửa và gần như mất hết gia đình”. Cha mẹ cùng ba anh chị em của em ấy đã chết trong trận bão dữ dội. Điều gì đã giúp em chịu đựng được bi kịch mà không cay đắng? Đó là nhờ lòng biết ơn và tiếp tục suy ngẫm về những ân phước em vẫn có. Em nói: “Em nhìn thấy mọi điều mà các anh chị đồng đạo đã làm để cứu trợ và khích lệ những người cần giúp đỡ. Em cũng biết rằng các anh chị trên thế giới đang cầu nguyện cho mình”. Em nói thêm: “Em rất biết ơn vì Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình. Ngài luôn ban cho những thứ chúng ta cần”. Thật vậy, suy ngẫm về các ân phước của mình là phương thuốc hiệu nghiệm để tránh bị chìm trong nỗi đau. Lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta chịu đựng bất cứ chuyện đau buồn nào mình có thể phải đối phó.—Ê-phê 5:20; đọc Phi-líp 4:6, 7.

“TÔI SẼ VUI-MỪNG TRONG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

14. Viễn cảnh hào hứng nào đang chờ đón chúng ta? (Xem hình nơi đầu bài).

14 Suốt lịch sử, dân Đức Giê-hô-va đã vui mừng trong ân phước họ nhận được. Chẳng hạn, sau khi được giải cứu khỏi Pha-ra-ôn và đạo quân của vua ấy tại Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên đã thể hiện niềm vui trong những bài ca ngợi khen và cảm tạ (Xuất 15:1-21). Ngày nay, một trong những ân phước quý giá nhất của chúng ta là hy vọng chắc chắn được giải thoát khỏi mọi điều gây đau đớn và khổ sở (Thi 37:9-11; Ê-sai 25:8; 33:24). Hãy hình dung chúng ta sẽ cảm thấy ra sao khi Đức Giê-hô-va giày đạp mọi kẻ thù của ngài và chào đón chúng ta vào thế giới mới bình an và công chính. Đó quả là ngày để cảm tạ Đức Giê-hô-va!—Khải 20:1-3; 21:3, 4.

15. Bạn quyết tâm làm gì trong suốt năm 2015?

15 Trong năm 2015, chúng ta trông mong nhận được vô vàn ân phước thiêng liêng từ Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể phải trải qua một số thử thách. Dù chuyện gì xảy đến chăng nữa, chúng ta biết Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ từ bỏ mình (Phục 31:8; Thi 9:9, 10). Ngài sẽ tiếp tục cung cấp mọi thứ chúng ta cần để trung thành phụng sự ngài. Vậy, mong sao chúng ta quyết tâm duy trì tinh thần như nhà tiên tri Ha-ba-cúc, ông nói: “Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; cây ô-li-ve không sanh-sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ-ăn; bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. Dầu vậy, tôi sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi tôi” (Ha 3:17, 18). Thật vậy, trong suốt năm nay, mong sao chúng ta vui mừng suy ngẫm về các ân phước mình có và được thôi thúc để làm theo lời khuyên nơi câu Kinh Thánh của năm 2015: “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, bởi ngài thật tốt”.—Thi 106:1, NW.

^ đ. 10 Một số tên trong bài đã được thay đổi.