Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Câu hỏi 3: Tại sao Đức Chúa Trời để đau khổ?

Câu hỏi 3: Tại sao Đức Chúa Trời để đau khổ?

Cha của anh Ian là người nghiện rượu. Dù được nuôi dưỡng đầy đủ về vật chất nhưng anh thiếu thốn tình cảm mà anh khao khát nơi cha mình. Anh cho biết: “Tôi không yêu thương ông ấy nhiều, lý do chính là vì ông nghiện ngập và vì cách ông đối xử với mẹ tôi”. Khi lớn lên, anh Ian bắt đầu nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Anh lý luận: “Nếu Đức Chúa Trời thật sự hiện hữu, tại sao ngài để cho người ta chịu đau khổ?”.

Tại sao nên đặt câu hỏi ấy?

Dù cuộc sống bạn tương đối ít có vấn đề, ý thức về công lý có thể khiến bạn nổi giận khi thấy người vô tội chịu đau khổ. Tuy nhiên, thắc mắc về sự đau khổ trở nên rất quan trọng nếu bạn, giống như Ian, trải qua sự khó khăn hoặc một người thân yêu bị bệnh hay qua đời.

Một số người trả lời thế nào?

Một số người tin rằng Đức Chúa Trời để cho sự đau khổ xảy ra để thử thách và giúp chúng ta thành người khiêm nhường, có lòng trắc ẩn. Những người khác thì cho rằng người ta đau khổ trong đời sống này vì tội lỗi họ đã phạm trong kiếp trước.

Những câu trả lời này hàm ý gì?

Đức Chúa Trời dửng dưng trước sự đau khổ của con người nên chúng ta khó yêu thương ngài. Đức Chúa Trời độc ác.

Kinh Thánh dạy gì?

Kinh Thánh nói rõ Đức Chúa Trời không có lỗi về những đau khổ của con người: “Khi gặp thử thách, chớ có ai nói: ‘Đức Chúa Trời thử thách tôi’. Vì Đức Chúa Trời không thể bị thử thách bởi điều ác nào, và chính ngài cũng không dùng điều ác để thử thách ai” (Gia-cơ 1:13). Thật vậy, quan niệm cho rằng chính Đức Chúa Trời có lỗi về sự đau khổ là không phù hợp với những gì Kinh Thánh cho biết về các đức tính của ngài. Tại sao thế?

Một trong những đức tính chính của Đức Chúa Trời là yêu thương (1 Giăng 4:8). Để nhấn mạnh điểm này, Kinh Thánh miêu tả Đức Chúa Trời có cảm xúc như một người mẹ nuôi con thơ. Đức Chúa Trời hỏi: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15). Bạn có thể nào hình dung việc một người mẹ yêu thương lại cố ý làm hại con mình? Thật ra, cha mẹ yêu thương cố gắng làm dịu nỗi đau của con. Tương tự thế, Đức Chúa Trời không làm cho người vô tội chịu đau khổ.—Sáng-thế Ký 18:25.

Dù Đức Chúa Trời có quan tâm thì người vô tội cũng đang chịu đau khổ. Bạn có thể thắc mắc: “Nếu Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta và có quyền lực thì tại sao ngài không loại bỏ mọi nguyên nhân gây ra đau khổ?”.

Đức Chúa Trời để cho sự đau khổ tiếp tục diễn ra vì những lý do chính đáng. Hãy xem một lý do: Thường thì con người gây đau khổ cho người khác. Nhiều kẻ bắt nạt và người bạo ngược gây đau buồn cho người khác không sẵn sàng thay đổi đường lối mình. Vì vậy, để xóa bỏ một trong những nguyên nhân gây đau khổ, Đức Chúa Trời sẽ phải hủy diệt những kẻ ấy.

Để giải thích tại sao Đức Chúa Trời chưa hủy diệt những người làm điều xấu, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đức Giê-hô-va không chậm trễ thực hiện lời hứa của ngài như một số người nghĩ, nhưng ngài kiên nhẫn với anh em vì chẳng muốn ai bị diệt, mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). Sự kiên nhẫn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu thương và lòng thương xót bao la.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ hành động. Ngài sẽ “lấy hoạn nạn báo trả những kẻ gây hoạn nạn” cho người vô tội. Những ai gây đau khổ cho người khác một cách bất công sẽ “chịu án phạt là bị hủy diệt vĩnh viễn”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9.

Anh Ian, được đề cập ở trên, tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho thắc mắc của mình về sự đau khổ. Những điều học được đã thay đổi cái nhìn của anh về cuộc sống. Hãy đọc câu chuyện của anh nơi trang 13 của tạp chí này.